Đà Nẵng cuối tuần

"Việt Nam là Bác - Bác là Việt Nam"

13:07, 01/06/2024 (GMT+7)

Trong văn học Việt Nam, hình tượng Bác Hồ được phản ánh khá đa dạng, phong phú và trở thành một trong những đề tài có nhiều thành tựu, đặc biệt là ở thể loại thơ. Có một thể loại văn học tạo nên dấu ấn riêng của nền văn học cách mạng, đó chính là trường ca. Trường ca với đặc trưng riêng của mình - có “nội dung lớn” chứa đựng trong một “hình thức lớn” - đã thực sự là thể loại có ưu thế so với thơ ngắn khi xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh. Hầu như bất kỳ một tác phẩm trường ca nào phản ánh về đề tài chiến tranh cách mạng cũng đều có đề cập đến hình tượng Bác Hồ bên cạnh rất nhiều những trường ca viết riêng về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (5-1956). Ảnh tư liệu
Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (5-1956). Ảnh tư liệu

Hình tượng Bác được các tác giả trường ca đề cập đến từ khi Bác còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ham hiểu biết và luôn siêng năng, giúp đỡ mọi người: “Hỏi gì thường hỏi đến nơi/ Mặc dầu chưa rõ nói lời, thành câu/…/ Khi đưa giấy đặt lên bàn/ Khi đem miếng vỏ, quả cam biếu bà/ Thường hay tranh chị quét nhà/ Tranh anh lượm lá xua gà mài son” (Thanh Tịnh, Đi từ giữa một mùa sen).

Sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước được thể hiện trong bối cảnh Sài Gòn những tháng năm còn mịt mờ, đen tối dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Bằng cách nhắc lại câu chuyện kể về Người, Thanh Thảo đã khắc họa bản lĩnh và nghị lực của Nguyễn Tất Thành ngay giờ phút sắp lên đường bôn ba tìm đường đi cho dân tộc: “Người thanh niên giơ hai bàn tay nhỏ nhắn nhưng cứng cỏi. Hai bàn tay lớn dần, lớn dần che kín toàn cảnh. Giữa lòng bàn tay như biển cả, người ta thấy tàu “đô đốc La-tút-sơ Trê-vi-lơ” nhổ neo...” (Thanh Thảo, Cỏ vẫn mọc). Rồi: “Từ đó, Người đi... những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển, một con tàu/ Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau” (Tố Hữu, Theo chân Bác). Tìm ra được con đường cứu nước, Bác trở về quê hương trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở trường ca Vách đá Hồ Chí Minh, dù nhân vật chính (Bác Hồ) hoàn toàn không xuất hiện, nhưng câu khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!” được người dân Tây Nguyên khắc trên vách đá cheo leo đã thách thức kẻ thù và mạnh mẽ như một lời hiệu triệu: “Lồng ngực con người căng trong bão tố/ Máu vọt ra mở đường cho vách đá bay lên/ “Hồ Chí Minh muôn năm!”.../ Như người lính canh truyền khẩu lệnh vang xa” (Thu Bồn, Vách đá Hồ Chí Minh). Cứ như thế, vượt qua muôn gian khổ, hy sinh, nhân dân nguyện đi theo con đường Người đã chọn để đất nước có ngày hòa bình, thống nhất Bắc Nam:

“Các vua Hùng dày công dựng nước cho ta. Ta gắng giữ
Lời Bác dặn muôn đời con cháu dám đâu quên
Ôi năm nào nửa vầng trăng anh cách trở nửa trăng em
Đến sông núi cũng chia làm hai nửa
Nay Tổ quốc đã rằm. Cơn hội ngộ
Người đoàn viên mà dân tộc cũng đoàn viên” 

                                                (Chế Lan Viên, Ngày vĩ đại)

Không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, Người còn là một nhà văn hóa lớn, và chính Người đã thổi luồng sinh khí mới để bừng sáng lên kho tàng văn hóa bao đời bị chìm trong lãng quên, những cái chưa hoàn chỉnh đã trở nên hoàn chỉnh; những cái “đổ vỡ” do sự tàn phá của chiến tranh, Người cũng trả về vẹn nguyên giá trị: “Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần/ (cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn)/ Nhưng có Người, những cái mất đi phải trả về hình dáng” (Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng). Chính vì lẽ đó, mà ngày Người từ giã cõi đời cũng là ngày “Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối” (Chế Lan Viên). Người lính đang chiến đấu cũng đau xót đến tưởng chừng cả núi rừng Trường Sơn đều chung tiếng khóc:

“Con đã từng khóc Bác ở trong rừng
Phải dựa vào cây trong đêm truy điệu”

                        (Hữu Thỉnh, Đường tới thành phố)

Và trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, ngày Bác ra đi cũng là một sự kiện lịch sử quan trọng về một con người hiến dâng cả đời mình cho toàn dân tộc: “Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay.../ Như thế, Người đi... Phút cuối cùng/ Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung/ Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau, để nhớ chung” (Tố Hữu, Theo chân Bác).

Bác ra đi đến nay đã tròn 55 năm (1969-2024), nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn tỏa rạng đến muôn đời sau. Trong thời đại mới, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử một con người để mãi mãi trở thành một chân lý khắc ghi như một lời tâm niệm: “Việt Nam - Hồ Chí Minh!”. Đúng như nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã khẳng định trong trường ca “Nguyễn Văn Trỗi” được viết từ thời chống Mỹ: “Điệu lục bát, khúc dân ca/ Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam” (Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Trỗi).

Có thể nói, bằng lòng kính yêu vô hạn, các tác giả trường ca đã khắc họa một nhân vật lịch sử, văn hóa mà số phận mình luôn gắn chặt cùng số phận của toàn dân tộc, với tầm cao thời đại đầy chất sử thi.

MAI BÁ ẤN

.