Đà Nẵng cuối tuần
Tình yêu với nước Nga
Thế giới có nhiều thay đổi, song tình yêu, niềm tin vào đất nước và con người Nga của các thế hệ những người đã từng cũng như đang học tập tại nước Nga vẫn vẹn tròn. Những ký ức vẹn nguyên màu tươi mới như ngày hôm qua và sẽ còn sống mãi trong trái tim của những ai từng gắn bó với nước Nga xinh đẹp.
Chị Như Ngọc vẫn gìn giữ niềm đam mê sưu tầm đĩa than. Ảnh: NVCC |
Gặp gỡ trực tiếp với những người từng có thời gian sinh sống, học tập ở nước Nga mới thấy tình yêu với nước Nga trong họ bình dị, gần gũi và thân thương nhưng đằm sâu đến lạ. Luôn có nỗi nhớ nước Nga da diết trong lòng chị Vũ Như Ngọc, một người đồng nghiệp của tôi từng công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nay là kênh VTV8.
Là sinh viên khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng), niên khóa 1988-1992, chị có thời gian học tập ở Oryol, một thành phố nằm bên bờ sông Oka, cách thủ đô Moskva khoảng 360km về phía tây nam. Với chị, kỷ niệm năm tháng học tập ở Nga là hàng bạch dương soi bóng, là búp bê Matryoshka, là những đĩa than cũ mà chị gọi yêu “gia tài ký ức”.
"Cho đến bây giờ tôi vẫn yêu, vẫn biết ơn nước Nga và tiếng Nga đã cho mình những trải nghiệm, kiến thức quý giá. Và theo thời gian, tôi nhận ra tình yêu này trong tôi không hẳn là cứ sống trong hoài niệm, ôn lại chuyện xưa, nghe những bản nhạc cũ... mà còn có sự tiếp cận mới mẻ, mang hơi thở của đời sống hiện đại, nhưng tất nhiên vẫn trên nền tảng của giá trị cũ.
Giá trị cũ đó, với tôi, là nền văn hóa nghệ thuật vĩ đại của nước Nga”, chị Như Ngọc không giấu sự xúc động và niềm tin yêu khi nói đến nước Nga. Mạch chuyện tiếp tục với khung cảnh những ngày mùa đông ở nước Nga tuyết rơi trắng xóa, cô sinh viên 19 tuổi Như Ngọc lụi hụi trùm mũ áo dậy sớm ra chợ trời hoặc xếp hàng ở cửa hàng hạ giá để lùng sục tìm mua những chiếc đĩa than - phần lớn là những chiếc đĩa nhạc Nga, của hãng đĩa Nga Melodia nổi tiếng thời bấy giờ. Hiếm hoi thì có đĩa nhạc Âu, Mỹ. Hôm nào "săn" được hàng độc, giá mềm, sướng còn hơn trúng số! Khi về nước, nhiều người bỏ hẳn hoặc lãng quên thú nghe đĩa than vì quá công phu, riêng chị Như Ngọc vẫn nâng niu số đĩa đã có trong thời gian ở Nga. Tuy không nhiều, nhưng đó là một phần ký ức tuổi trẻ mà chị nhất quyết gìn giữ.
“Chỉ cần hạ cái kim cho đĩa than quay tròn, giai điệu cũ vang lên là cả một trời kỷ niệm ùa về. Thời nay không quá khó để lướt chợ online tìm mua đĩa than cũ, vì thế tủ đĩa than hiện tại cứ dần đầy lên. Đôi khi thấy trên trang mạng rao bán chiếc đĩa than đúng thời tôi ở Nga, đã từng thấy nó nhưng chưa mua được, giờ đây sau mấy chục năm mới về tay mình sở hữu, cầm bìa đĩa than chút sờn ở góc, lòng nao nao khôn tả”, chị Như Ngọc xúc động bày tỏ.
Ngoài sở thích nghe đĩa than duy trì từ thời ở Nga đến bây giờ, chị cũng rất yêu thích điện ảnh Nga - Xô Viết. Thời ấy, những lứa sinh viên, thực tập sinh như chị may mắn được thưởng thức, được nghe giáo viên người Nga phân tích những bộ phim kinh điển như "Bài ca người lính", "Nơi đây bình minh yên tĩnh"... để biết cảm thụ vẻ đẹp trong "tính cách Nga" như một giá trị vĩnh cửu.
Những bộ phim ấy lâu lâu xem lại vẫn không chán. Thậm chí ở mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi trong cuộc đời, chúng ta càng xem càng thấy thấm thía hơn. Thật may mắn khi giờ đây mạng xã hội giúp ta kết nối các nhóm cùng sở thích nhanh hơn bao giờ hết, vì thế chị dễ dàng được xem lại những bộ phim Nga kinh điển của xưởng Mosfilm, phim Nga thời hậu Xô Viết và cả phim Nga thời nay. "Mỗi dòng phim cho người xem những cảm nhận, vốn hiểu biết và sự so sánh thú vị, và quan trọng hơn cả ở chỗ chúng tôi nhận ra chúng tôi thật hạnh phúc vì có chung một tình yêu chung thủy trong sâu thẳm tâm hồn: yêu văn hóa nghệ thuật Nga".
Đối với đạo diễn, nhà làm phim Trà Xuân Phương, Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng, đến bây giờ nhiều lúc anh vẫn tự hỏi tại sao một đất nước xa lạ với những con người không cùng dòng máu, màu da lại để lại trong anh nhiều kỷ niệm sâu sắc đến vậy? Trong ký ức của đạo diễn, nhà làm phim Trà Xuân Phương, cùng bạn bè đã có những kỷ niệm gắn bó, cùng đi qua những tháng ngày thương mến trong thời gian học tập tại đất nước này để đến hôm nay vẫn xem nhau như một gia đình.
Tháng 7-2018, đạo diễn, nhà làm phim Trà Xuân Phương và những người bạn có chuyến trở về thăm lại mái trường xưa. “Đó là cảm giác chạm đến hạnh phúc khi lại được bước chân trên những con đường xưa. Những con đường ngập tràn gió biển, nhỏ nhắn và đầy hoa. Những ngôi nhà cổ kính dưới bóng cây xanh... Hay đơn giản chỉ là cái mỏ neo nơi bến cảng, khi chúng tôi nhớ về vẫn cất lên giai điệu “Chiều hải cảng” của những năm xưa: “Thành phố xinh xắn mến yêu ơi, ngày mai tôi sẽ cách xa người, làn gió cứ vút cao, biển khơi đón chúng ta, trên bờ khăn thắm vẫy chào xa”, đạo diễn Trà Xuân Phương bùi ngùi kể lại.
Có một sự khác biệt có thể cảm nhận được trong tinh thần, trong lẽ sống thường nhật của những ai đã từng gắn bó với nước Nga xinh đẹp. Dường như tình yêu nước Nga đã trở thành lẽ sống, được nuôi dưỡng để tạo nên một dòng chảy rất riêng đối với những ai đã từng có thời gian sinh sống, học tập tại nước Nga. Nước Nga vì vậy, không chỉ là cái nôi đào tạo cho thế hệ những lưu học sinh như đạo diễn, nhà làm phim Trà Xuân Phương hay nhiều những thế hệ trí thức người Việt mà còn hun đúc nên tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng đầy cao cả.
KHÁNH HÒA