Đà Nẵng cuối tuần
Chút nhớ mùa đông
Mùa đông giờ thành mùa thời trang, nhiều người mong tới mùa đông để được lên cánh, để được sắc màu thương hiệu. Đó là sự thay đổi sâu sắc sau năm sáu mươi năm với biết bao gian khổ mới có được…
Ý thức về mùa vụ thường không rõ bằng cảm nhận về thời tiết, mưa nắng, dầu ai cũng biết rằng mùa xuân hoa nở, mùa hè oi nóng, mùa thu mây thắm ngang trời, còn mùa đông thì ẩm ướt và giá lạnh. Ảnh: Tưởng Hồng Dương |
Ý thức về mùa vụ thường không rõ bằng cảm nhận về thời tiết, mưa nắng, dầu ai cũng biết rằng mùa xuân hoa nở, mùa hè oi nóng, mùa thu mây thắm ngang trời, còn mùa đông thì ẩm ướt và giá lạnh. Tùy theo vùng miền và mức sống mà mỗi người có ấn tượng về mùa đông khác nhau.
1. Có nhiều chuyện tưởng đơn giản nhưng đến một thời điểm nào đó mình mới biết tường tận. Khi ra ở miền Bắc tôi mới hiểu sự khác nhau của các loại mưa: mưa phùn, mưa rào; còn lạnh và rét thì mãi sau này tôi mới phân biệt được, nhất là lúc không khí lạnh tràn về, rét đậm khác với rét hại… Hồi mới lớn, trong cuốn sổ chép thơ tôi nắn nót “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm” cũng chẳng mấy để ý bởi đó chỉ là câu mượn cớ để nói điều chính yếu “Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi” của nhà thơ tài hoa bậc nhất Xuân Diệu. Đó là thơ phú chứ cuộc sống thì những ngày mùa đông tuổi nhỏ của tôi phần lớn là ký ức buồn.
Hồi nhỏ nhà tôi nghèo lắm, trước khi mùa mưa đến công việc lo nhất của cha tôi là đánh tranh dọi lại mái nhà. Nhà dột được xếp vào loại mệt nhất nhì trên đời, cảnh lấy mấy thùng thiếc hứng nước mưa cứ như một ám ảnh. Cũng lạ là hồi mới bảy, tám tuổi nhưng có nhiều chuyện mình nhớ như in. Mùa đông, trời u ám và mưa nhiều ngày, từ nhà đến trường làng phải qua mấy cánh đồng, đường đi học bùn nhão và trơn như bôi mỡ. Mẹ tôi thường dặn mang tơi và mấy ngón chân đi phải biết “bấm” vào đất, chuyện bị trợt lấm lem bùn không hiếm. Lớp vở lòng của tôi là một ngôi trường mái lá dưới lùm tre, hiệu lệnh là chiếng kẻng làm bằng nửa thanh tà-vẹt đường xe lửa treo tòng teng trên gốc tre già bên cổng. Người thầy giáo già quấn chiếc khăn len giữa những cơn mưa nắn nót cho chúng tôi bài tập viết, lũ học trò chúng tôi tự “chấm” bắt lỗi nét đậm, nhạt mà nhớ suốt đời.
Nhà có ba anh chị em. Anh cả lớn hơn tôi tám tuổi và chị hơn tôi bốn, các anh chị đi làm xa tận ngoài Hàn (Đà Nẵng), còn tôi một mình ở nhà, lâu lâu cả nhà sum họp. Tôi nhớ, lúc trời chạng vạng trước khi ăn cơm tối chị hay bắt tôi đứng trên một tảng đá táng, vốn là con đội cột nhà hồi trước, chị múc nước và kỳ các kẽ chân dính bùn của tôi. Sau này tôi đi không biết bao nẻo đường trong đời, nhưng những đêm gió thốc đứng cho chị kỳ kẽ chân ngày ấy không bao giờ tôi quên được.
Nhà ngày trước không có chăn, để cho ấm cha tôi lót hai cái tranh rạ dưới giường, đó là cái “nệm” đầu tiên trong đời, còn đắp là một chiếc chiếu. Chiếu ngắn nên thường phải có cuộc cạnh tranh giữa đầu và chân, nếu ấm phần trên thì hai chân bị lạnh, mẹ tôi bảo trước khi ngủ lấy vôi bôi lòng bàn chân để phòng gió. Chẳng hiểu có phải vì vậy hay do hơi ấm của cha mà tôi vượt qua những mùa đông lạnh cóng ấy.
2. Tháng Mười mưa rả rích suốt tháng, chuyện nước lụt tráng nhà là bình thường mỗi năm khi mùa đông về. Mưa và lạnh, lạnh thấu xương, đi học hai hàm răng run đánh vào nhau cầm cập. Nghĩ tới tháng Mười là bao nhiêu rét mướt tràn về, thương nhất là mẹ tôi vẫn ngày ngày ra ruộng, hết cấy là tới cào cỏ, câu bán mặt cho đất bán lưng cho trời lớn lên mới thấm thía, chứ hồi nhỏ mấy ai hiểu sự cơ cực một đời của mẹ. Mùa hè cũng như mùa đông tôi chưa một lần thấy mẹ mặc áo mới, cứ chiếc áo cánh, quần thường ống cao ống thấp, lúc nào cũng thấy tất bật. Vậy mà lúc nào cũng lo cũng chăm thằng con trai út là tôi. Tôi thương mẹ nhất trên đời.
Năm sáu sáu có hai việc tôi không bao giờ quên. Tháng Tám mẹ đau một trận rụng hết tóc, tôi được cha sai qua làng trên Bình Trị rước ông Tư Tế là thầy thuốc đông y của làng, bắt mạch xong được bổ mấy thang thuốc bắc. Mẹ nằm liệt cả tháng, mẹ nói không nổi. Bưng đồ mẹ đi giặt mà nước mắt tôi cứ ngân ngấn, tôi sợ mẹ bỏ tôi. Nhìn mẹ thều thào chén thuốc tôi đút từng muỗng mà cứ sợ mẹ không qua khỏi.
Chiến tranh lan tới quê tôi ngày một ác liệt, vừa gượng dậy sau trận đau nặng, tháng Mười mẹ lại trúng đạn bị gãy chân. Ai đó cho mượn chiếc võng và làng xóm khiêng mẹ xuống bệnh xá ở Vĩnh Điện, tôi lẽo đẽo theo sau. Sau mươi lăm ngày mẹ lành vết thương, lửng thửng đi lại được, người khô đét. Ngày ra viện hai mẹ con tíu tít về quê. Ra khỏi cổng nhà thương, có bà bán đậu hủ, mẹ nghỉ chân và gọi đậu hủ. Mẹ chỉ mua một chén cho tôi “con ăn đi”. Tôi nào biết mẹ không đủ tiền để mua hai chén, dù mẹ lúc ấy là người cần “bồi dưỡng” hơn tôi. Suốt đời tôi không quên chén đậu hủ Vĩnh Điện ấy.
Mùa đông ngày xưa nó lạnh hơn bây giờ? Cũng có thể do biến đổi thời tiết, do hiện tượng đất trời gì đó, nhưng tôi vẫn tin rằng do ngày đó áo quần không đủ mặc. Giữa cái lạnh căm căm mà vẫn phải phong phanh cái áo sơ mi cũ, nên nó lạnh hơn cả cái lạnh đất trời, lại thêm cái thiếu ăn nữa, thường là ăn không đủ no. Người ta nói càng đói thì càng thấy lạnh và càng lạnh thì càng đói, cái vòng lẩn quẩn lạnh - đói ấy là điển hình cho thuở chiến tranh và nghèo khó.
Trong các cái thèm trên đời, thèm ăn là khổ nhất, cái chữ “ngó miệng” sao mà chua chát. Cái thèm ăn nó ướp lấy tuổi thơ tôi, trừ những lần anh tôi kéo cá ngoài ruộng rập, những ngày mùa đông ấy có khi cá ăn không hết, chứ còn lại là triền miên những bữa cơm ghế khoai khô ăn với mắm. Sau này khi có bột ngọt có lần mẹ nói “Có bột ni nấu với lá tre nó cũng ngon”. Mẹ chẳng bao giờ nghĩ rằng câu nói bất chợt ngày xưa ấy thành lời động viên cho tôi, như một lời nhắc khôn nguôi về sự ngon dở cuộc đời.
Mùa đông ngày xưa nó lạnh hơn bây giờ? Cũng có thể do biến đổi thời tiết, do hiện tượng đất trời gì đó, nhưng tôi vẫn tin rằng do ngày đó áo quần không đủ mặc. Giữa cái lạnh căm căm mà vẫn phải phong phanh cái áo sơ mi cũ, nên nó lạnh hơn cả cái lạnh đất trời, lại thêm cái thiếu ăn nữa, thường là ăn không đủ no. Người ta nói càng đói thì càng thấy lạnh và càng lạnh thì càng đói, cái vòng lẩn quẩn lạnh - đói ấy là điển hình cho thuở chiến tranh và nghèo khó. |
3. Mẹ tôi có tay làm mắm và muối dưa cải rất ngon, mỗi năm mẹ có hai việc không thể thiếu: làm một chum tương để ăn chay và một hủ mắm, chay mặn đều do một tay mẹ làm, và món nào cũng ngon. Mắm có khi là cá cơm và nhiều lần là cá nục, tôi nhớ cảnh làm mắm là vì hàng xóm ngày ấy hay “rước” mẹ tới muối dùm, mẹ mát tay nên mắm không có giòi và không bị “đứt chân”. Một hủ mắm là cả một triển vọng mùa đông yên tâm no đói, mẹ hay nhìn hủ mắm vừa muối xong như bây giờ tôi viết xong một bài báo. Cảm giác bình yên dẫu tháng Mười mưa gió. Những bữa cơm đạm bạc mà ngon lạ lùng, cơm vừa cạn mẹ lấy vài con mắm nục bỏ mấy hột tiêu rồi chưn lên… hình như cái mặn cái cay không chỉ đưa cơm mà còn góp vào chống cái lạnh nữa.
Còn một món mà con cháu giờ hay nhắc là dưa cải, thứ rau cứu đói mà hầu như nhà nào cũng có. Sau Giêng Hai vườn cải cây nào cây nấy ứ nự, mẹ đem phơi và muối nguyên cây. Tới mùa đông nó chín vàng tươi, sau khi cắt đoạn và vắt khô, mẹ giũ ra đĩa, dưa cải ấy mà chấm với nước mắm bỏ chút ớt bột, nó ngon tái tê cành lá. Còn nhớ những bữa chiều nghỉ học, tôi ra ngoài đồng với cái cần câu trảy dài thườn thượt, bữa nào may mắn có được vài con cá rô, tràu cửng đem về mẹ nướng dằm nước mắm gừng, sơn hào hải vị chẳng thấm vào đâu so với con cá rô đồng nướng ngày xưa ấy.
Mùa đông giờ thành mùa thời trang, nhiều người mong tới mùa đông để được lên cánh, để được sắc màu thương hiệu. Đó là sự thay đổi sâu sắc sau năm sáu mươi lăm với biết bao gian khổ mới có được. Ngày nay mắm cá nục nguyên con chưng tiêu hột ít ai còn thích, dưa cải vẫn giòn thơm trên mâm nhưng ta có nhiều lựa chọn hơn. Một mâm cơm ngon là trên mâm có nhiều thứ để chọn, để gắp. Trong tủ áo quần của tôi cũng không ít đồ nhưng tôi thường hay mặc đồ cũ, chiếc sơ mi đầu tiên tôi may từ tháng lương đầu tiên đi làm trong đời bây giờ tôi vẫn giữ. Rất nhiều khi đứng trước mâm cơm tôi hay nhớ về mẹ, có miếng chi ngon lòng cứ bần thần: Phải chi còn mẹ, mẹ ăn miếng thịt kho này với con, mẹ mặc chiếc áo mới này của con vừa mua cho mẹ.
HUỲNH ĐỨC MINH