Đà Nẵng cuối tuần

Mỹ Sơn: Ngàn năm, 25 năm và xa hơn

17:11, 14/12/2024 (GMT+7)

25 năm được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại là một quãng ngắn so với ngàn năm nơi Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nhưng cũng đủ để nhìn lại các dấu mốc đạt được trong công tác quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lúc này, địa phương, cơ quan quản lý và những nhà nghiên cứu đang nghĩ tới một hành trình xa hơn cho thánh địa này.

Những trầm mặc ngàn năm của văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn nằm trọn vẹn giữa không gian rừng nguyên sinh. Ảnh: N.Đ
Những trầm mặc ngàn năm của văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn nằm trọn vẹn giữa không gian rừng nguyên sinh. Ảnh: N.Đ

25 năm "đánh thức" di sản

Đoàn du khách đi một vòng Mỹ Sơn, nhìn dấu thời gian trên tháp cổ, nghe tiếng Saranai mà ngỡ đâu lạc về quá khứ. Mỗi một ngôi tháp ẩn trong mình những giá trị tiêu biểu riêng như dấu ấn kỹ thuật, hình khối kiến trúc, phong cách mỹ thuật, điêu khắc; gắn với những giai đoạn, điển tích, hoạt động tâm linh… Du khách trầm trồ khi nhìn những trầm mặc ngàn năm của văn hóa Chăm nằm trọn vẹn giữa không gian rừng nguyên sinh tại bờ nam sông Thu Bồn. Tại đó, 1.158ha rừng tự nhiên với nhiều ha rừng nguyên sinh được tái tạo phục hồi, hệ động thực vật được tập hợp nghiên cứu bảo tồn hiệu quả, gìn giữ trọn vẹn. Hình hài của thánh địa - nơi họ vừa đi qua, đã có tuổi đời hơn 1.400 năm từ quá khứ.

Đặc biệt, sau giai đoạn Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại (4-12-1999), công tác này càng được đẩy mạnh với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của địa phương và sự hỗ trợ về nhân lực và tài chính cùng công nghệ từ bạn bè quốc tế, nhằm khai thác và phát huy những giá trị ngàn năm từ văn hóa Chăm.

Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận: “25 năm là một quãng thời gian chưa phải dài so với ngàn năm nơi tháp cổ nhưng cũng đủ để nhìn lại những dấu mốc đạt được trong công tác quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản”. Trong hành trình đó, Mỹ Sơn được xác định phải bảo tồn và phát huy đúng hướng, giữ nguyên giá trị gốc, bảo đảm tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Theo ông Khiết, từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài do bom đạn chiến tranh tàn phá, Mỹ Sơn đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút du khách. Trong đó, loại hình du lịch ngày một phát huy hiệu quả và thân thiện với môi trường, lượng khách đến tham quan hằng năm đều tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình trên 10%. Hoạt động du lịch tại đây đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cộng đồng vùng di sản cũng được hưởng lợi.

Viễn cảnh bền vững cho di sản ngàn năm

Cuối tháng 11-2024, Mỹ Sơn đón nhiều đại diện địa phương, cơ quan ban, ngành, nhà nghiên cứu… về tham quan và đóng góp ý kiến cho sự phát triển của di sản trong giai đoạn mới. Dưới bóng tháp cổ, họ nói về Mỹ Sơn qua câu chuyện “trữ lượng và viễn cảnh”, về những thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thế giới giữa bối cảnh nhiều biến động của phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là hướng phát triển bền vững từ ứng dụng nền tảng số trong khai thác và phát triển du lịch.

TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ đề xuất nhận diện đầy đủ các giá trị của các di sản văn hóa tại miền Trung, bao gồm cả Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ông cho rằng, sau khi nhận diện được toàn diện các giá trị này, cần đặt chúng trong bối cảnh đương đại với những tác động mới, như chuyển đổi số và sự phát triển của văn hóa công nghiệp. Từ đó, ứng dụng các yếu tố hiện đại để phát huy giá trị di sản, phù hợp với nhu cầu và điều kiện hiện nay. Chuyển đổi số và văn hóa công nghiệp sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các nghiên cứu, chia sẻ kết quả nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch văn hóa, đồng thời gắn kết di sản với các xu hướng hiện đại hiệu quả.

Cùng ý kiến, TS Lê Thị Ngọc Cầm, Giám đốc ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học FPT cho hay, để hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển di sản bền vững cần áp dụng khoa học hiện đại. “Điều này có nghĩa không tác động trực tiếp đến di sản mà sử dụng công nghệ để tái hiện hình ảnh di tích. Những hình ảnh này được trình chiếu qua các thiết bị công nghệ, mang đến trải nghiệm chân thực cho du khách”, bà Cầm nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh yếu tố “bền vững và lâu dài”, ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng: “Để phát huy giá trị của khu di tích Mỹ Sơn cần khai thác và tận dụng hợp lý các lợi thế, tiềm năng sẵn có của khu di tích Mỹ Sơn, nhằm thúc đẩy phát triển và tạo nguồn thu nhập. Các nguồn thu này sẽ được tái đầu tư để phục vụ công tác bảo tồn lâu dài”. Ngàn năm, 25 năm và xa hơn. Sẽ là một viễn cảnh để Mỹ Sơn tiếp tục được nâng tầm giá trị, là mẫu hình di sản của khu vực và tài sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc quý báu của nhân loại.

NAM ĐỊNH

.