Đà Nẵng cuối tuần
Người trẻ bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã
Thời gian qua, một số thông điệp như “Khỉ thuộc về tự nhiên”, “Con không muốn làm tê giác nữa đâu”, “Hãy cứu loài hổ”, “Mật gấu không phải thần dược”… được các thành viên CLB ENV Đà Nẵng (thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV) lan tỏa thông qua hoạt động triển lãm nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã và buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Triển lãm “Động vật không phải là thuốc” do CLB ENV Đà Nẵng tổ chức, giúp các bạn trẻ nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: H.V |
CLB ENV Đà Nẵng thành lập năm 2014, hiện có gần 80 tình nguyện viên. Qua mỗi nhiệm kỳ, CLB thu hút nhiều thành viên từ các khoa, trường đại học và duy trì thường niên các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời, thực hiện khảo sát địa điểm kinh doanh nghi ngờ vi phạm về động vật hoang dã để thông báo đến cơ quan chức năng. Những năm qua, CLB là cánh tay nối dài cùng chính quyền giải cứu thành công nhiều cá thể đưa về môi trường tự nhiên.
Sinh viên Lê Phương Thảo, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng), Chủ nhiệm CLB ENV Đà Nẵng bày tỏ, để tuyên truyền hiệu quả CLB tổ chức nhiều triển lãm mang nhiều chủ đề tại các trường đại học trên địa bàn.
Gần nhất, tại Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Trung tâm hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) tổ chức, CLB thực hiện triển lãm chủ đề “Động vật không phải là thuốc” nhằm cung cấp kiến thức, hình ảnh về sự suy giảm thành phần loài như hổ, gấu, tê giác…. và rủi ro sức khỏe, nguy cơ lan truyền dịch bệnh từ hoạt động săn bắt, buôn bán.
Qua đó, mong muốn mọi người thay đổi quan niệm, thói quen sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Ngoài cung cấp thông tin, triển lãm còn tổ chức khảo sát và khuyến khích giới trẻ ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã để nhận về những phần quà là sách, sổ tay, thẻ đánh dấu sách có nội dung về động vật hoang dã.
Tham quan triển lãm “Động vật không phải là thuốc”, sinh viên Lê Nguyễn Anh Thư, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bộc bạch, buổi triển lãm giúp Thư nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và được cung cấp thông tin về các sản phẩm thuốc từ động vật hoang dã hiện đang bán trên thị trường. Thư mong muốn thông điệp bảo vệ động vật hoang dã sẽ lan tỏa để mọi người cùng thay đổi hành vi, ý thức bảo vệ sự tồn tại và phát triển bền vững của các loài.
Năm nay, CLB thực hiện ba buổi triển lãm tương tự, trong đó có triển lãm chủ đề tác hại việc cho khỉ ăn. Theo Thảo, đâu là hoạt động phối hợp Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nhằm tuyên truyền bảo vệ khỉ, khuyến khích không cho khỉ ăn và cảnh báo hậu quả mang lại. “Bản thân tôi mỗi lần tham gia khảo sát địa điểm nuôi nhốt động vật thì lần nào cũng có cảm giác hồi hộp, lo sợ vì có trường hợp từng vi phạm nhưng vẫn tái diễn và những địa điểm này thường phòng bị kiên cố nên khá nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi xem nó vừa là khó khăn, vừa là động lực để hoàn thành nhiệm vụ và thông báo đến cơ quan chức năng xử lý. ENV hy vọng rằng, mỗi cá nhân sẽ là một chiến binh bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã”, Thảo bộc bạch
Đồng hành CLB ENV những năm qua, sinh viên Phạm Minh Công, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), cựu Chủ nhiệm CLB ENV Đà Nẵng chia sẻ, CLB luôn lập kế hoạch và thực hiện thành công các hoạt động về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã. Năm 2023, CLB xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu về bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Việt Nam” do Văn phòng Hợp tác Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm và Hội Động vật Frankfurt Việt Nam phối hợp nhóm sinh viên khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam tổ chức.
HUỲNH VŨ