Đà Nẵng cuối tuần

Yêu nước từ tâm, trong mỗi hành động

16:23, 31/08/2024 (GMT+7)

Đúng 79 năm trước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó, ngày 2-9 trở thành sự kiện lịch sử đặc biệt, là cột mốc chói lọi trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày Quốc khánh, ngày Tết Độc lập của cả dân tộc. Là ngày mọi người dân Việt Nam ở trong nước và trên thế giới đều có quyền tự hào, hãnh diện. Đó cũng là ngày để mỗi con dân đất Việt tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công lao hy sinh to lớn của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước; nhớ lại chặng đường lịch sử gian lao nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, từ đó góp phần bồi đắp, khơi gợi lòng yêu nước, sự quyết tâm, tiếp tục có những hành động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập,  khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Tất nhiên, không chỉ vào ngày Quốc khánh, người dân Việt Nam mới thể hiện lòng yêu nước của mình. Lòng yêu nước ấy đã được hun đúc, tôi luyện, thử thách qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, điển hình qua những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, qua ý chí quyết tâm không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, dù chúng có hung hăng, bạo tàn, lớn mạnh đến đâu đi nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Tháng 8-2024, trong chuyến công tác Singapore, tại buổi làm việc với PGS.TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), người từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, tôi lại được nghe nhắc đến điều này, nhắc đến tinh thần yêu nước cháy bỏng của mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù ở trong nước hay đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Chính PGS.TS. Vũ Minh Khương, vì tình yêu với quê hương, đất nước đã nhiệt tâm “bắc cầu” giúp nhiều mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore trở lên tốt đẹp, hiệu quả hơn trong thời gian qua. “Người Việt Nam từng gắn bó, đồng lòng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó, đồng lòng ấy cộng hưởng tạo thành sức mạnh vô song. Trong thời đại mới, chúng ta cần khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào, đoàn kết, gắn bó ấy để tạo nên những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, PGS.TS. Vũ Minh Khương cho biết.

Chúng ta luôn tự hào về lòng yêu nước của mỗi cá nhân, dân tộc và chính điều ấy giúp chúng ta nhận ra những gì còn hạn chế, chưa hợp lý trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là việc thể hiện lòng yêu nước còn chưa đúng lúc, đúng chỗ, đôi khi thái quá, kệch cỡm, không phù hợp. Đó là những biểu hiện, hành vi sai lệch, phạm pháp của một số cán bộ, đảng viên suy thoái, tha hóa, biến chất làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là những “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân còn thờ ơ, vô cảm, thiếu tận tâm, tận lực, không hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, phục vụ nhân dân. Đó còn là những cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, người giữ chức vụ cao trong xã hội vướng vòng lao lý. Đó là những “đại án” được đưa ra xét xử khiến xã hội bàng hoàng, căm phẫn về quy mô và mức độ vi phạm.

Trong bối cảnh ấy, ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định gồm 6 điều ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và không khó thực hiện. Đơn cử, ngay Điều 1, Quy định số 144, việc “yêu nước” được đặt lên đầu tiên, tiếp đến là sự “tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc” đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Việc nêu cao tinh thần yêu nước gắn chặt với “lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Với mỗi cá nhân, lòng yêu nước cần thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, bằng những lời nói, việc làm, hành động chuẩn mực, thiết thực, góp phần bé nhỏ vun đắp, bồi tụ, gắn kết sức mạnh tập thể để hoàn thành tốt, xuất sắc mọi công việc mà mình đảm trách, bất kể ở môi trường nào đi nữa. Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên mình được ra nước ngoài công tác, được đứng nghiêm trang làm lễ chào cờ trong một trận bóng đá tại Tiger Cup 2000 trên đất Thái Lan có đội tuyển Việt Nam tham dự. Một cảm giác xúc động trào dâng, trong người như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Cảm giác tự hào, yêu đất nước mình trỗi dậy, lan tỏa như ngấm vào từng tế bào, mạch máu trong cơ thể.

Tôi chắc chắn không thể nào quên chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa vào tháng 4-2017. Đúng là phải đặt chân đến những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tận thấy bao gian lao, vất vả, những hy sinh, mất mát mới càng thấy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc to lớn xiết bao. Không ai bảo ai, các thành viên trong đoàn công tác đều có những thay đổi tích cực trong lời ăn tiếng nói, trong hành động trên tàu, trên đảo, trong suốt hải trình không thể nào quên. Tôi tin rằng, không ít người sau khi trở về đất liền đã thay đổi hành vi trong cuộc sống, trong công việc theo hướng tốt hơn và ở đó, lòng yêu nước được thể hiện từ tâm, từ mỗi hành động dù là nhỏ nhất với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đơn vị và cho cộng đồng xã hội.

NGUYỄN TRI THỨC

.