Đà Nẵng cuối tuần

Thương yêu và gắn kết

15:08, 28/12/2024 (GMT+7)

“Hãy làm việc, cống hiến hết mình để in lại dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác, đừng sinh ra rồi tan biến đi như một hạt cát vô danh” - Câu ngạn ngữ mà tôi không nhớ đã từng đọc hay nghe ở đâu nhưng bản thân luôn lấy nó làm động lực và niềm tin trong cả cuộc sống và công việc, chỉ với mục đích duy nhất “in những dấu ấn thật đẹp trong trái tim của mọi người”…

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động công đoàn, văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ảnh: Tư liệu
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động công đoàn, văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ảnh: Tư liệu

Được chuyển đến cơ quan mới

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính (thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam), nhiều người đã tham gia vào cuộc “di chuyển” lịch sử nhằm kiện toàn bộ máy chính quyền, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương. Thực hiện chủ trương chung của thành phố, cơ quan tôi khi đó là Xí nghiệp in Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũng phải chia tay “lối cũ quen thuộc” để xây dựng cơ sở mới tại thị xã Tam Kỳ. Thời điểm đó, không chỉ tôi mà toàn bộ cán bộ, công nhân viên cơ quan nhiều đêm thức trắng, ai cũng bộn bề, thường trực lo lắng, nỗi niềm, lúc ấy, tôi văng vẳng những câu hỏi trong đầu “Rồi đây gia đình, hai đứa nhỏ ở lại với ba hay đi theo mẹ?”.

Sau nhiều đêm trăn trở tôi mạnh dạn gặp và trình bày với anh Huỳnh Đây, Giám đốc Xí nghiệp và anh Huỳnh Đức Thành, Trưởng Phòng Tổ chức Xí nghiệp về nguyện vọng được ở lại Đà Nẵng để chăm sóc gia đình, hai con nhỏ và ba mẹ cũng đã lớn tuổi. Lúc ấy, chồng tôi đang công tác tại Ban Tài chính - Quản trị Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng thuộc diện chờ đợi sự sắp xếp "đi hay ở" của tổ chức.

Mặc dù các anh cũng mong muốn tôi tiếp tục làm việc tại xí nghiệp nhưng cũng vì hiểu cho hoàn cảnh gia đình nên các anh đều đồng ý và hứa sẽ sớm làm văn bản giới thiệu để tôi được chuyển đến cơ quan mới tại thành phố Đà Nẵng. Thật tình thì khi trình bày nguyện vọng với lãnh đạo xí nghiệp, tôi vẫn chưa xác định được “cơ quan mới” của mình là ở đâu nhưng bản thân vẫn nghĩ “ở lại Đà Nẵng rồi tính tiếp”…

Khoảng thời gian sau đó, tôi thật may mắn khi được anh Ngô Quy Nhơn, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng và anh Đỗ Kỳ, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng phụ trách công tác hành chính đã thông cảm hoàn cảnh gia đình tôi nên đồng ý tiếp nhận và phân công về công tác tại Phòng Hành chính - Trị sự, làm thay công việc kế toán của em Thủy (nay là Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng) đang thời gian nghỉ thai sản.

Tôi còn nhớ như in về công tác tại Phòng Hành chính - Trị sự, công việc không chỉ là những nghiệp vụ kế toán thuần chuyên môn. Tôi còn được “tín nhiệm” phân công nhiều công việc khác nhau, đến nỗi sau này còn được mọi người gọi vui là “Mama tổng quản”. Thời đấy, công tác kế toán tại báo không chỉ là việc thực hiện các nghiệp vụ kế toán như quản lý tiền mặt, thu tiền bán hàng, kê khai thuế, lập bút toán mà còn phải nghiên cứu, tiếp xúc với nhiều nghiệp vụ mới mẻ như xây dựng và triển khai các hợp đồng quảng cáo, chi trả nhuận bút cho cộng tác viên và tỷ tỷ những công việc hành chính khác trong bối cảnh cơ quan cũng đang thực hiện việc chia tách Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng.

Có thể nói, công việc có nhiều vất vả hơn trước đây nhưng bản thân được gặp và làm quen với nhiều cộng tác viên báo chí mà mỗi ngày đi làm của tôi là những ngày vui. Việc được tiếp xúc, trò chuyện, làm quen... với các cô chú lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí… cũng khiến tôi thêm yêu hơn công việc tưởng chừng khô khan này.

Kỷ niệm không quên

“Nghề làm hành chính” vui thì thật vui nhưng lắm lúc cũng rơi vào nhiều hoàn cảnh “dở khóc dở cười”, là bộ phận được làm việc trực tiếp với các “sếp”, bên cạnh công tác tham mưu phải vững thì chúng tôi phải làm tốt công tác giúp việc, “nắm vững tâm tư” của sếp mà mỗi sếp lại có những suy nghĩ, thói quen và cách làm việc rất khác nhau. Người anh lớn đầu tiên Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn là người sống tình cảm với anh em cơ quan nhưng cũng rất “cứng” với “người ngoài” mà tính cách này rất dễ bị những người không tiếp xúc hay làm việc nhiều với anh nghĩ rằng anh thật khó gần.

Trong khi đó Tổng Biên tập Mai Đức Lộc để lại trong tôi một ấn tượng thật khác, thời đó, anh giữ nhiều vị trí, phía chính quyền anh là đại biểu HĐND thành phố và là Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố; với nghề báo, anh còn là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố. Theo suy nghĩ của tôi, anh là người làm việc khoa học, bài bản và rất kỹ tính, làm lính của anh thì vừa dễ, vừa khó; vì kỹ tính nên những đòi hỏi trong công việc của anh cũng rất cao nhưng cái dễ là chúng tôi luôn được anh “đào tạo, hướng dẫn” rất cụ thể và bài bản.

Kỷ niệm của chúng tôi với sếp Lộc cũng thật nhiều. Chắc hẳn người dân thành phố Đà Nẵng không ai không khỏi khiếp sợ khi nhớ về cơn bão Xangsane đã càn quét cả miền Trung vào ngày đầu tiên của tháng 10-2006, cơn bão đã khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, hàng trăm ngàn căn nhà bị sập, tốc mái và trụ sở Báo Đà Nẵng tại 42 Trần Phú cũng nằm trong số đó.

Tôi còn nhớ khi đó, anh em hành chính đã được “quán triệt” rất kỹ về sức mạnh của cơn bão và đã tập trung triển khai nhiều biện pháp chằng chống, gia cố nhiều ngày trước đó, anh em cũng khá yên tâm, còn nói vui với nhau “gia cố cỡ này thì động đất cũng không ngại”. Thế nhưng, khi cả nhà đang “nín thở” với từng đợt gió rít, cây cối trong xóm bắt đầu gãy, ngã từng đợt, dây điện bị đứt và nhiều nơi đã mất điện thì tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Anh, bảo vệ cơ quan thông tin nhiều phòng trong cơ quan bị bật cửa sổ, trong đó có phòng sếp Lộc. Nghe tin mà “người lạnh toát”, tôi liên lạc ngay với anh em trong phòng rồi mặc vội áo mưa, đội nón đi bộ lên cơ quan do nhà mình gần cơ quan nhất; lúc đó tôi không dám đi xe máy vì nhiều nơi cống đã bị sập và mái tôn nhà dân cũng bắt đầu “vun vút” trên bầu trời.

Lên đến nơi, tôi cùng trưởng phòng Trần Thị Thu Thủy, anh Phan Văn Bốn, em Mai Thị Hạnh, chị Hoàng Thị Dung, em Nguyễn Ngọc Hiền đi kiểm tra các phòng, đến phòng sếp Lộc thì cả nhóm đều ngã ngửa và lo lắng khi toàn bộ cửa sổ đều bị bật ra, bàn ghế xô lệch, tài liệu, giấy tờ phần thì ướt, phần thì bay tứ tung trên sàn… Không ai bảo ai, anh chị em chúng tôi cùng nhau xắn tay áo dọn dẹp ngay khi cơn bão còn chưa kịp tan để ngay hôm sau, mọi hoạt động của cơ quan phải được diễn ra một cách bình thường nhất có thể, việc xuất bản báo phải bảo đảm, bởi mỗi chúng tôi đều ý thức rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Báo Đà Nẵng luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Thương yêu và gắn kết

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động công đoàn, văn hóa, văn nghệ, thể thao. Hai niềm vui lớn nhất mà tôi nhớ mãi đó là việc làm các hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho anh chị em cơ quan. Thời đó, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau, hầu như anh chị em cơ quan đều ở nơi xa đến, mỗi bộ hồ sơ vay vốn được Công đoàn viên chức thành phố duyệt gửi ngân hàng là niềm vui không chỉ của bản thân người vay mà còn là cả những người làm hồ sơ như tôi, số tiền được vay tăng dần từ 20 triệu đồng, 50 triệu đồng, rồi 100 triệu đồng đã kịp thời giúp nhiều trường hợp vượt qua hoàn cảnh thực sự khó khăn, bí bách.

Niềm vui thứ hai của tôi là được thỏa đam mê ca hát. Hầu như năm nào, tôi cùng với các anh chị em cũng đều tham gia các hội thi văn nghệ do Công đoàn viên chức thành phố và Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố tổ chức. Khi ấy, những buổi hẹn hò nhau lên bài, tập luyện, tổng duyệt đã để lại cho anh chị em chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên và luôn được nhắc đến mỗi khi có dịp gặp mặt, hàn huyên.  

Phòng Hành chính - Trị sự Báo Đà Nẵng, là nơi tôi gắn bó gần 20 năm đến khi nghỉ hưu, thời gian trôi qua với bao gương mặt thân thương kể sao cho hết, nào chị Lê Thị Hương, Huỳnh Thị Hoa, Hoàng Thị Dung, Mai Thị Hạnh, Trần Thị Thu Thủy; các em Nguyễn Ngọc Hiền, Đặng Linh Giang, Nguyễn Thị Bích Trâm, Trần Thị Ánh Hồng, Nguyễn Thị Tố Quyên… và hai sư huynh Lê Quang Á, Phan Văn Bốn. Chúng tôi đã có những chuỗi ngày sống và làm việc thật vui, biết nghĩ về nhau, thương yêu và gắn kết.    

NGUYỄN THỊ PHÁN

.