Đà Nẵng cuối tuần

Một giọng văn riêng của đất phương Nam

17:11, 14/12/2024 (GMT+7)

Nhắc đến các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người ta như nghe thấy tiếng mái chèo khua nước trên sông Tiền, thấy cánh đồng miền Tây trải rộng tít tắp trong những trang văn đậm đà hương đất, tình người Nam Bộ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014). Ảnh: Tư liệu
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014). Ảnh: Tư liệu

Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đi qua hai cuộc kháng chiến, qua những tháng năm hòa bình, đổi mới, để lại cho đời một “gánh sách” trĩu nặng, kết tinh từ lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo. Những chia sẻ và tham luận tại hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân tròn 10 năm ông tạ thế (2014-2024), một lần nữa giúp mọi người hiểu hơn về đời văn, đời người vô cùng sinh động của một trong những phong cách văn chương tiêu biểu của phương Nam nói chung và của An Giang - cái nôi văn chương của vùng đất chín rồng nói riêng.

Cuộc đời lao động chữ nghĩa

Theo PGS. TS. Bùi Thanh Truyền, nhà văn Nguyễn Quang Sáng thực sự là “một người thợ cần mẫn đãi cát để tìm những mạt vàng quý báu từ đời sống” như chính lời tự bạch của ông. Sinh năm 1932 tại An Giang, nơi có những cù lao, chợ nổi, đồng nước mênh mang, Nguyễn Quang Sáng sớm tiếp xúc với văn hóa, con người Nam Bộ. Ông tham gia kháng chiến năm 14 tuổi, gặp gỡ nhiều cảnh đời, ghi nhận biết bao chi tiết thực tế. Chi tiết ấy, với ông, không phải ngẫu nhiên mà là “mạt vàng” ẩn trong cát bụi, đòi hỏi người cầm bút lăn lóc vào cuộc sống, trải đủ đắng cay, ngọt bùi rồi mới “đãi” ra được.

Chính trong môi trường rừng U Minh, Trường Sơn, Đồng Tháp Mười, hay vùng đất châu thổ sông Cửu Long, ông đã nếm trải biết bao gian khó: sốt rét, đói khát, mưa bom bão đạn. Dù vậy, như lời ông kể trong bức thư gửi từ chiến trường ra hậu phương được nhà văn Trầm Hương dẫn lại trong tham luận: “Mình không bao giờ nghĩ tới bỏ cuộc, phải đi cho tới nơi, để viết”. Ông hiểu sâu sắc rằng, vốn sống không thể chỉ ngồi mà có, văn chương đích thực phải được chưng cất, lắng đọng từ nhịp đời ngổn ngang, bề thế ngoài kia.

Vào thời kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Quang Sáng vẫn miệt mài tìm tòi. Từ “Chiếc lược ngà” đến “Bông cẩm thạch”, “Mùa gió chướng” và sau này “Dòng sông thơ ấu”, ông cho thấy sự dẻo dai trong sáng tác. Cả khi bước vào thời kỳ đổi mới, tác phẩm của ông không ngừng mang lại những góc nhìn mới. Không chỉ phản ánh hiện thực chiến tranh, ông còn hướng ngòi bút tới những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, con người. Như “Con mèo của Foujita”, ông đã đề cập sâu hơn đến những nghịch lý của sự tồn tại, cái đẹp - cái xấu, đời sống thường nhật, những “bi kịch của nghệ sĩ” khi phải đối diện với hiện thực trớ trêu.

Trong chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Duy cũng như của nhiều tham luận tại hội thảo, một điểm gặp gỡ lớn là sự cảm phục, trân trọng lao động nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông luôn cẩn trọng với chi tiết, nghiêm túc trong từng câu văn. Theo tham luận của nhà văn Trầm Hương, suốt nửa thế kỷ cầm bút, dù đã có nhiều tác phẩm, nhiều giải thưởng, vinh dự lớn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn tự hỏi: “Mình đã thật là nhà văn hay chưa?” Và những lời giải thích của ông cho câu hỏi đó thật đáng trân trọng: “Tôi đặt câu hỏi để tự vấn tôi, vì có những điều tôi chưa viết, chưa dám viết, thiếu dũng cảm để viết.

Nhưng tôi sẽ viết...”.

Viết văn để thêm yêu quê hương

Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được xem là “rặt Nam Bộ”. Bởi lẽ ngôn ngữ, hình tượng, cốt truyện của ông đều mang đậm chất sông nước phương Nam, từ cái ăn, cái mặc, nếp nghĩ, cách sống, đến việc sử dụng chi tiết đắt giá, đậm tình quê. Theo giới nghiên cứu, ông “đậm đà Nam Bộ” đến nỗi trong tác phẩm ông không cần dùng điển tích xa lạ, không trau chuốt cầu kỳ. Cách ông kể chuyện tự nhiên như con người Nam Bộ bộc trực, hào sảng.

Đặc sắc nghệ thuật Nam Bộ trong văn chương Nguyễn Quang Sáng còn thể hiện ở hệ thống chi tiết văn hóa: từ chiếc áo bà ba, khăn rằn, nón lá, phương tiện đi lại là xuồng ghe, đến món canh chua bông so đũa, khô sặc ăn với xoài tượng, hay những loại rượu nồng… Theo PGS. TS. Bùi Thanh Truyền, ông không dùng ngôn ngữ miêu tả cầu kỳ nhưng qua mỗi trang văn, ta nghe mùi hương đồng gió nội, thấy nét chất phác của người dân châu thổ.

Cũng tại hội thảo, nhiều nhà văn, nhà thơ, tác giả nghiên cứu đã chia sẻ về những kỷ niệm từng có với ông, về niềm say mê văn chương và cả những kinh nghiệm sống và viết được thể hiện từ chính cuộc đời và văn nghiệp của ông. Nhà thơ Kim Quyên nhớ trong các buổi gặp gỡ, ông khuyên người viết trẻ: “Viết phải có chi tiết, tránh nói dông dài vô ích”. Còn theo tác giả Huyền Nga, bằng trải nghiệm của mình, ông chứng minh: “Muốn viết được hay, phải lăn lộn với đời”. Tác giả Hoài Hương ghi lại những chia sẻ về nghề của ông với các cây bút lứa sau: “Muốn thành công, phải xác định quê hương sáng tác của bạn, sống với nó, hiểu nó”. Đó có lẽ cũng đã là một nguyên tắc sáng tạo của ông: không cắm rễ vào thực tế, không gắn bó với đất và người, văn chương sẽ không thể lay động được ai.

Hành trình văn chương của Nguyễn Quang Sáng cho ta bài học quý về tinh thần sáng tạo, gắn bó đất nước, về một thái độ viết văn xuất phát từ tình yêu sâu nặng với con người, quê hương, đất nước. Như ánh bình minh trên cánh đồng hoang, như ngọn gió chướng thổi qua bưng biền, như dòng sông thơ ấu mãi chảy trong lòng người, những trang văn của Nguyễn Quang Sáng vẫn tiếp tục đồng hành cùng bạn đọc, giúp các thế hệ sau hiểu và trân trọng giá trị của lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhân văn.

D.KIM THOA

.