Đà Nẵng cuối tuần

Long sàng vua Đinh Tiên Hoàng

16:26, 06/07/2024 (GMT+7)

* Trong lần ra thăm Ninh Bình nhân kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) tôi có nghe giới thiệu về long sàng của vua Đinh Tiên Hoàng nhưng chưa rõ sự tích. Mong quý báo thông tin thêm về hiện vật được xếp hạng bảo vật quốc gia này. (Trần Ngọc Quảng, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Năm 2017, cặp long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: V.T.L
Năm 2017, cặp long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: V.T.L

- Long sàng (龍牀) được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là: “Giường khắc hình con rồng, tức giường vua nằm”. Tuy nhiên đối với hai long sàng ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, nhiều tài liệu ghi là “sập đá”.

Hai chiếc sập đá này được đặt ở Nghi môn ngoại và ngay trước Bái đường trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cả hai đều được chạm khắc hình rồng trên mặt, thể hiện sự uy quyền của bậc đế vương xưa, là kiệt tác điêu khắc của người Việt cách đây 500 năm.

Nếu trong không gian thờ cúng của người Việt xuất hiện nhiều sập đá mà hầu hết đều tạo tác bề mặt trơn, phẳng, thì bề mặt cặp long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có trang trí hình rồng cuộn với nhiều chi tiết độc đáo, thể hiện uy quyền của bậc đế vương.

Bài “Long sàng 500 năm tuổi bảo vật quốc gia” đăng trên Báo Dân Trí cho biết, tuy cặp long sàng đều được chạm khắc hình con rồng đang cuộn, nhưng các bàn chân rồng đều cách điệu thành bàn tay con người.

Trên long sàng Nghi môn ngoại, ngoài hình rồng còn có hình sư tử được khắc sắc nét giữa hai chi sau của con rồng. Đầu rồng to, miệng đang há ngậm viên ngọc, răng và sừng sắc nhọn. Bốn chi của rồng được nhân cách hóa, thay vào chi chim ưng với những móng vuốt sắc nhọn thì chi rồng này là bốn bàn tay người phụ nữ mềm mại, tay thì cầm sừng và bờm, tay thì vít râu rồng.

Long sàng trước Bái đường cũng được khắc hình rồng cuộn tròn mình trên mặt sập. Các chi của rồng cũng được cách điệu nhân cách hóa rất lạ lẫm và thần bí. Ba chân rồng được cách điệu thành bàn tay con người, mỗi bàn tay thực hiện một nhiệm vụ, không tay nào giống tay nào, tay thì vít chặt sừng rồng, tay nắm chặt bờm.

Bài viết “Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng - Bảo vật quốc gia” đăng trên Báo Ninh Bình cho biết thêm rằng, long sàng trước Nghi môn ngoại được triều đình nhà Lê cho chế tác vào đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, 1608) bằng đá vôi nguyên khối có tuổi địa chất khoảng 260 triệu năm với hệ thống đồ án cung đình, chính thống, phù hợp với ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền. Sập chạm khắc ba con rồng, bốn dạ xoa, hai thao thiết; một phô thủ; một sư tử, đều rất chuẩn mực.

Long sàng trước Bái đường do nhân dân Trường Yên công đức, được chế tác cuối thế kỷ XVII (niên hiệu Chính Hòa thứ 17, 1696) bằng đá vôi nguyên khối có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm. Thời gian này, xã hội có nhiều biến động, văn hóa làng phát triển mạnh, họa tiết trên long sàng mang màu sắc thế tục rõ nét, với các hình tôm, cá, chồn, chuột, chim đậm chất dân gian, bông lơn, hài hước.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư ngày nay nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan. Vì thế, giá trị lịch sử, văn hóa của cặp long sàng, bảo vật quốc gia ngày càng phát huy giá trị mà cha ông để lại cho hậu thế.

ĐNCT

.