Đà Nẵng cuối tuần
Hoa và bánh tam giác mạch
* Hoa tam giác mạch có sự tích như thế nào? Bánh tam giác mạch được làm bằng nguyên liệu gì từ loài hoa này? (Quỳnh Nữ, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
![]() |
Sản xuất, đóng gói bánh tam giác mạch tại khu chợ đêm và phố đi bộ Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: V.T.L |
- Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi; NXB Y học - 2004), Tam giác mạch còn gọi là mạch ba góc, lúa mạch đen, sèo, kiều mạch (danh pháp hai phần: Fagopyrum esculentum). Đây là một loài cây thuộc họ Rau răm được Conrad Moench mô tả khoa học lần đầu vào năm 1794.
Mùa hoa tam giác mạch thường vào tháng 10, 11 hằng năm. Hoa được trồng nhiều tại các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và thảo nguyên Suôi Thầu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Trang hagiangsensetravel.com (Công ty CP Vietsense - Hà Giang) kể về sự tích hoa tam giác mạch như sau: Xưa nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô xuống gieo hạt nơi hạ giới; mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt; con người lấy về ăn. Khi ngô, lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về bản làng. Mọi người chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Đi nhiều nơi, lục tìm khắp các hang cùng góc núi mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng.
Một hôm, có mùi hương rất lạ thoảng bay trong gió. Tìm đến khe núi, mọi người thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín dưới hoa. Khi hoa kết hạt, mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo.
Vì đây là loại thảo mộc họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”. Câu chuyện được người dân vùng cao núi rừng Tây Bắc truyền từ đời này sang đời khác mỗi khi có ai đó hỏi về sự tích loài hoa đặc trưng này.
Cây tam giác mạch có nguồn gốc từ vùng núi Tây Bắc. Đặc biệt là Mộc Châu, Hà Giang. Ban đầu, cây tam giác mạch mọc dại ở bờ ruộng, rừng núi Tây Bắc và làm thức ăn cho trâu, bò. Cứ đến đầu mùa đông hoa tam giác mạch lại phủ lên cao nguyên một sắc hồng ngọt ngào. Người ta gọi loài hoa này như nàng thơ mùa đông của Tây Bắc.
Tam giác mạch không chỉ cho hoa đẹp lung linh rực rỡ, mà còn được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau. Trước đây, tam giác mạch chủ yếu được trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói cho người dân vào mùa giáp hạt. Cây non được sử dụng làm rau. Thân và lá tam giác mạch được sử dụng làm thuốc Đông y. Tam giác mạch có vị chát, hơi the, tính bình, có tác dụng lợi thấp, tiêu thủng, thanh nhiệt giải độc.
Hạt dùng để nấu rượu, làm thực phẩm. Phổ biến nhất là món bánh tam giác mạch. Bánh có bề ngoài giống chiếc bánh giày cỡ lớn của người miền xuôi nhưng lại mang màu nâu đặc trưng của hạt tam giác mạch. Khi ăn, bánh có vị ngọt đậm đà, dẻo và bùi cùng mùi thơm khá đặc biệt.
Ngoài làm bánh, hạt tam giác mạch còn được xay ra để nấu cháo. Vào những ngày đông giá lạnh, một bát cháo tam giác mạch thơm ngon nóng hổi sẽ khiến cái dạ dày được vỗ về ấm áp.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của du lịch, loài hoa đẹp này được du khách biết tới nhiều hơn. Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, người dân Hà Giang trồng hoa gối vụ kéo dài từ đầu mùa thu đến hết mùa đông. Vì thế, du khách có thể ngắm hoa ở nhiều thời điểm hơn, không chỉ dịp lễ hội.
ĐNCT