Đà Nẵng cuối tuần
Sao Trung Quốc làm cao tốc nhanh, nhiều mà rẻ thế?
Đó là ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại diễn đàn Quốc hội sáng 6-11, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Khi giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu kinh nghiệm từ Trung Quốc, có một tỉnh chỉ trong 3 năm đã làm được 2.000km cao tốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: Phạm Thắng |
“Tôi có hỏi một bộ trưởng tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hỏi và nhận được câu trả lời rằng: Họ trả lời có ba vấn đề, trong đó có phân cấp mạnh cho địa phương. Họ cũng thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công; đường sá, cầu cống làm xong họ chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, thu hồi vốn về.
Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam phải học tập, tại sao người ta làm được diện tích cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, với 49.000km đường sắt cao tốc, 200.000km đường sắt tốc độ cao? “Nếu chúng ta làm theo quy định sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn. Đấy là tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhanh thế, nhiều thế, rẻ thế. Sự so sánh rất gần, với nước láng giềng cùng châu lục, nghe mà xót xa làm sao! Liệu có phải chỉ do việc phân cấp mạnh cho địa phương? “Nếu chúng ta làm theo quy định sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn. Đấy là tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Dũng nhấn mạnh và đề xuất, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm “quyền anh, quyền tôi”, giảm đùn đẩy, né tránh.
Thoạt nghe đến đây thôi, cũng thấy không ít những vướng mắc, rào cản, tồn tại khiến chúng ta dù có đi học, nhưng cũng không thể làm cao tốc nhanh thế, nhiều thế, rẻ thế như Trung Quốc. Ở tầm vĩ mô, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế môi trường để có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt tiến tới loại bỏ cơ chế xin - cho, sự lạm dụng quyền lực cũng như việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đó thực sự là những rào cản, nút thắt, điểm nghẽn không chỉ kìm hãm, đẩy lùi sự phát triển mà còn sinh ra vấn nạn tham ô, lãng phí gây phương hại đến sự phát triển của đất nước.
Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” đăng ngày 5-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”.
Những tồn tại, hạn chế kể trên bao chứa những điều cụ thể mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập tại diễn đàn Quốc hội sáng 6-11, đó là thể chế chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính rườm rà, tình trạng xin - cho, lạm quyền, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm... Những vấn đề này, nếu giải quyết được, rõ ràng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng, bền vững, hoàn toàn có thể học được kinh nghiệm từ thế giới. Tất nhiên, đây thực sự là vấn đề hết sức khó khăn.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhắc lại rằng, “V.I Lênin khi nói về cải tiến bộ máy nhà nước đã nhấn mạnh: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-Viết”; xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị...”.
Chúng ta đã nhận diện được những điểm nghẽn từ lâu, đã xác định những tồn tại, hạn chế trong nhiều lĩnh vực, thế nhưng việc khơi thông những “nút thắt”, tạo dòng chảy, sự vận động thông suốt; việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế lại không hề dễ dàng, nhất là liên quan đến tổ chức bộ máy, đến con người, đến sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của mỗi cán bộ, đảng viên...
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng “điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”.
Việc “thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là hết sức cần thiết, là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Có như thế, những điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc, trở ngại... đã được nhận diện mới có thể được hóa giải. Và khi ấy, những nhận xét chua chát khi so sánh với nước ngoài như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên tại diễn đàn Quốc hội mới thôi xuất hiện. Và chúng ta không có gì phải ngạc nhiên thốt lên tại sao họ lại làm cao tốc “nhanh thế, nhiều thế, rẻ thế”.
Và tất nhiên, khi đó sẽ không chỉ có cao tốc, mà còn nhiều vấn đề khác hy vọng cũng sẽ được giải quyết, đặc biệt là những thách thức trong kỷ nguyên số, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, sản xuất thông minh, phát triển bền vững...
NGUYỄN TRI THỨC