Đà Nẵng cuối tuần
Đà Nẵng - Mái nhà nhân ái
Toàn thành phố Đà Nẵng có 14 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 2 cơ sở công lập và 12 cơ sở ngoài công lập, nuôi dưỡng gần 1.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Từ những chính sách an sinh xã hội của thành phố và sự nỗ lực của các đơn vị này, nhiều trường hợp người khuyết tật, cao tuổi, trẻ em mồ côi… được chăm sóc trong điều kiện bảo đảm với chất lượng được nâng cao.
Bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố được chăm sóc, nuôi dưỡng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: X.S |
1. Ông Nguyễn Sáu (SN 1952) được đưa về Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng vào tháng 5-2001, khi trụ sở đơn vị còn đặt tại phường An Khê (quận Thanh Khê). Thời điểm đó, ông được tiếp nhận trong tình trạng không tỉnh táo, không nói được tiếng Kinh, không nhớ gia đình là ai, quê quán ở đâu… Mọi thông tin đều mơ hồ.
Cái tên Sáu của ông bây giờ cũng được đặt theo số thứ tự đối tượng được thu gom thời điểm đó. Gần 25 năm được chăm sóc tận tình từ cán bộ, nhân viên trung tâm, giờ đây sức khỏe thể chất ông Sáu dần ổn định. Bây giờ, khi tuổi đã cao, ông trở thành một phần quen thuộc ở nơi này. Ông Sáu hiện là một trong số 370 trường hợp được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng.
Ông Tán Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng cho hay, từ năm 2021, Trung tâm chuyển sang hoạt động theo mô hình dịch vụ công, lĩnh vực bảo trợ xã hội từ sự đặt hàng từ thành phố, là một trong những đơn vị theo mô hình dịch vụ công đầu tiên. Theo đó, UBND thành phố ủy quyền Sở LĐ,TB&XH đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công với trung tâm.
Theo Sở LĐ,TB&XH, với những đơn vị công lập như Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 19-8-2020 của UBND thành phố ban hành quy định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội về trợ giúp xã hội như một bước ngoặt. Tại đó, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện chất lượng bảo đảm, hiệu quả hơn từ nguồn ngân sách thành phố.
Ông Vũ chia sẻ, từ khi có dịch vụ sự nghiệp công theo chủ trương trên, các định mức, tiêu chuẩn chăm sóc được tăng lên, nâng cao chất lượng đời sống của người tâm thần. Đặc biệt, với nhận thức về tâm thần đã thay đổi, đơn vị quyết liệt đổi mới cách chăm sóc, phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho đối tượng phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu tiêu chuẩn đặt hàng.
Hiện nay, hằng ngày người tâm thần được tham gia các hoạt động theo quy trình chặt chẽ. Các hoạt động phục hồi chức năng được quan tâm đẩy mạnh; đối tượng tham gia các hoạt động đa dạng từ lao động trị liệu, vật lý trị liệu, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Công tác chăm sóc y tế được thực hiện thường xuyên, tăng cường tầm soát các bệnh đa khoa kèm theo để kịp thời can thiệp. Thực đơn được cải thiện, bảo đảm dinh dưỡng. Cảnh quan môi trường được đầu tư, tạo không gian sống trong lành, thân thiện. Đến nay 98% đối tượng tại trung tâm được tham gia hoạt động hằng ngày, duy trì ổn định sức khỏe tâm thần.
2. Mùa hè năm 2001, một em bé đỏ hỏn được phát hiện bị bỏ rơi tại một ngôi chùa trên địa bàn thành phố trong tình trạng khuyết tật bẩm sinh. Sau khi các cơ quan chức năng liên quan làm thủ tục tiếp nhận, em được đón về chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ và ở lại mái ấm này cho đến nay.
Sau hơn 23 năm, em bé ngày nào giờ là chàng trai T.V.H (SN 2001). Ở tuổi 24, H. được xem là anh cả của mái ấm. Với tình trạng khuyết tật, não úng thủy và bại liệt, H. không thể phát triển bình thường như nhiều bạn cùng trang lứa. Trong ánh mắt những cán bộ, nhân viên của trung tâm, H. vẫn luôn là em bé ngoan, luôn nhận được sự ân cần, chở che và yêu thương từ những bữa ăn, giấc ngủ…
Một trường hợp khác, bé gái T.Y.N (SN 2020) bị bỏ rơi ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, được Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ tiếp nhận từ vòng tay của cơ quan chức năng phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn). Năm nay 4 tuổi nhưng cô bé N. đã trải qua 3 lần phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo, bị hội chứng Down, u tụy.
Đó là hai trong số 21 trẻ mồ côi đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ. Tại đây, các em được thụ hưởng những chính sách nhân văn từ thành phố, được đông đảo cá nhân, tập thể có tấm lòng nhân ái quan tâm. Trong đó, các em được thành phố hỗ trợ tiền ăn với mức 2 triệu đồng/tháng cho mỗi em dưới 4 tuổi và 1,6 triệu đồng/tháng cho mỗi em trên 4 tuổi. Các em được tiêm vắc-xin định kỳ và chăm sóc, điều trị bệnh, ăn uống bảo đảm theo thực đơn đề ra.
Theo ông Huỳnh Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ, hiện đơn vị có 7 người đảm nhận vai trò bảo mẫu và cấp dưỡng, chia làm 2 ca mỗi ngày để chăm sóc cho các em. Thậm chí thay phiên túc trực ở bệnh viện trong trường hợp có trẻ phải điều trị. “Việc chăm sóc, nuôi dưỡng những em nhỏ mồ côi, trong đó hơn phân nửa em khuyết tật luôn là điều vất vả trong công tác ở trung tâm.
Tuy nhiên, điều thuận lợi là chúng tôi có sự kiên nhẫn, tâm huyết và tình thương từ đội ngũ cán bộ, nhân viên”, ông Hậu chia sẻ. Trong đội ngũ đó, có những cô bảo mẫu như: Nguyễn Thị Tánh, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Sáu đã gắn bó với mái ấm từ năm 1998 đến nay. Hay bác sĩ Hồ Đắc Hạnh tình nguyện tham gia công tác ở trung tâm sau khi nghỉ hưu. Ông Hậu chia sẻ, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng, nhà hảo tâm và nỗ lực của đơn vị trong việc kêu gọi nguồn hỗ trợ là yếu tố để Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ hoạt động lâu dài từ năm 1995 đến nay.
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Đăng Hoàng cho hay, định kỳ hằng năm, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác trẻ em, về quyền trẻ em, về phòng, chống xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em nhằm tăng cường công tác quản lý và khắc phục hạn chế những thiếu sót trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho người làm công tác chăm sóc trẻ tại các cơ sở về công tác lập hồ sơ tiếp nhận, xây dựng kế hoạch can thiệp, kế hoạch phòng ngừa, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ...
“Đối với hoạt động chăm sóc phục hồi chức năng, lao động sản xuất, các cơ sở tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người cao tuổi. Trẻ em được dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp giúp trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng phù hợp theo từng độ tuổi và sức khỏe của trẻ em. Trường hợp trẻ em nằm trong độ tuổi học văn hóa đều được các cơ sở tạo điều kiện cho trẻ đi học tại các trường phổ thông trên địa bàn…”, ông Hoàng cho biết. Chính công tác chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện này đã mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn một mái ấm nhân ái nơi thành phố biển.
XUÂN SƠN