Đà Nẵng cuối tuần

LẮNG NGHE DI SẢN

Chứng nhân của thời gian

15:02, 25/05/2024 (GMT+7)

Mang theo câu chuyện lịch sử, văn hóa và nghệ thuật quý giá, mỗi công trình kiến trúc xưa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa là chứng nhân của thời gian, vừa là sợi dây kết nối giữa con người với một thời vàng son quá khứ…

Đình làng Thạc Gián là công trình mang bố cục kiến trúc đặc trưng của đình làng, miếu mạo xưa, đi theo hướng cổng đình, bình phong, sân đình, chính điện, hậu tẩm. Ảnh: T.Y
Đình làng Thạc Gián là công trình mang bố cục kiến trúc đặc trưng của đình làng, miếu mạo xưa, đi theo hướng cổng đình, bình phong, sân đình, chính điện, hậu tẩm. Ảnh: T.Y

Vàng son một thuở

Mỗi công trình kiến trúc xưa tại Đà Nẵng như một trang sách đầy ắp thông tin, giúp chúng ta hiểu hơn câu chuyện hình thành và phát triển vùng đất. Ví như, di tích Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê xây dựng từ năm Duy Tân thứ 6 (1912) vẫn ngày ngày lưu giữ câu chuyện nghề biển gắn với đời sống của cư dân Thanh Khê qua nhiều thế hệ. Theo lời các bậc cao niên, công trình tọa lạc trên gò đất cao, hướng tây bắc nhìn ra sông Phú Lộc, đây là hướng phong thủy thường được chọn theo quan niệm truyền thống “đông sinh, tây tử”, “đông cư, tây tập (mộ), thờ phụng những vị thần của làng vạn và những âm linh chết mất xác trên biển… Là di tích nghiêng về tín ngưỡng tâm linh, kiến trúc nhà thờ ngoài khu nhà chính điện thiết kế 3 gian còn có miếu thổ thần, miếu thờ vọng, nhà trù và mộ phần ngài tiền hiền Hồ Quý Công - một dòng họ lớn sinh sống tại làng Thanh Khê thế kỷ XVII dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

"Với nhận thức ngày càng đúng đắn hơn về di sản văn hóa vật thể, các công trình kiến trúc cổ mà người Đà Nẵng còn gìn giữ cần được tiếp tục truyền thông, giúp làm nổi bật giá trị văn hóa - lịch sử của từng công trình. Quan trọng hơn là để kịp thời ngăn chặn những hành vi, hoặc vì thiếu hiểu biết mà hủy hoại di tích, công trình kiến trúc cổ, nhân danh hoạt động trùng tu, tôn tạo, biến những công trình kiến trúc trăm tuổi thành những công trình kiến trúc kệch cỡm, màu mè. Trong quá trình này, giới sử học thành phố luôn sẵn sàng đồng hành giới truyền thông để góp phần làm cho Đà Nẵng xứng đáng là một thành phố có ký ức".

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố

Cũng trên địa bàn quận Thanh Khê, di tích cấp quốc gia đình làng Thạc Gián từ lâu trở thành biểu tượng kiến trúc, lịch sử, văn hóa của người dân thành phố. TS.KTS. Phan Bảo An, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đánh giá đây là công trình mang bố cục kiến trúc đặc trưng của đình làng, miếu mạo xưa, đi theo hướng cổng đình, bình phong, sân đình, chính điện, hậu tẩm. Tất cả các yếu tố trên được bố trí thẳng hàng theo trục “dũng đạo” xuyên suốt từ ngoài vào trong. Ngoài ra còn có một số không gian phụ như nhà trù, miếu thờ, bệ thờ âm linh… Theo KTS. Phan Bảo An, trong văn hóa tâm linh, trục “dũng đạo” là xương sống kết nối các thành phần khác giúp cân đối, hài hòa và bảo đảm yếu tố phong thủy.

Những mái đình tại Đà Nẵng có vai trò phục vụ hoạt động tín ngưỡng nên chính điện (nơi diễn ra hoạt động chính) luôn được bố trí ở vị trí trung tâm. Phần mái lợp ngói âm dương có các máng xối để thoát nước, bên dưới là không gian ba gian hai chái với năm hàng chân cột, mỗi hàng sáu cột. Bên trên các bờ nóc được tạo hình “tứ linh” bằng cách đắp nổi và khảm sành sứ đẹp mắt. “Đây là nét kiến trúc đặc trưng chung trong hình thức trang trí các đình làng tại Đà Nẵng so với đình làng khu vực Bắc Bộ. Nếu văn hóa làng xã thường gắn với hình ảnh lũy tre thì bên trong làng, đình làng được xem là trái tim, nơi kết nối hoạt động, tâm thức của con người hướng về nguồn cội”, ông An đúc kết.

Cùng với giá trị lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng, các công trình xưa còn lưu giữ giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc. Theo TS. KTS. Lê Minh Sơn, Trưởng bộ môn Kiến trúc, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), khoảng cuối thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng ở giai đoạn thuộc Pháp với danh nghĩa “khu nhượng địa” tên gọi Tourane, do đó việc thiết kế quy hoạch thành phố được tiến hành theo chức năng và mô hình phương Tây.

Cùng với mục tiêu phát triển mạng lưới đường phố mà mở đầu là đường Bạch Đằng (Quai Courbet), các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng, tôn giáo cũng được xây dựng vào khoảng thời gian từ 1888 đến 1920 theo các khuôn mẫu kiến trúc cổ điển Pháp lúc bấy giờ. Trong đó, Tòa Đốc lý (1898-1900, 42 Bạch Đằng, có tuổi đời hơn 120 năm tuổi) là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị. Công trình được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, đối xứng với những chi tiết mỹ thuật tinh xảo. Tọa lạc trên vị trí chiến lược của tuyến đường Bạch Đằng, mặt đứng tòa nhà hướng thẳng ra bờ sông Hàn với một không gian thoáng đãng phía trước. Đây là công trình mang tính đại diện cho một giai đoạn phát triển của thành phố.

Cần sự tham gia của cộng đồng dân cư

Khi đề cập đến những công trình kiến trúc xưa, không ít ý kiến cho rằng bản thân chúng đã có sức hút khi mang trong mình một vẻ đẹp hoài niệm, gợi lên câu chuyện xưa cũ và những giá trị văn hóa lịch sử đáng trân trọng. Nói cách khác, sức hút tự thân của công trình, di tích không chỉ nằm ở vẻ đẹp kiến trúc mà ở sự bí ẩn và những câu chuyện lịch sử đằng sau chúng.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, định kỳ 3 đến 5 năm/lần, bảo tàng phối hợp phòng văn hóa thể thao quận, huyện, ban quản lý và tổ bảo vệ di tích tiến hành tổng kiểm kê các di tích trên địa bàn. Quá trình kiểm kê này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đà Nẵng. Bằng cách đánh giá thực trạng di tích, công trình kiến trúc xưa, cơ quan chức năng có thể nhận diện nguy cơ tiềm ẩn, từ đó đưa ra biện pháp bảo vệ cũng như tu bổ các công trình này. Tuy nhiên, theo ông Thiện, công tác kiểm kê và bảo vệ di tích không đơn thuần là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Việc nâng cao nhận thức của người dân về những giá trị của di sản văn hóa, khuyến khích họ tham gia vào quá trình bảo vệ và giữ gìn di sản rất quan trọng. “Khi người dân cảm nhận được giá trị của di tích và tự hào về chúng, họ sẽ trở thành người bảo vệ tích cực và hiệu quả. Ngoài ra, việc bảo tồn công trình kiến trúc tín ngưỡng, tâm linh còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và văn hóa dân tộc. Thông qua hoạt động tham quan, học tập tại di tích, học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về quá khứ, từ đó hình thành ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, ông Thiện phân tích.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố khẳng định, mỗi công trình kiến trúc được hình thành và đồng hành với thời gian thực sự là một chứng nhân lịch sử, bởi qua đó người đời có thể cảm nhận được thị hiếu nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân công trình, đồng thời cảm nhận được phong cách kiến trúc của từng thời kỳ hay từng trường phái. Đơn cử, qua các công trình kiến trúc xuất hiện ở Đà Nẵng từ thập niên 1890 đến nửa đầu thế kỷ XX, có thể thấy được sự tiếp biến văn hóa phương Tây nói chung và sự tiếp biến phong cách kiến trúc phương Tây nói riêng - chủ yếu là kiến trúc Pháp. Bên cạnh đó, đình chùa cũng là những công trình kiến trúc cũ cần được bảo vệ.

“Ở Đà Nẵng có một số đình làng có kiến trúc vừa quen, vừa lạ như đình Thần Nông ở làng Phong Lệ Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) với hình sừng trâu trên mái. Hay như chùa Tam Bảo (còn có tên chùa Nguyên Thủy), là ngôi chùa Nam tông/Tiểu thừa duy nhất ở Đà Nẵng, hình hành vào nửa đầu thập niên 1960 nhưng phong cách kiến trúc độc đáo với tháp mái năm tầng, mỗi tầng lợp ngói theo từng màu của cờ Phật giáo. Với nhận thức ngày càng đúng đắn hơn về di sản văn hóa vật thể, các công trình kiến trúc cổ mà người Đà Nẵng còn gìn giữ cần được tiếp tục truyền thông, giúp làm nổi bật giá trị văn hóa - lịch sử của từng công trình. Quan trọng hơn là để kịp thời ngăn chặn những hành vi, hoặc vì thiếu hiểu biết mà hủy hoại di tích, công trình kiến trúc cổ, nhân danh hoạt động trùng tu, tôn tạo, biến những công trình kiến trúc trăm tuổi thành những công trình kiến trúc kệch cỡm, màu mè. Trong quá trình này, giới sử học thành phố luôn sẵn sàng đồng hành giới truyền thông để góp phần làm cho Đà Nẵng xứng đáng là một thành phố có ký ức”, ông Tiếng tâm huyết.

Có thể nói, di sản đô thị và vẻ đẹp kiến trúc có vai trò rất lớn trong việc tạo nên câu chuyện lịch sử, bản sắc mỗi vùng đất. Do đó, đòi hỏi mỗi chúng ta - đặc biệt là giới nghiên cứu, sử học cần có phương pháp tiếp cận, can thiệp đúng đắn mới hy vọng không phá hỏng những giá trị vốn có của những công trình này.

TIỂU YẾN

.