Đà Nẵng cuối tuần

Những quyết sách ấm lòng dân

14:54, 10/08/2024 (GMT+7)

Ngày 30-7, kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố khóa X thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm học 2024-2025 trên địa bàn Đà Nẵng. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 108,196 tỷ đồng, trong đó dự kiến kinh phí hỗ trợ đối với trẻ mầm non và học sinh các trường phổ thông công lập (đã trừ các đối tượng được miễn học phí theo chính sách của Trung ương và thành phố) khoảng 78,134 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng chi ngân sách miễn học phí cho học sinh.

Miễn học phí cho toàn bộ học sinh tạo sự phấn khởi cho phụ huynh, học sinh. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 2/2 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng trong một giờ học thủ công (năm học 2023-2024). Ảnh: M.T
Miễn học phí cho toàn bộ học sinh tạo sự phấn khởi cho phụ huynh, học sinh. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 2/2 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng trong một giờ học thủ công (năm học 2023-2024). Ảnh: M.T

Trong những ngày cận kề năm học mới, thông tin này giúp nhiều phụ huynh vơi bớt nỗi lo khi chuẩn bị đưa con đến trường, nhất là các hộ gia đình khó khăn. Quyết sách này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính cho học sinh và phụ huynh, bảo đảm an sinh xã hội mà còn tạo bước đột phá trong việc gắn kết sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tạo ra cơ hội giáo dục bình đẳng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong ước này của Người đã và đang được cụ thể hóa bằng các quyết sách như trên.

Có thể thấy, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm đến những người yếu thế cũng như tạo ra tính công bằng xã hội. Bên cạnh nghị quyết về hỗ trợ học phí, kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố khóa X còn thông qua nghị quyết về chủ trương hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo khi Trung ương thí điểm triển khai tắt sóng 2G tại Đà Nẵng. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 1.800 hộ gia đình (2.010 hộ khác được doanh nghiệp hỗ trợ) chưa có điện thoại thông minh để bảo đảm thông tin liên lạc với mức hỗ trợ tối đa mỗi hộ 2 triệu đồng/thiết bị. Đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố mà tất cả thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình chỉ hỗ trợ tối đa một lần.

Điều này cho thấy sự quan tâm chu đáo của chính quyền thành phố đến mọi mặt đời sống của người dân, góp phần thực hiện chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong câu chuyện chuyển đổi số, rõ ràng, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ khó bắt kịp nhịp bởi sự hạn chế về thiết bị cũng như công nghệ. Do đó, hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh là việc làm vô cùng ý nghĩa và hết sức nhân văn nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận với xu thế phát triển của khoa học, công nghệ. Quyết sách này không chỉ giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, góp phần giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo niềm tin cũng như động lực cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, Đà Nẵng là điểm sáng trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến với nhiều thành tích nổi bật. Tính đến đầu năm 2024, thành phố có 13 năm liên tiếp đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index), 4 năm nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, đến tháng 7-2024, có 97% thủ tục hành chính của thành phố được triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (gấp 2 so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 90%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66%, tăng 46% so với cuối năm 2023 (gần gấp 4 lần tỷ lệ trung bình của các địa phương toàn quốc là 17%)…

Để đạt được những con số ấn tượng này, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm đồng bộ, hiện đại hay triển khai áp dụng các mô hình, cách làm sáng tạo…, thành phố đặc biệt chú trọng yếu tố con người. Để chuyển đổi số đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, để mỗi người dân đều thuận lợi tiếp cận với khái niệm “chính quyền điện tử”, “chuyển đổi số” và rành rẽ với các thao tác kỹ thuật số…, chính quyền thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu. Và nghị quyết về chủ trương hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh chính là một trong những điểm sáng trong hành trình thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.

Luôn quan tâm dân, hiểu rõ nguyện vọng của dân và có các quyết sách sát thực tế, ấm lòng dân, đó là tôn chỉ các cấp lãnh đạo thành phố luôn đau đáu trong nhiều năm qua. Và quả ngọt của sự gắn bó mật thiết với nhân dân, vì dân ấy đã được minh chứng bằng những con số cụ thể, bằng thực tiễn trong thời gian qua.

HÀM CHÂU

.