Đà Nẵng cuối tuần

MÙA THU NƯỚC NGA

Nét văn hóa Nga giữa Đà Nẵng

15:03, 02/11/2024 (GMT+7)

Những tấm bưu thiếp, những đĩa phim cũ, những chồng sách báo hay vô số búp bê Matryoshka… được người dân Đà Nẵng sưu tầm như một phần duyên nợ với nước Nga xa xôi. Có rất nhiều lý do cho sự đam mê này, nhưng hầu hết đều bị chinh phục bởi văn hóa và con người ở xứ sở Bạch Dương.

Anh Trần Thanh Phong sở hữu gần 2.000 tấm bưu thiếp diễn viên điện ảnh sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Ảnh: T.Y
Anh Trần Thanh Phong sở hữu gần 2.000 tấm bưu thiếp diễn viên điện ảnh sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Ảnh: T.Y

1. Thập niên 1960-1990, tấm bưu thiếp Liên Xô là món quà quý được các thế hệ người dân Việt Nam ưa chuộng. Đặc biệt, vào thời kỳ điện ảnh Liên Xô bùng nổ với loạt tác phẩm nổi tiếng như Chiến hạm Potempkin, Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Chiến tranh và hòa bình, Chiếc vĩ cầm đỏ, Cái chết dưới cánh buồm, Đường dài đến những đụn cát, Anh hùng Matroxop, Hạnh phúc nông trường… được công chiếu rộng rãi, những tấm bưu thiếp có hình ngôi sao điện ảnh Liên Xô càng được giới trẻ săn đón.

Anh Trần Thanh Phong (tổ 41, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), người sở hữu gần 2.000 tấm bưu thiếp sản xuất từ thời Liên Xô cũ nói rằng, chúng không chỉ giúp anh thỏa mãn niềm đam mê điện ảnh, mà còn mở ra cánh cửa khám phá nền văn hóa, nghệ thuật mà anh trân quý.

Trong ngôi nhà của mình, anh Phong dành một góc đặc biệt trưng bày gần 400 đĩa phim DVD cộng bộ sưu tập hàng ngàn bưu thiếp, sách, báo, album ảnh... liên quan đến nền điện ảnh Liên Xô. Ở một góc khác, anh bày biện những kỷ vật mua từ nước Nga trong chuyến du lịch cuối năm 2019 như đĩa sơn mài, tranh trên gỗ bạch dương, búp bê Matryoshka…

“Tôi mê những bộ phim kinh điển của Liên Xô nên mê luôn dàn diễn viên nổi tiếng như Vyacheslav Tikhonov, Natalya Varley, Latvia Viktor Lorencs, Estonia Kaljo Kiisk, Harijs Liepins… Họ thật sự là những con người xuất sắc, hết lòng vì nghệ thuật. Nhìn cách họ diễn, nhìn kịch bản họ xây dựng, tôi nhận thấy vẻ đẹp nhân văn và tác phong chuyên nghiệp của nền điện ảnh Liên Xô”, anh Phong chia sẻ.

Ở người đàn ông mà điện ảnh Liên Xô đã trở thành một phần cuộc sống, đôi khi những cuốn album, đĩa DVD hay tấm bưu thiếp là cái cớ để anh nhớ về xứ sở Bạch Dương. Anh Phong cho hay, những tấm bưu thiếp Liên Xô rất đặc biệt bởi mặt sau ghi rõ thông tin nhân vật hoặc phong cảnh được in, vẽ. Ví dụ, đằng sau tấm bưu thiếp có hình nam diễn viên nổi tiếng Vyacheslav Tikhonov là thông tin về năm sinh, quê quán và những bộ phim kinh điển ông từng đóng như Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Chiến tranh và hòa bình, Đội cận vệ trẻ, Maximka…

Điều này vừa giúp anh hiểu thêm thông tin về diễn viên, vừa gia tăng giá trị tấm bưu thiếp. Theo anh Phong, mỗi lần xem lại những bộ phim hay, anh như thấy mình đang được kết nối với một phần lịch sử, một nền văn hóa phong phú mà bản thân luôn khao khát khám phá.

“Tôi biết đến bưu thiếp Liên Xô từ thời đi học rồi mê. Và vì quá mê nên cất công tìm kiếm, cất giữ chứ không hẳn là dân sưu tầm chuyên nghiệp. May mắn tôi có người chị gái du học ở Liên Xô những năm 1970 biết tôi thích bưu thiếp nên thường xuyên gửi về Việt Nam làm quà, nhờ đó mà niềm đam mê cũng như bộ sưu tập của tôi phát triển lên con số hàng trăm, hàng nghìn”, anh Phong chia sẻ.

2. Với hơn 600 đầu sách, báo, tạp chí, phòng đọc “Thế giới Nga” nằm trong khuôn viên khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trở thành điểm đến quen thuộc cho những ai mong muốn tìm hiểu văn hóa, con người Nga. Không gian nơi đây được bài trí khá ngăn nắp. Trên kệ, ngoài sách, tài liệu tham khảo, là hình ảnh búp bê Matryoshka, ấm Samovar và những bình rượu làm từ gỗ bạch dương. Trên tường, các bức phù điêu và tranh ảnh nhiều màu sắc tạo nên một không gian đậm chất Nga.

Chị Nguyễn Thị Trinh Lương, người luôn tận tụy với công việc giảng dạy tiếng Nga tại ngôi trường này chia sẻ, phòng đọc “Thế giới Nga” ra đời bởi Quỹ Thế giới Nga và là địa chỉ hiếm hoi tại Đà Nẵng cung cấp thông tin tương đối toàn diện về đất nước này. Ngoài tiếp nhận sách, báo, tạp chí từ quỹ, chị Lương cùng nhiều giảng viên khác trong khoa thỉnh thoảng vẫn sưu tầm và bổ sung thêm nguồn sách cho phòng đọc. “Chúng tôi muốn nơi đây trở thành không gian giao lưu văn hóa sinh động, nơi mỗi sinh viên có thể hiểu, yêu và xem tiếng Nga như ngôn ngữ thứ hai”, chị nói.

Chỉ tay vào tấm phướn đỏ treo ở góc phòng với dòng chữ trắng nổi bật, chị Lương giải thích đó là câu nói nổi tiếng của nữ thi sĩ Anna Akhmatova: “Tiếng Nga ơi chúng tôi sẽ luôn giữ gìn bạn. Tiếng nói vĩ đại. Chúng tôi nguyện sẽ làm cho bạn được tự do và trong sáng để truyền lại cho con cháu mai sau. Mãi mãi cứu cho tiếng Nga không bị tù đày, gò ép”.

Bất kỳ thời gian nào trong ngày, người yêu ngôn ngữ, văn hóa Nga cũng có thể đến tìm hiểu thông tin về kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và khoa học công nghệ. Những sự kiện văn hóa, lễ hội, những buổi chiếu phim, thảo luận văn học giúp mọi người đắm chìm trong những câu chuyện từ đất nước bạch dương. Theo chị Lương, không gian văn hóa nhỏ này đã trở thành cầu nối cho những trái tim yêu nước Nga, để mỗi người, dù đã hoặc chưa một lần đặt chân đến xứ sở ấy, vẫn có thể cảm nhận được hơi thở và nét đẹp của một nền văn hóa đặc sắc.

3. Màu sắc rực rỡ, hình ảnh tươi vui của búp bê Matryoshka đã thu hút anh Huỳnh Công Tuấn (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ngay từ những ngày đầu đặt chân đến nước Nga.

Anh kể, lần đầu tiên nhìn thấy búp bê Matryoshka, anh không thể rời mắt vì chúng quá đặc biệt. Từng lớp búp bê nhỏ xinh với họa tiết không lặp lại được lồng vào nhau như thể chúng đang mang theo câu chuyện riêng. Cũng có những Matryoshka cao 45cm chứa 30 búp bê cỡ nhỏ bên trong. Vì ấn tượng, anh đã mua một bộ làm kỷ niệm và bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa đằng sau mỗi hình vẽ trên búp bê.

“Điều thú vị là ở mỗi bộ Matryoshka, từ đơn giản đến phức tạp, đều như một tác phẩm nghệ thuật, một câu chuyện về con người, vùng đất và cả tâm hồn Nga”, anh Tuấn vui vẻ nói.

Niềm đam mê của anh Tuấn không dừng lại ở bộ sưu tập Matryoshka mà thôi thúc anh mang chút “hơi thở” nước Nga về Đà Nẵng. Thời gian qua, cửa hàng bán Matryoshka của anh nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng trở thành sợi dây kết nối những người từng có duyên nợ với nước Nga xa xôi. Mỗi khi có khách ghé thăm, anh Tuấn đều nhiệt tình giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa từng bộ búp bê.

Không gian cửa hàng được bài trí giản dị, ấm cúng. Những vật kỷ niệm anh mang về từ nước Nga đều mang ra trưng bày. Chỉ tay vào một Matryoshka 7 lớp, cao 22cm có những nét vẽ về mùa đông, anh Tuấn nói đây là sản phẩm của nữ nghệ nhân Natalia Kuznhesova.

Ở xứ sở bạch dương, bà nổi tiếng với khả năng vẽ và phối màu tinh tế, từ đôi mắt đến trang phục quần áo, mũ, họa tiết hoa và phong cảnh những ngôi nhà gỗ, nhà thờ chìm trong tuyết trắng và gam màu trắng, vàng đặc trưng. Trong khi đó, những chú ngỗng trắng quen thuộc ở vùng nông thôn nước Nga được nữ nghệ sĩ Natalia Kuznhesova khéo léo đưa vào bộ Matryoshka 5 lớp. Theo anh Tuấn, hầu hết sản phẩm Matryoshka đều được các nghệ nhân Nga chế tác trên nền gỗ lipa và sử dụng màu nước cao cấp để giữ sản phẩm bền, đẹp, chắc chắn.

Không ít lần, những bạn trẻ hay những người từng có thời gian học tập, sinh sống tại Nga tìm đến cửa hàng chỉ để nghe anh Tuấn kể về Matryoshka, hay để ôn lại những ký ức về nước Nga xa xôi - nơi để lại trong lòng họ bao kỷ niệm đáng nhớ. Và cuộc trò chuyện ấy thường kéo dài, từ câu chuyện về búp bê Matryoshka đến những bản nhạc Nga, những mùa tuyết trắng, những cánh đồng trải dài và cả những đêm khuya bên ánh lửa, cùng bạn bè bản xứ chia sẻ chén trà nóng hay cốc rượu vodka. Mỗi người mang một câu chuyện, một hồi ức về nước Nga. Nhưng hơn hết, đó là sự trân trọng dành cho vùng đất đã in sâu vào ký ức, nơi họ đã sống, đã yêu và đã khắc ghi bao kỷ niệm quý báu đời mình.

TIỂU YẾN

.