Đà Nẵng cuối tuần

Đồng nghiệp

14:13, 14/06/2024 (GMT+7)

Trong Luận cương thứ VI về Feuerbach, C.Mác đã khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” - là kết quả tổng hợp của tất cả các quan hệ xã hội mà mỗi chủ thể phải giao tiếp - từ thiêng liêng, cao cả tới bình thường, hằng ngày - trong tính hiện thực của nó. Bên cạnh mối quan hệ máu mủ ruột rà trong gia đình, mỗi người đều có xung quanh mình những mối quan hệ khác như quan hệ bạn bè, quan hệ tình cảm lứa đôi hay quan hệ đồng nghiệp. Trong đó, đồng nghiệp là mối quan hệ dường như vẫn nhận được nhiều quan điểm trái chiều, hoài nghi và phân vân nhất.

Mối quan hệ đồng nghiệp là mối quan hệ giữa những người làm việc cùng một công ty hoặc tổ chức. Thông thường mỗi người sẽ lựa chọn công việc để làm, lựa chọn tổ chức để gắn bó chứ ít khi có quyền lựa chọn hoặc ít để ý đến việc lựa chọn người sẽ làm việc cùng. Bên cạnh đó, trong các mối quan hệ xã hội hằng ngày, chúng ta luôn có sự “sàng lọc” để chơi thân với một vài người hoặc yêu người này, không thích người kia. Tuy nhiên, riêng mối quan hệ đồng nghiệp, đòi hỏi mỗi người đều phải nỗ lực thích nghi và xây dựng từ hai phía để bảo đảm sự trao đổi, kết nối, hoàn thành những công việc chung của tổ chức.

Đồng nghiệp là những người ở bên cạnh chúng ta phần lớn thời gian trong ngày, thậm chí có khi là nhiều nhất trong các mối quan hệ. Vậy mà, chúng ta vẫn thường nghe đâu đây những ý kiến như: không nên thân thiết với đồng nghiệp hay quan hệ đồng nghiệp chỉ nên là quan hệ xã giao đơn thuần… Trên thực tế, thường thì nơi nào bị tác động nhiều bởi những lợi ích vật chất hay tham vọng quyền lực thì nơi đó, tình cảm sẽ không còn là điều quan trọng nhất. Có lúc có nơi, có những người còn xem đồng nghiệp của mình như những đối thủ. Áp lực cuộc sống, áp lực phải giữ “cái chỗ” cho mình đôi khi làm mỗi người khép lòng lại với đồng nghiệp.

Lẽ đời, “kinh cung chi điểu”, những người đã từng gặp tình huống bị tổn thương do đồng nghiệp thì sẽ trở nên nghi hoặc, thận trọng khi kết giao cùng người khác tại nơi làm việc. Dù không muốn nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, đã có rất nhiều trường hợp đồng nghiệp nói không tốt về nhau, hay nghiêm trọng hơn là tìm cách làm hại nhau để tạo thành rào cản lớn trên con đường chức nghiệp của người khác. Những mối quan hệ đồng nghiệp như vậy vô hình trung sẽ gây xao lãng và làm giảm năng suất làm việc của mỗi cá nhân khi phải dành thời gian giải quyết những xung đột, rắc rối; những cảm giác không thoải mái và áp lực liên tục từ các mối quan hệ đồng nghiệp xấu có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của mỗi người. Thay vì thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực, quan hệ xấu có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự đối địch và cản trở quá trình phát triển của cả cá nhân và tổ chức.

Dù là quan hệ bạn bè hay đồng nghiệp thì tất cả đều là mối quan hệ giữa người với người, cần sự tương hỗ lẫn nhau. Sự sẻ chia và yêu thương mới là điều quan trọng nhất giúp chúng ta tìm được “gia đình thứ hai” của mình trong những môi trường tập thể bên ngoài. Vậy thì tại sao chúng ta không mở lòng và chân thành với những người đã hằng ngày ít nhất 8 tiếng cùng mình giải quyết công việc? Tại sao chúng ta không thử đẩy tình đồng nghiệp xích lại gần hơn và tương đồng với tình bạn bè - để có thể tin tưởng nhau hơn, để có thể chia sẻ vui buồn cùng nhau trên mỗi chặng đường? Sẻ chia được với gia đình, bạn bè là tất yếu, nhưng một khi san sẻ được cùng đồng nghiệp thì có lẽ môi trường làm việc sẽ trở nên ấm cúng và đáng tin cậy. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để xây dựng một tập thể vững mạnh - sự lớn mạnh không đến từ số lượng thành viên đông mà do chính sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết từ mỗi thành viên.

Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp trên các kênh thông tin những hình ảnh bịn rịn, yêu thương của đồng nghiệp trong cuộc sống, hay sự tôn trọng, gắn bó giữa những người dù không còn là đồng nghiệp nhưng vẫn luôn là bạn bè. Để có được những tình đồng nghiệp tốt đẹp như vậy, chắc hẳn mỗi người đã phải cố gắng gìn giữ, vun đắp mỗi ngày. Bên cạnh đó, vai trò của mỗi lãnh đạo phòng, ban, đơn vị cũng rất quan trọng trong việc tạo sự gắn kết, trung hòa, biết lắng nghe và giải quyết mọi vấn đề phát sinh trên cơ sở công bằng, khách quan và hợp tình hợp lý. Nhưng trên tất cả, đã là đồng nghiệp của nhau - đã có duyên gặp gỡ và xây dựng một mối quan hệ trong tổng hòa những mối quan hệ xã hội - thì phải xuất phát từ sự chân thành để có thể thấu hiểu, tôn trọng và gắn bó cùng nhau.

ĐỖ LAN HƯƠNG

.