Đà Nẵng cuối tuần

Di tích Đò Khách

16:14, 14/12/2024 (GMT+7)

Đò Khách là một bến đò ngày xưa nằm trên sông đào đoạn qua vùng Đông làng Phong Lục, thuộc xứ đất Đại Hoa; nay là khối phố Phong Lục Đông Nam, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn; cách trụ sở UBND xã Điện Thắng Nam 300m về phía tây, bên cạnh công trình Đập dâng Thanh Quýt. Gọi vậy, bởi ngày xưa nơi này có người chèo đò tên là Đỗ Khách ngày đêm đưa khách qua sông.

Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ bên di tích Đò Khách. Ảnh: H.S
Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ bên di tích Đò Khách. Ảnh: H.S

Theo lời ông Nguyễn Như Hoanh, 83 tuổi, một người dân trong làng, do nơi đây địa thế có nhiều thuận lợi trong sinh hoạt, nên từ thời Pháp thuộc, cụ cố của ông cùng nhiều gia đình trong xóm chọn làm nơi định cư lâu dài. Một dải đất đai màu mỡ, ven sông có sáu hộ gia đình sinh sống, đó là gia đình các ông Nguyễn Thảo (thường gọi là Trùm Thảo, cha của ông Hoanh), Nguyễn Nhường, Đỗ Kiên, Đỗ Lào, Đỗ Kiến và ông Đỗ Khách.

Ông Đỗ Khách là hậu duệ đời thứ 13 thuộc phái nhì, chi nhất, tộc Đỗ Như làng Phong Lục, một trong tam tộc tiền hiền đến khai cơ lập nghiệp từ thế kỷ XVI. Ban đầu các bậc tiền nhân cư trú phía đông khai thác đất trồng lúa nước thuộc hai xứ đất Đại Hoa và Tiểu Hoa (khối phố Phong Lục Đông Nam ngày nay), về sau phát triển lên vùng Tây thuộc xứ đất Trà Hân (Phong Lục Tây), đây là vùng đất trồng cây màu như sắn khoai, thuốc lá, đậu…

Khi chưa có đò, muốn làm một nghìn cây thuốc lá người trong làng phải gánh đủ 30 gánh phân trâu, bò hoai mục đi bộ quanh đường vòng hơn 5km để bón cho 4 kỳ chăm sóc (đặt, nhử, phụ, lên hàng). Vụ mùa trồng thuốc lá bắt đầu sau tiết Lập đông mưa phùn gió bấc, đường trơn lầy lội nên đi lại khó khăn vô cùng. Rồi đến khi thu hoạch lại phải gánh bộ hàng tấn thuốc lá tươi về nhà. Sau khi thu hoạch thuốc lá, bà con tận dụng phân còn lại trồng sắn, khoai lang rất tốt cho năng suất cao nhất. Chính vì vậy khi có con đò của ông Khách, việc đi lại, trồng trọt các loại cây của dân làng thuận lợi hơn nhiều.

Phía bờ Tây có con đường công hương rộng, chạy thẳng lên xóm Đình Phong Lục nối thông với các vùng nên nơi đây trở thành tiếp giáp của ba xã ngày đó là Điện Thắng, Điện Hòa, và Điện An, do đó việc giao thương rất tiện lợi. Vào ngày mùa, ông Khách đưa đò tới lúc trăng lên, cảnh nhộn nhịp ở một làng quê trên bến dưới thuyền rất nên thơ, sinh động.

Từ 6 ngôi nhà ban đầu sau tăng dần hơn 10 hộ, trong đó có gia đình ông Nguyễn Thảo là khá giả nhất, có nhà xây tam gian tứ vị, lợp ngói xưa trông rất bề thế. Phía bắc có ông Đỗ Lào dựng một cái lò rèn để làm dụng cụ nhà nông, lúc nào cũng đông người lui tới.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng Phong Lục trở thành cơ quan hành chính, chính quyền của nhân dân. Bên cạnh ngôi đình có ngôi trường làng dạy học cho các cháu trong làng nên bến đò càng đông đúc thêm hơn.

Bà Đỗ Thị Xuân là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm nay 90 tuổi, một gia đình trụ bám là cơ sở nuôi giấu cán bộ cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây được chọn làm căn cứ địa của cách mạng, là đầu mối liên lạc của cấp trên xuống các địa phương, đã từng là điểm đứng chân của lãnh đạo xã Điện Thắng và đội du kích tập trung của xã. Cán bộ, lực lượng vũ trang muốn xuống vùng Đông Điện Nam, Điện Ngọc và ngược lại thường chọn nơi đây làm điểm tập kết. Hai vùng Đông Nam của làng Phong Lục như hai cánh tay hậu phương vững chắc, hầu hết nhân dân đều tham gia hoạt động kháng chiến.

Sau năm Mậu Thân 1968, chiến tranh nổ ra ác liệt, các hộ gia đình phải tản cư để lại những ngôi nhà cũ và các hầm trú ẩn cho lực lượng vũ trang xã làm địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Đây cũng là nơi Ban an ninh Quận Nhất Đà Nẵng ra đời, đồng thời cũng là điểm các ban ngành Quận Nhì Đà Nẵng và Khu 3 Hòa Vang trú chân. Trong lòng đất của vùng này cũng là nơi chôn giấu vũ khí, đạn dược hậu cần và hầm bí mật an toàn nhất.

Chính vì chiến tranh ác liệt mà tại khối phố Phong Lục Đông Nam có quá nhiều đồng bào chiến sĩ hy sinh, một cụm dân cư hơn 100 nóc nhà mà có 314 người ngã xuống nhuộm máu trên mảnh đất này, trong đó có 216 liệt sĩ. Ngoài ra còn có 33 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 50 thương bệnh binh và người có công với cách mạng, 100 người dân thường chết trong chiến tranh, hàng trăm hố bom mìn và hàng trăm tấn đạn bom các loại hủy hoại. Thật ác liệt và quá đổi tang thương.

Ông Phan Quang Tiến, 83 tuổi, thương binh nặng 1/4 xúc động bày tỏ: “Mỗi lần trên con đường qua lại nơi đây làm cho tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ và ký ức chiến tranh đầy ác liệt trên làng quê thân yêu này. Hình ảnh Đò Khách và xóm nhà Trùm Thảo vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng của những người dân quê tôi một thời gắn bó, là địa danh xưa đã đi vào lịch sử với nhiều tấm gương chiến đấu oanh liệt của chiến sĩ và nhân dân quê nhà”.

Người viết bài này dùng tựa “Di tích Đò Khách” để ghi nhớ câu chuyện lịch sử của một vùng quê trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ. Với mong muốn rằng “Di tích Đò Khách” sẽ được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp, để trở thành địa chỉ đỏ của địa phương nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

HÀ SÁU

.