Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện xưa về dưới lớp men lam
Dưới cơn mưa nhẹ đầu thu, ngôi nhà nhỏ trên đường Thanh Thủy của anh Tâm Lê trở nên yên tĩnh lạ lùng. Một chén trà nóng, một thoáng hương trầm, một bộ trường kỷ có tuổi đời trăm năm như chất men giúp cho câu chuyện giữa chúng tôi về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn thêm thấm đẫm dòng chảy của ký ức và sáng bừng thêm niềm say mê của anh trước chất men lam đẹp đẽ.
Bộ đồ trà trang trí cảnh “Long hổ tranh hùng”, hiệu đề “Bích ngọc”, thế kỷ XIX được anh Tâm Lê sưu tầm trong nhiều năm. Ảnh: T.Y |
1. Tôi biết anh Tâm Lê qua lời giới thiệu của Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện. Anh là người khá “kín tiếng” trong giới sưu tầm cổ vật ở Đà thành. Vì lẽ đó, cái tên Tâm Lê chưa bao giờ xuất hiện trên mặt báo, dù anh sở hữu rất nhiều món đồ cổ có giá trị hàng trăm năm. “Anh Tâm Lê không phải kiểu người thích phô trương bộ sưu tập của mình, nhưng những gì anh ấy sở hữu quả thật khiến người ta ngưỡng mộ”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói với tôi, trước khi cầm máy gọi điện cho anh Tâm Lê - người đang có hơn 100 mẫu đồ sứ ký kiểu giá trị, trong đó nổi bật là những bộ đồ trà và những tô, chén, đĩa được dùng trong các vương triều Nguyễn thế kỷ XVIII, XIX.
Nhẹ nhàng nhấc tô sứ vẽ quang cảnh núi Hải Vân kèm bài thơ thất ngôn bát cú viết bằng Hán tự có tựa “Ải lĩnh xuân vân”, được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sáng tác trong chuyến du ngoạn Hải Vân quan, anh Tâm Lê nói rằng đó là hiện vật tiêu biểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Lịch sử ghi lại, Nguyễn Phúc Chu là con trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái, kế vị năm 1691 và đến năm 1693 được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công, dâng tôn hiệu Quốc chúa. Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn Phúc Chu chủ yếu là tô, đĩa đựng thức ăn, có hiệu đề “Thanh ngoạn” nằm dưới đáy tô viết theo lối chữ triện trong vòng tròn kép, đường kính 18cm-22cm, thường vẽ phong cảnh sơn thủy, kèm theo các bài thơ vịnh phong cảnh Huế và các vùng lân lận.
Là người con Đà Nẵng nhưng mang trong mình dòng máu xứ Thần Kinh, anh Tâm Lê nói rằng duyên lành đã giúp anh có đủ niềm say mê và tình yêu dành cho đồ sứ ký kiểu. Bởi qua từng món đồ, anh không chỉ nhìn thấy giá trị nghệ thuật, mà như được chạm vào những trang sử và văn hóa của người xưa.
“Tôi thích cách người xưa gửi gắm tâm hồn vào mỗi nét vẽ, bài thơ”, anh Tâm Lê chia sẻ khi đưa cho tôi xem thêm một chiếc tô vẽ cảnh chùa Thái Bình (ngôi chùa nằm trên ngọn Tam Thai - tên gọi khác của ngọn Thủy Sơn ở quận Ngũ Hành Sơn). Đi kèm bức tranh là bài thơ chữ Hán có tựa “Tam Thai thính triều”. Bài thơ này được viết trong lần chúa Nguyễn Phúc Chu tuần du Quảng Nam năm 1719. Phong cảnh núi non trùng điệp, cây cối xanh tươi, mái chùa ẩn hiện dưới mây trời được ông tái hiện qua những nét vẽ tinh xảo, chỉn chu.
“Uống trà ngoài thưởng thức hương vị, còn thưởng thức văn hóa. Vì thế, mỗi lần uống trà bằng những chén trà cổ, tôi cảm giác như hơi thở lịch sử đang chảy qua tay mình”, anh Tâm Lê ví von khi lấy từ tủ kính ra bộ đồ trà trang trí cảnh “Long hổ tranh hùng”, hiệu đề “Bích ngọc” được vua, chúa dùng gồm dầm, bàn, 1 chén tống và 2 chén tốt. Đến thời điểm này, đây là bộ đồ trà duy nhất được tìm thấy tại Việt Nam vẽ họa cảnh “Long hổ tranh hùng”. |
2. Giữa họa tiết rồng bay, phượng múa, giữa cảnh sắc hữu tình, tôi có cảm tưởng những tích xưa, chuyện cũ đang ùa về trong chất men lam… Sở hữu hàng trăm cổ vật có giá trị, anh Tâm Lê vẫn dành sự quyến luyến đặc biệt cho những bộ đồ trà. Theo anh, bộ đồ trà thể hiện sự tinh tế, trang nhã của người xưa trong nghệ thuật giao tiếp cũng như phong cách thưởng trà.
Thời Nguyễn, một bộ đồ trà thường gồm bốn thứ: tống, tốt, dầm, bàn. Trong đó, tống (tướng), chỉ chén lớn dùng chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi lóng cặn rồi mới chuyển sang các chén tốt. Tốt (quân), chỉ các chén nhỏ dùng để uống trà. “Dầm” là chiếc đĩa lót chén tống, trong khi “bàn” là chiếc đĩa nhỏ lót các chén tốt để làm nên một bộ trà hoàn chỉnh. Uống trà theo phong cách người Việt xưa, thường chỉ 3 người theo kiểu “trà tam, rượu tứ”. Vì thế, các bộ đồ trà từ thời này thường có 1 chén tống và 3 chén tốt. Trong mỗi bộ trà, chén tống, chén tốt giống nhau ở kiểu dáng, tranh trang trí và chỉ khác nhau về kích thước.
Sở hữu gần 10 bộ đồ trà ký kiểu được chế tác từ thế kỷ XVIII, anh Tâm Lê cho hay dựa theo kiểu dáng, hoa văn trang trí hay chất men là có thể biết được người xưa dùng bộ trà đó cho mùa nào, tháng nào trong năm. Ví như, bộ đồ trà “xuân - thu ẩm” với đĩa trà kiểu bo gãy được vua, chúa thời Nguyễn dùng uống trà vào mùa xuân, mùa thu. Chén trà dùng vào các mùa này có miệng đứng, thành cao trung bình, xương sứ mỏng vừa phải. Trong khi chén trà “hạ ẩm” được sử dụng vào mùa hạ lại có miệng loe rộng, thành thấp, nông lòng, xương sứ mỏng giúp nước nhanh nguội. Vào mùa đông, để giữ nhiệt tốt hơn, người Việt dùng chén trà “đông ẩm” có miệng kín, thành cao, sâu lòng và lớp sứ dày.
“Uống trà ngoài thưởng thức hương vị, còn thưởng thức văn hóa. Vì thế, mỗi lần uống trà bằng những chén trà cổ, tôi cảm giác như hơi thở lịch sử đang chảy qua tay mình”, anh Tâm Lê ví von khi lấy từ tủ kính ra bộ đồ trà trang trí cảnh “Long hổ tranh hùng”, hiệu đề “Bích ngọc” được vua, chúa dùng gồm dầm, bàn, 1 chén tống và 2 chén tốt. Đến thời điểm này, đây là bộ đồ trà duy nhất được tìm thấy tại Việt Nam vẽ họa cảnh “Long hổ tranh hùng”.
“Năm 2008, tôi may mắn sưu tầm được chiếc “dầm” có họa tiết “Long hổ tranh hùng”. Ba năm sau đó, tôi tiếp tục sưu tầm được 1 “bàn” và 2 “ly quân” cùng chủ đề. Đây là họa tiết quý trong đồ sứ ký kiểu nên tôi quyết tâm tìm kiếm cho đủ bộ. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7-2024, khi tham gia triển lãm “Cổ vật hội tụ” tại Điện Kiến Trung ở Hoàng thành Huế, tôi mới may mắn sưu tầm thêm chiếc ly tống và đang tiếp tục tìm thêm ly quân để hoàn thiện bộ trà này”, anh Tâm Lê chia sẻ và cho biết về trị tinh thần mà bộ trà này mang lại cho anh.
Cũng theo anh Tâm Lê, rồng và hổ, hai hình tượng thể hiện hai thế lực giữa trời và đất. Nói cách khác, rồng đại diện cho sức mạnh quyền uy, thịnh vượng, trường tồn, trong khi hổ tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên cũng như sự dũng mãnh, bá chủ một vùng. Cả hai linh vật trong bức họa nhìn như đang đối kháng nhưng lại rất hòa hợp, tôn vinh lẫn nhau và là biểu tượng cho triết lý “âm dương tương hợp” trong văn hóa Á Đông. Sự hòa hợp này không chỉ là ý tưởng nghệ thuật mà còn phản ánh triết lý sống của người Việt xưa, một triết lý dựa trên sự cân bằng giữa các yếu tố trong cuộc sống.
3. Chúng tôi thích thú ngắm những bộ đồ trà, những tô, chén, đĩa, khay, rương, trường kỷ, ống điếu… trong không gian ấm cúng, trang trọng và đầy hoài niệm. Từng họa tiết, chất men trắng vẽ lam, kiểu dáng, kích cỡ như đang kể lại những câu chuyện riêng. Nhìn người đàn ông nâng niu từng món đồ, tôi bất chợt hỏi có bao giờ anh nghĩ đến việc đưa bộ sưu tập này ra công chúng không, anh trả lời “không ít người khuyên tôi làm điều đó, nhưng tôi nghĩ, những món đồ này cần được đặt trong một không gian riêng, nơi mọi thứ được trân trọng và gìn giữ như một phần trong dòng chảy văn hóa, lịch sử. Và hơn ai hết, tôi muốn mỗi người khi đến đây đều cảm nhận được tinh thần của mỗi vật phẩm, chứ không chỉ là đến ngắm những món đồ trưng bày vô tri”, anh Tâm Lê nói.
Có khá nhiều chi tiết giúp phân biệt đồ sứ ký kiểu Đàng Trong, Đàng Ngoài trong giai đoạn này, tuy nhiên có thể dựa vào những đường nét chính như họa tiết trang trí, chất liệu men và hiệu đề. Ví như, đồ sứ ký kiểu Đàng Trong, đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn thường vẽ phong cảnh hữu tình về vùng đất miền Trung, kết hợp với các bài thơ chữ Hán, khắc họa chất thi vị, lãng mạn của một thời kỳ văn hóa nở rộ. Trong khi đó, đồ sứ ký kiểu Đàng Ngoài, vốn chịu ảnh hưởng từ triều đình Lê - Trịnh, thường mang phong cách mạnh mẽ với họa tiết chủ yếu rồng, phượng và các biểu tượng quyền lực để thể hiện sự hùng mạnh của tầng lớp vua, quan thời bấy giờ.
Giữa hàng trăm món đồ cổ có giá trị được giới yêu cổ vật sưu tầm, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn mang nét đặc trưng riêng khi thể hiện sự phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đề tài và hoa văn trang trí nên chất men lam bóng bẩy, dịu mắt. Đặc biệt, đây là dòng sứ chế tác riêng cho người Việt nên sản phẩm làm ra được xuất khẩu toàn bộ sang Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn ngày càng quý hiếm và được giới sưu tập như anh Tâm Lê nâng niu, quý trọng.
TIỂU YẾN