.

Đà Nẵng cuối tuần

Nghịch lý Louvre

14:59, 22/02/2025 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong 231 năm lịch sử, Louvre - bảo tàng nghệ thuật lâu đời nhất thế giới mở cửa cho nghệ thuật thời trang may đo cao cấp (haute couture), đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược chuyển đổi từ một điểm đến du lịch đại trà sang không gian văn hóa đương đại.

Chiếc váy bằng lụa và nhung cắt của Dior, với viền lông chồn ermine, do John Galliano thiết kế vào năm 2004, trưng bày tại bảo tàng Louvre. Ảnh: New York Times
Chiếc váy bằng lụa và nhung cắt của Dior, với viền lông chồn ermine, do John Galliano thiết kế vào năm 2004, trưng bày tại bảo tàng Louvre. Ảnh: New York Times

Tại căn phòng tiếp khách hoàng gia thời Napoleon III trong bảo tàng Louvre, một chiếc váy dạ hội lụa đỏ của Dior tỏa sáng dưới những chiếc đèn chùm pha lê cao 12m. Được John Galliano thiết kế năm 2004, chiếc váy với viền lông chồn trắng hòa hợp một cách hoàn hảo với nội thất nhung đỏ và những bức phù điêu dát vàng của căn phòng. Theo New York Times, đây là một trong 100 tác phẩm được trưng bày tại Louvre Couture - triển lãm thời trang đầu tiên của bảo tàng Louvre kéo dài từ ngày 24-1 đến 21-7-2025, và cũng là một vật mang tính biểu tượng cho cuộc cách mạng thầm lặng: định nghĩa lại vai trò của bảo tàng trong thế kỷ XXI.

Nghịch lý của thành công

Mặc dù thu hút tới 8,7 triệu lượt khách trong năm 2024, song Louvre vẫn đang phải đối mặt với một nghịch lý đặc biệt: dù không cần thêm khách tham quan (họ đã phải áp dụng giới hạn 30.000 khách mỗi ngày để giảm tình trạng quá tải) nhưng họ vẫn phải nỗ lực đổi mới để tồn tại và phát triển. Có một thực tế đáng lo ngại phía sau con số ấn tượng 8,7 triệu lượt khách nói trên, đó là chỉ có 23% trong số ấy là người Pháp, trong khi 66% là những người đến lần đầu, hầu hết họ đến chỉ để xem bức tranh nàng Mona Lisa, theo New York Times.

Đó là chưa kể, theo một báo cáo mật gửi đến Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati, bảo tàng Louvre đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về cơ sở vật chất, từ rò rỉ nước đến biến động nhiệt độ có thể gây nguy hiểm cho các tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả biểu tượng kim tự tháp kính do kiến trúc sư I.M. Pei thiết kế cũng bị đánh giá là "thiếu thân thiện". Khác với Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) - nơi có thể linh hoạt trong việc quản lý và gây quỹ, Louvre là một tổ chức nhà nước với ngân sách hạn chế, hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Văn hóa và chính phủ Pháp.

Kể từ khi nhậm chức Giám đốc Louvre năm 2021, bà Laurence des Cars đã không ngừng nỗ lực để thu hút nhiều hơn những khách tham quan thường xuyên, đặc biệt là giới trẻ và người Paris. Lấy cảm hứng từ Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan - nơi các triển lãm thời trang thường xuyên thu hút đông đảo công chúng, bà des Cars đã thử nghiệm nhiều sáng kiến mới: từ mở cửa bảo tàng vào buổi tối, tổ chức hòa nhạc, biểu diễn sân khấu đến các hoạt động thể dục.

Xu hướng triển lãm thời trang trong các bảo tàng
Louvre không đơn độc trong xu hướng kết hợp nghệ thuật với thời trang cao cấp. Tại Grand Palais - cung điện triển lãm lịch sử của Paris vừa được tu sửa, thương hiệu Dolce & Gabbana đã khai mạc triển lãm "From the Heart to the Hands" - một màn trình diễn thời trang hoành tráng với hơn 200 tác phẩm được trưng bày trong không gian đa phương tiện và các bối cảnh tinh xảo, theo New York Times.
Tiếp theo, Musée du Quai Branly - nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật từ châu Phi, châu Đại Dương, châu Mỹ và châu Á - sẽ ra mắt "Golden Thread", triển lãm về nghệ thuật sử dụng vàng trong dệt may và trang sức. Trong khi đó bảo tàng Petit Palais đang chuẩn bị cho sự kiện "Worth: The Birth of Haute Couture" - triển lãm hồi tưởng về cuộc đời và sự nghiệp của Charles Frederick Worth (1825-1895), nhà thiết kế người Anh được coi là cha đẻ của ngành thời trang cao cấp.

Triển lãm thời trang đầu tiên

Triển lãm thời trang mang tên “Louvre Couture” được trưng bày trên diện tích 9.000m2 là một bước đi táo bạo trong chiến lược chuyển đổi của Louvre. 45 nhà thiết kế và thương hiệu thời trang danh tiếng, từ Balenciaga đến Louis Vuitton, đã mang đến 100 tác phẩm thời trang và phụ kiện, được bố trí xen kẽ giữa 32.000 hiện vật nghệ thuật trang trí của bảo tàng, theo tạp chí Vogue.

"Thời trang là phương tiện biểu đạt nghệ thuật quan trọng ngày nay", ông Olivier Gabet, Giám đốc bộ phận nghệ thuật trang trí của Louvre giải thích với tạp chí Smithsonian Magazine. "Ngay cả khi chúng ta đang nói về nghệ thuật may đo thời trang cao cấp với mức giá đắt đỏ, thời trang vẫn là một phần của văn hóa đại chúng đương đại, của văn hóa thị giác. Nhiều người cảm thấy gần gũi với thời trang, và đây là cách để mời gọi họ khám phá rằng họ cũng gần gũi với bảo tàng".

Bà Pamela Golbin, cựu giám tuyển thời trang và dệt may tại bảo tàng Musée des Arts Décoratifs, chia sẻ nhận định với New York Times: "Bảo tàng và thời trang đã khiêu vũ cùng nhau trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, mối quan hệ này đang thực sự gần gũi hơn. Không phải lúc nào sự kết hợp này cũng thành công, nhưng nếu nó có thể kích thích sự quan tâm của công chúng - nếu họ có thể nhìn nghệ thuật theo cách khác - thì đó là cách tuyệt vời để tận dụng sức mạnh của thời trang".

TRẦN ĐẮC LUÂN

.