Đà Nẵng cuối tuần

Về một người thơ tựa gió

15:11, 25/05/2024 (GMT+7)

Nguyễn Đông Nhật là một người thơ lặng lẽ. Một trong những điều ông gửi lại trọn vẹn trong thơ là rung cảm chân thực nhất với cuộc đời, về nhân sinh quan, về tình yêu và nỗi tuyệt vọng. Ông, như ẩn sĩ của gió và chiếc áo thời gian. Nhỏ bé và đơn độc, nhưng, mãi là một ngọn gió lành, thổi mát lòng người dâu bể, trái ngang.

Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật tại Trạm radar 545, tháng 11-2023. Ảnh: ANH ĐÀO
Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật tại Trạm radar 29, tháng 11-2023. Ảnh: ANH ĐÀO

Tôi và nhà thơ Nguyễn Đông Nhật từng có chuyến thực tế, sáng tác trên núi Bà Nà khi nơi đây chưa hình thành khu du lịch nổi tiếng, và lên lại nơi này khi toàn bộ cảnh quan đều rất mới. Tại đây, ông rất thích ngắm hoa đào chuông trên đỉnh Bà Nà. Ông, làm cả đoàn anh em văn nghệ sĩ cùng đi chuyến thực tế ấy, dừng lại, lặng yên nghe nhịp thở chính mình giữa không gian mây trời vời vợi. Ông, đi và nhặt bước chân mình, một cách bình lặng. Ông, nhẹ hơn cả gió.

Nhớ, mùa thu năm 2021, khi tình hình Covid-19 vừa tạm lắng, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật hẹn tôi ở quán Café Hạt, đường Vân Đồn, ngay gần chỗ ông ở. Đó là buổi cà phê mà tôi được thấy rõ dáng vẻ hào sảng của ông. Ông hút thuốc, cười phả gió và rất vui. Ông nói với tôi rằng, ông đã chuẩn bị cho cái chết, ông tự thu âm những trang kinh đọc tụng cho chính mình. Tôi không ngạc nhiên, bởi, ông là một người bình lặng nói, và làm, như cách ông làm thơ đã rất lâu.

Nguyễn Đông Nhật là một người thơ lặng lẽ. Một trong những điều ông gửi lại trọn vẹn trong thơ là rung cảm chân thực nhất với cuộc đời, về nhân sinh quan, về tình yêu và nỗi tuyệt vọng. Ông, như ẩn sĩ của gió và chiếc áo thời gian. Nhỏ bé và đơn độc, nhưng, mãi là một ngọn gió lành, thổi mát lòng người dâu bể, trái ngang. Trong thế giới thơ của Nguyễn Đông Nhật, tôi được gợi mở nhiều điều. Đó là nỗi khát khao, sự dằn vặt, tâm hồn một thi nhân chọn lấy sự cô đơn để viết. Văn chương, đôi khi là cánh cửa duy nhất mở ra cho ông một điểm tựa. Điểm tựa ấy, với ông, chừng như ít người, có thể đến bên ông để chia sẻ, vỗ về và cảm thấu được. Không ít lần trong các sáng tác của mình, ông nhận mình là gió. Ông hóm hỉnh, nhưng lại nghiêm cẩn. Rất ít nói nhưng nếu đã nói, đã kể, thì câu chuyện nhiều thâm sâu, đời.

Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật, sinh năm 1950 tại làng Giao Thủy, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. 74 tuổi, nhà thơ vẫn tin rằng thơ, và chỉ có thơ, mới cứu rỗi, mới nhẫn, mới đa mang cuộc đời, hơn tất cả mọi thứ.

Tôi đọc "Bài ca của gió" ông viết cách đây 23 năm và nhận ra, một hình dung khác về Nguyễn Đông Nhật: "Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này/ Không tiễn đưa/ Dù đôi khi tôi cũng thích sự đưa tiễn/ Nó làm cho người ta trẻ hơn…/ Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta xuống cuộc đời/ Như cái bóng/ Anh có thấy như thế không?".

Hành trình thơ Nguyễn Đông Nhật được thẩm thấu qua một lăng kính. Ông viết: "Chỉ còn một ngọn đèn/ lạnh/ Sáng một mình/ Một bóng/ Tôi". Ông đúc kết: “Giấy trắng/ chữ trắng/ những chữ đẹp nhất/ Tìm chúng trong đêm/ Chúng hiện giữa ngày”. Sinh mệnh của đời người, là cuộc trốn chạy, và nghiệp văn chương, đôi khi, người nghệ sĩ tự trốn chạy cảm xúc của mình. Đau trên trang giấy trắng khi cảm xúc chưa thể viết ra chân thành nhất.

Hình ảnh gió trong thơ Nguyễn Đông Nhật, rất nhiều. Có lẽ, ông lựa chọn một hình ảnh nhẹ nhưng mang sức nặng rất lớn, ẩn chứa mọi biến động của thiên nhiên, tạo vật và cả con người: "Gió. Yên lặng gió sẽ chào đón chúng ta/ nơi không có thời gian chẳng còn không gian/ và trái tim chúng ta khỏa thân/ giữa nhịp mùa trong sạch".

Thời gian, tôi chập chững men theo hành trình viết, gặp ông, ngộ ra những điều nhẹ hơn gió - là cuộc đời này, mọi hạnh ngộ đều có nhân duyên. Kiếp người, phù sinh mây trắng, mọi thứ, đều nhẹ bẫng như gió. Hôm kia, vừa mới gặp ông, ông cười hóm hỉnh, bắt tay rất chặt rồi hỏi tôi “vẫn viết đều chớ, khỏe không?"

Ở tuổi 74, ông vẫn miệt mài sáng tác và đang chuẩn bị bản thảo cho mấy cuốn sách sẽ in trong thời gian tới. Giữa rất nhiều huyên náo ngoài kia, tôi vẫn gặp một Nguyễn Đông Nhật lặng yên bên từng bản thảo, với: "Những trang giấy viết dở dang/ những quyển sách đóng bụi trên giá gỗ/ những cơn gió trên đường thẳm xa/ những góc tối nhiều màu sau khung cửa đóng" (Năm mới). Sự hiền minh, triết lý đúc rút từ đời sống thực, hay mọi thứ trên cuộc đời này đều nhẹ bẫng sắc-không, với ông, tất cả đều dừng ở chữ duyên, chữ ngộ. Tôi gọi ông là ẩn sĩ gió. Trong bời bời gió ngoài kia, có những ngọn gió mang đến cho ta sự bình yên vĩnh cửu.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

.