Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới, sách hay
1. "Tượng cổ Champa - Những phát hiện gần đây” của PGS.TS. Ngô Văn Doanh (NXB Văn hóa - Văn nghệ, tái bản 2024) giới thiệu về nền nghệ thuật Champa nhưng chủ yếu thông qua những pho tượng, tức là những tác phẩm.
Bằng cách diễn đạt này, tác giả cho rằng sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, đánh giá và giới thiệu đến bạn đọc những giá trị rộng hơn, cả về văn hóa và nghệ thuật của những pho tượng Chăm mới được phát hiện và biết đến, cũng như trong việc xâu những pho tượng mới này vào chuỗi ngọc nghệ thuật điêu khắc Champa đã được xác định và chấp nhận. Không còn tồn tại từ lâu, nhưng vương quốc cổ Champa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc, lớn nhất, giá trị nhất và phong phú nhất là di sản tượng cổ. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, các pho tượng cổ Champa đang được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trong và ngoài nước: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (nước Pháp)... Biết bao nhiêu công sức và trí tuệ của các nhà nghiên cứu đã bỏ ra trong suốt hơn một trăm năm qua để xác định được niên đại của từng bức tượng, rồi xâu chúng vào thành chuỗi ngọc đẹp tượng cổ Champa, một trong những chuỗi ngọc điêu khắc cổ đẹp nhất và giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á.
Trong hơn 40 năm qua, PGS. TS. Ngô Văn Doanh tham gia nhiều cuộc điều tra các di tích và di vật Champa tại một số tỉnh miền Trung, vì vậy ông đã thấy và nghiên cứu tại chỗ hầu hết những hiện vật và tượng cổ Champa ngay sau khi chúng được phát hiện.
2. "Ngày mai của những ngày mai” (NXB Trẻ, 2024) là tập truyện ngắn gồm 54 mẩu truyện đầy hấp dẫn người đọc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tập truyện hấp dẫn ở đây không phải bởi sự kịch tính, mà hấp dẫn trong câu chữ, trên con đường tìm kiếm những vẻ đẹp lấp lánh giữa bao khắc nghiệt của đời sống.
Ngày mai của những ngày mai viết về những con người đơn thuần nhưng có những nét đẹp, có cách sống và cách hành xử “đẹp” làm con người ta phải nghĩ lại chính mình. Đó là những con người mong muốn “đối diện cuộc đời, để chiến đấu bảo vệ cái đẹp” (“Giá của một gương mặt”), là người mẹ ngẫm nghĩ về những “câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất” cho cậu con trai đang ở độ tuổi thắc mắc đủ thứ chuyện trên đời (“Món nợ không thể đòi”), là ông già cố “giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ; giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà” (“Hạt gửi mùa sau”), hoặc có khi chỉ là biểu tượng “cái giỏ đồ ít ỏi [nhưng] oằn trĩu niềm lo nghĩ, nỗi thương yêu” (“Tần ngần giữa chợ”).
Với lối viết dung dị, trong tập sách này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã biến cái riêng - thân phận của con người, bao gồm cả người kể chuyện và người đọc - thành tiếng nói chung, đồng điệu. Vì lẽ đó, ai cũng thấy bản thân ẩn vào câu chuyện, để hiểu mình, hiểu người, nhìn thấy chính mình.
MẪU ĐƠN