Đà Nẵng cuối tuần
Hai tác phẩm đầu tiên viết về Phan Châu Trinh
Đã có hàng trăm tác phẩm viết về Phan Châu Trinh, nhưng có lẽ Phan Châu Trinh (của Phan Khôi) và Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (của Huỳnh Thúc Kháng) là những tác phẩm “đặc biệt” nhất!
Cuốn sách của Huỳnh Thúc Kháng đã cung cấp những thông tin quan trọng nhất về cuộc đời của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Ảnh: S.T |
Nhà nghiên cứu Thụy Khuê trong bài Vì sao Phan Châu Trinh phó thác đại sự cho Phan Khôi? đã cho rằng: “Phan Khôi được Phan Châu Trinh giao cho việc viết lại lịch sử đời mình”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong tác phẩm Phong Trào Duy Tân, những khuôn mặt tiêu biểu (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006) cho biết cụ thể hơn ở trang 478: “... Năm 1925 khi về nước, Phan Châu Trinh đã cho vời Phan Khôi vào Sài Gòn để viết một quyển sách về đời hoạt động và sách lược cứu nước của Tây Hồ. Phan Khôi đã viết xong bản thảo có tên “Phan Châu Trinh” nhưng bị phủ toàn quyền Đông Dương cấm in. Bản thảo đã thất lạc (theo “mật báo về tác phẩm Phan Châu Trinh của Phan Khôi” của sở mật thám Nam Kỳ, gởi thống đốc Nam Kỳ ký ngày 1-6-1926). Sách “Phan Châu Trinh” dày 94 trang đánh máy, do nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh xuất bản nhưng không phát hành được”.
Ông Nguyễn Q. Thắng chỉ cho biết nguồn của thông tin là từ Báo cáo của Sở Mật thám gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 1-6-1926 nhưng không cho biết tài liệu này hiện được lưu trữ tại đâu nên không thể kiểm chứng. Thêm nữa, cũng theo tác giả này, “bản thảo đã thất lạc” và cho đến nay vẫn chưa có người nào tìm thấy và công bố một bản sách được in của nhà in Xưa Nay nên không thể tìm hiểu nội dung của tác phẩm đặc biệt này. Nhưng nếu đúng như lời Nguyễn Q. Thắng thì đây chính là tác phẩm đầu tiên được viết về Phan Châu Trinh. Nên nhớ Phan Khôi là người tham gia triệt để phong trào Duy tân và từng được Phan Châu Trịnh có ý định chọn lựa để trao “đại sự” trước khi đi xa.
Tiếp sau tác phẩm Phan Châu Trinh của Phan Khôi, vào năm 1926 ngay sau khi Phan Châu Trinh qua đời, người đồng hương, “đồng nhân” của ông là Huỳnh Thúc Kháng đã thực hiện tác phẩm thứ hai mang tên: Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử. Trong lời tựa của sách, Huỳnh Thúc Kháng có cho biết ông viết tại Thạnh Bình tháng 6-1926. Thạnh Bình là quê của Huỳnh Thúc Kháng nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Ta biết Phan Châu Trinh mất ngày 24-3-1926. Đến ngày 4-4 mới an táng. Huỳnh Thúc Kháng là người tham gia trọn vẹn đám tang của Phan Châu Trinh. Sau đám tang “tôi đi chơi rong khắp Lục tỉnh trải 20 ngày, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá đều có đi qua” (Huỳnh Thúc Kháng niên phổ - Thơ trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để, NXB Văn hóa Thông tin, 2000, trang 61).
Như vậy cuối tháng 4-1926 ông mới về lại Quảng Nam và bắt đầu viết. Sách viết xong trong năm 1926 vì theo bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của Phan Châu Trinh thì trong một chuyến đi Huế vào cuối năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng có ghé Đà Nẵng và giao cho gia đình bà cuốn sách viết về tiểu sử thân phụ bà và căn dặn nên giữ gìn cẩn thận, chờ thời cơ thuận lợi thì xuất bản để phổ biến.
Gia đình bà Phan Thị Châu Liên đã giữ gìn cẩn thận di cảo này và phải hơn 30 năm sau mới tìm được thời cơ thuận lợi. Năm 1959, nhà xuất bản Anh Minh của Ngô Thành Nhân mới lần đầu cho ra mắt bạn đọc.
Sách chỉ dày có 59 trang, có thể chia làm ba phần:
Phần một là tiểu sử Phan Châu Trinh được chia làm 7 giai đoạn trong đó có giới thiệu 10 tác phẩm quan trọng của ông. Giai đoạn 1: Gia thế buổi nhỏ cùng thời kỳ học cử nghiệp. Giai đoạn 2: Làm quan ở Huế cùng việc tiếp thu tân học. Giai đoạn 3: Giao thiệp với cụ Sào Nam và đi du lịch. Giai đoạn 4: Đi Nhật về và các hành động trong nước. Giai đoạn 5: Bị đày ra Côn Đảo và tha về. Giai đoạn 6: 14 năm trên đất Pháp. Giai đoạn 7: Về nước và qua đời.
Phần hai là Phan Tây Hồ tiên sinh dật sử. Phần này tác giả giới thiệu 12 “dật sử” về Phan Châu Trinh.
Phần 3 là phụ lục, gồm bài văn tế của Phan Bội Châu viết khi Phan Châu Trinh qua đời và giới thiệu một số bài thơ.
Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử là một tác phẩm đặc biệt.
Thứ nhất, tuy viết sau hơn 1 năm nhưng do quyển sách của Phan Khôi đã “mất dấu” nên lâu nay sách Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng vẫn được dư luận cho là tác phẩm đầu tiên viết về Phan Châu Trinh.
Thứ hai, tuy là quyển sách có “quy mô khiêm tốn” nhưng lại cung cấp tương đối đầy đủ những thông tin quan trọng nhất về cuộc đời 54 năm của nhà cách mạng. Vì thế sách được xem là “tài liệu nguồn” để viết tiểu sử Phan Châu Trinh. Nhận định về tác phẩm này, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc cho rằng “Huỳnh Thúc Kháng đã tái hiện một cách sinh động và chân thực nhất với đầy đủ hành trạng, cá tính, nhân cách, tư tưởng và cả thơ văn của nhà cách mạng” (Dẫn lại Nguyễn Tất Thắng trong Tạp chí Khoa học Đại học Huế năm 2018, trang 169).
Thứ ba, trong tác phẩm này, Huỳnh Thúc Kháng đã đưa ra một nhận định mà càng ngày qua thực tiễn lịch sử, các nhà nghiên cứu đã đồng tình với nhau là đánh giá phù hợp nhất, chính xác nhất về tư tưởng, đường lối “độc sáng” của Phan Châu Trinh: “Như tiên sinh không những là người chí sĩ yêu nước mà thôi, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam ta vậy…”. Đúng vậy, chính Phan Châu Trinh là người đầu tiên khẳng định “văn hóa” là vấn đề mà dân tộc ta cần giải quyết để đạt nền độc lập lâu dài bền vững và sự tiến bộ của đất nước. Lịch sử ngày càng cho thấy tầm nhìn của Phan Châu Trinh đã vượt thời đại, không những vượt xa giới sĩ phu cùng thời mà cả nhiều thế hệ sau này!
Sau này, Daniel Héméry, một nhà sử học người Pháp, cũng có cùng nhận định: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những “nan đề” đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận”.
LÊ THÍ