Chuyện xưa xứ Quảng
Tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở Đà Nẵng
Nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là Pô Inư Nagar (tiếng Chăm gọi pô là ngài, bà; inư là mẹ; nagar là xứ sở, đất nước hay đô thị). Bà được xem là Thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Tuy nhiên, thật khó xác định Thiên Y Ana được người Chăm thờ tự từ bao giờ; và cũng không còn những dấu tích vật chất liên quan đến nguồn gốc tín ngưỡng của người Chăm về Bà. Nhưng qua các truyền thuyết, các địa danh mang thánh tích, cho thấy tục thờ Thiên Y Ana dường như có mặt trên khắp lãnh thổ của vương quốc Chămpa xưa.
Miếu (ảnh trái) và tượng Bà Chúa Ngọc ở tổ 1, làng Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. |
Tuy có khá nhiều truyền thuyết khác nhau về sự tích của Bà, nhưng phần lớn các câu chuyện đều kể về một cô gái có nhan sắc tuyệt trần, tuổi chừng mười sáu đi hái trộm dưa của đôi vợ chồng già sống trên núi.
Sau đó, nàng được ông bà già nhận làm con nuôi và đặt tên là Mưjưk. Phía nam nhà ông bà già có một con sông lớn chảy ra biển. Ngày ngày nàng Mưjưk thường ra sông tắm. Một hôm nàng bám vào cây trầm hương để tập bơi. Đột nhiên, một con sóng lớn ập tới, kéo cây trầm cùng nàng ra biển.
Nàng trôi dạt đến một vùng đất mới, kết duyên cùng Thái tử nước ấy. Sau sáu năm chung sống với nhau, họ sinh được hai người con trai khôi ngô tuấn tú. Thấy chồng luôn đem quân đi cướp phá các nơi, nàng Mưjưk cố can ngăn nhưng không được. Một đêm, nàng biến mình vào cây trầm hương rồi trở về quê cũ.
Về tới nơi, nàng dạy dân cày bừa, dệt vải, xây thành đắp lũy rồi tự xưng là Pô Inư Nagar. Được tin nàng Mưjưk đã bỏ về quê cũ, Thái tử vô cùng tức giận và quyết định cùng hai con đi tìm nàng về. Hôm đó, nhìn thấy một chiếc thuyền lạ tiến vào cửa biển ngày nay có tên là Nha Trang, nàng Mưjưk biết ngay là người chồng tàn bạo của mình đã đến. Lập tức nàng làm cho giông tố nổi lên, nhấn chìm chiếc thuyền xuống đáy biển. Thái tử và hai người con biến thành ba tảng đá. Ngày nay tại cửa biển Nha Trang vẫn còn dấu vết của những tảng đá đó.
Từ đó, Pô Inư Nagar (hay Thiên Y Ana) đi vào trong tín ngưỡng của người Chăm, là vị nữ thần bản địa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Sự thờ cúng Bà gắn liền với tâm thức là vị thần Mẫu có chức năng cai quản đất đai, độ trì sự bình an, ban tài lộc cho con người. Khi người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ tiến về phương Nam mở cõi đã định cư trên mảnh đất Đà Nẵng.
Trải dài theo thời gian, vị nữ thần người Chăm đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt trên vùng đất mới. Giữa họ có sự giao thoa, tiếp nhận qua lại giữa các yếu tố văn hóa phù hợp giữa hai tộc người Việt - Chăm, Chăm - Việt cho dù những vùng đất mà sau này khi người Chăm rút dần vào phía Nam, người Việt đến khai phá vẫn bảo lưu những tín ngưỡng văn hóa dân gian của họ và được Việt hóa, thể hiện sự thờ kính, giữ gìn, tôn trọng sự linh thiêng của thần.
Người Việt tiếp thu và biến đổi Bà từ Mẹ xứ sở/Pô Inư Nagar trở thành bà Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc (hay Bà Chúa Ngọc) để họ dễ dàng trong việc tiếp nhận và thờ cúng, cũng như cầu mong, nguyện ước. Dưới thời nhà Nguyễn, Bà được phong tặng danh xưng bằng mỹ tự: “Hồng Nhân Phổ Tế, Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có rất nhiều nơi thờ tự riêng Bà hoặc phối hợp với thờ các thần khác trong các di tích như: đình Dương Lâm ở Hòa Phong, đình Đại La ở Hòa Sơn, đình Phước Thuận ở Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); đình Nam Thọ ở Thọ Quang (quận Sơn Trà); đình Trung Nghĩa, dinh Bà ở Hòa Minh (quận Liên Chiểu); miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi ở làng Sơn Thủy và trong động Huyền Không, động Tàng Chơn thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn),… cùng với hơn 20 sắc phong Thiên Y Ana của các vua nhà Nguyễn ở các đình làng.
Ngoài ra, còn thấy danh xưng bà trong các văn tế tại hầu hết các đình, miếu trên địa bàn thành phố cũng như nhiều linh tượng thờ Bà được chế tác bằng đá, sành sứ, đất nung,... Các pho tượng thường thể hiện hình dáng người phụ nữ trong tư thế ngồi, trên đầu đội vương miện, mặc áo choàng nhiều lớp với nhiều màu sắc sặc sỡ.
Phần lớn các pho tượng này đã được Việt hóa theo phong cách của người Việt, chỉ có một số ít tượng như tượng Bà Chúa Lồi ở Sơn Thủy và tượng Bà Chúa Ngọc ở động Tàng Chơn thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) còn mang phong cách nhân chủng Chăm. Đây là sự tiếp biến văn hóa dân gian khi người Việt tiến về phương Nam khai cơ lập nghiệp.
Hằng năm, tại các ngôi miếu thờ Thiên Y Ana, người dân địa phương tiến hành cúng tế thành kính theo nghi lễ tế thần truyền thống vào dịp Xuân Thu nhị kỳ. Ba năm một lần người ta tổ chức đại lễ. Lễ vật dâng cúng gồm hương hoa, áo giấy, đồ ăn chay và mặn, có nơi cúng heo quay, có nơi cúng bò.
Vào ngày lễ, nhân dân tập trung đông đủ tại miếu và cùng chuẩn bị các đồ lễ dâng lên Bà để tỏ lòng kính, cầu Bà giúp cho “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, mùa màng bội thu, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi.
Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại đến nay, Thiên Y Ana là vị nữ thần có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ của người Chăm mà ngay cả người Việt trên bước đường Nam tiến cũng đã tiếp nhận.
Vị nữ thần đầy quyền năng, siêu việt, cứu giúp người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống thực tại. Niềm tin về Bà đã được thần thánh hóa, thêu dệt lên những truyền thuyết, những huyền thoại về sự hóa thân, cứu rỗi con người, để rồi đến nay, hình tượng cũng như sự cứu độ của Bà vẫn được người dân Đà Nẵng tôn kính phụng thờ.
Thông qua hình thức thờ Thiên Y Ana, phần nào đã phản chiếu được quá trình phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây từ thuở khai hoang lập ấp cho đến ngày nay. Nó còn biểu hiện của quá trình giao lưu và dung nạp văn hóa giữa cộng đồng các tộc người đang sinh sống trên mảnh đất Đà Nẵng.
ĐINH THỊ TRANG