Chuyện xưa xứ Quảng

Vè giành đất

06:23, 15/05/2016 (GMT+7)

Ông Ngô Đằng, 83 tuổi, người làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, có ông cố là rể đằng tộc Thái ở làng này. Lúc nhỏ, ông nghe cha kể chuyện cuộc đời hoạt động oanh liệt của hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân. Nhiều đoạn, cha ông xướng theo kiểu hát hò khoan hoặc đọc vè, đến giờ ông vẫn còn nhớ.

Nhà thờ chí sĩ Thái Phiên vừa được trùng tu ở làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.P.Q
Nhà thờ chí sĩ Thái Phiên vừa được trùng tu ở làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.P.Q

Trong số những hò vè dân gian đó có bài “Vè giành đất” là ông nhớ từ đầu đến cuối, bắt đầu từ câu đầu trong câu ca “Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu”, như sau:

“Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Lệnh trên Đại Pháp dọn đàng đi chơi/ Dọn đàng các chốn đi chơi/ Dẫn lên Tây Béo(1) đi chơi Phước Tường/ Ông Hãn có một cái vườn/ Ổng kêu ổng hỏi vườn này vườn ai?/ Vườn này tổ phụ lưu lai(2)/ Ông mua, tôi bán, không ai dám giành”.

Ông Hãn và một số người khác trong bài vè, theo ông Đằng, là những người dân của làng Nghi An ngày đó. Nhân vật “dọn đàng đi chơi” nói trên là Gravelle, bà con thường gọi là Tây Kho Bạc. Y dạo một vòng quanh Phước Tường, Nghi An để tìm đất mở đồn điền, được dân làng Nghi An dẫn đi nhiều chỗ:

“Hãy còn bốn phía rẫy tranh/ Chúng tôi nhập nhĩ(3) mấy anh trong làng/ Hương Ích nghe nói đả ngang/ Dẫn ông Kho Bạc đưa sang vườn Bành (…)(4)/ Dẫn lên hố Sĩ, hố Lê/ Dẫn qua gò Mả Lạc, dẫn về vườn Niên/ Vườn Niên khi ấy đã yên/ Ông lại dẫn thẳng hồ Mạch, dẫn xiên qua Gò Vàng/ Tưởng ông dọn chửng(5)là an/ Không hay ông dọn Gò Thoàn cỏ tre/ Tưởng rằng ông dọn đi xe/ Không hay ông dọn ông be cái hồ/ Hai ông ngồi lại nhắm địa đồ/ Nhắm rẫy Thủ Chánh đào hồ binh linh(6)”.

Gravelle và một tên Tây nữa mở địa đồ ra, ngắm nghía cái rẫy rất rộng của ông Thủ Chánh (là cố ông Đằng), bàn cách đào hồ. Bao đời nay làng Nghi An rất yên bình, chẳng có ai đến dọc ngang dòm ngó như thế. Cho nên: “Làng mình nghe rõ sự tình/ Mời chư phái tộc: làng mình tính sao?/ Ông Tây ổng dọn đàng bao/ Mời chư phái tộc tính sao cho dân nhờ”.

Câu chuyện giành đất đến hồi kịch tính. Trong khi “Ông Tây nghe rõ truy cơ/ Truyền cho đám thợ đào bờ trồng cây” thì làng cũng không phải dạng vừa: “Làng truyền cho khắp dân bây/ Từ lớn tới nhỏ ra đứng đầy rẫy tranh/ Bây ra cứ việc bây giành/ Cu-li đào lỗ, bứt dây xanh(7) trói liền”.

Chuyện là, lúc đó nếu thấy người làm thuê (cho Gravelle) nào ra đào hố trồng cây thì dân làng “xử lý” ngay tức khắc, không khoan nhượng. Thấy sự việc diễn ra ngoài “kịch bản”, Gravelle đành xuống nước: “Ông Kho Bạc nghe nói cũng quyền/ Xuống Hàn bẩm sứ hai giờ chiều sứ lên”.

Làng đã định trước, chờ sứ lên để trình bày mọi việc:  

“Sứ lên, làng đứng hai bên/ Viết vô trong giấy dẫn qua bên này/ Ông Hương, ông Xã, ông Thủ, ông Thầy/ Lệnh trên Đại Pháp việc này tôi không gian/ Cấm Đình(8) vốn thiệt của làng/ Đất tôi trưng khẩn, thuế quan nộp thường/ Gò Trọc cho chí Gò Trường/ Cấm lớn, cấm nhỏ cũng nhường cho ông/ Hố Sung cho chí Hố Vông/ Làng tôi đã để cho ông cả rồi/ Lệnh trên Đại Pháp kia ôi/ Làng còn một chút cái ngôi Gò Đình/ Để lo cúng tế chư linh quỷ thần”.

Các loại gò, cấm (rừng), hố trên đất Nghi An đã nhường hết cho Tây, chỉ còn mỗi đất Cấm Đình cùng với ngôi đình làm chỗ cúng tế chư linh. Thế mà nó cũng đòi lấy nốt. Ông Ngô Đằng kể, sau vụ Tây chiếm đất đình này, làng đã cử ông Thái Văn Hùng (còn gọi là Xã Lọ, anh con nhà bác của ông Thái Phiên) ra Huế kêu oan vua quan nhà Nguyễn mấy tháng trời. Đòi lại đất không thành, ông uất quá mà chết.

Ngoài “Vè giành đất”, các tác giả khuyết danh làng Nghi An cũng để lại một số hò, vè khác kể về cuộc đời của Thái Phiên. Như bài “Thái Phiên - Trần Cao Vân”, ông Đằng chỉ còn nhớ một đoạn: “Mười bốn tháng năm chín trăm mười sáu/ Từ giã ngôi báu, vua quyết xuất dương/ Đi được nửa đường, cơ mưu bại lộ/ Chính phủ Bảo hộ đày Ngài đi xa/ Nghìn dặm quan hà cỏ cây rơi lệ/ Tuần vũ mưu kế - Họ Thái họ Trần/ Bị bọn thực dân bắt lên giết hết...”.

Bài vè nói vua Duy Tân “từ giã ngôi báu” ngày 14-5-1916, nhưng theo chính sử, nhà vua yêu nước bị bắt ngày 6-5, gần 6 tháng sau, ngày 3-11-1916, bị Pháp đưa đi an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái. Tuần vũ được nhắc tới trong bài là Trần Tiễn Hối, y cùng với Công sứ De Tastes phát hiện cơ mưu cuộc Khởi nghĩa Duy Tân qua việc thấy một viên thơ lại đốt các giấy tờ bí mật liên quan đến cuộc khởi nghĩa.(*)

Khi hay tin Thái Phiên bị xử chém, cả làng Nghi An rúng động, tất cả những người thân thuộc trong họ tộc, bạn bè của ông đều hủy tài liệu. Mẹ ông Thái Phiên chạy xuống Thanh Lộc Đán (nay thuộc quận Thanh Khê) ở với người con gái, tổ chức phục tang ông tại đây.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tên nhà yêu nước xứ Quảng Thái Phiên được đặt cho thành phố Đà Nẵng. Ông Đằng lúc ấy mới 12 tuổi, nghe bà Trịnh Thị Nhị người trong làng hát một bài hò khoan, có đoạn: “Lập ra cái Hội Việt Minh/ Sao vàng cờ đỏ đi biểu tình luôn luôn/ Đi cho khắp hết ngõ nguồn/ Đi biểu trên mọi(9) dẫn luôn về Phiên Thành/ Trăm lạy ông trời cho đặng chữ công danh/ Việt Nam độc lập giữ nền cho Việt Minh”.

Một thế kỷ đi qua, những lão làng như ông Đằng giờ bao điều nhớ bao điều quên. Ghi lại chuyện xưa này, rất mong những ai hay biết những câu ca dân gian nói trên, xin hãy bổ sung để làng quê Nghi An xưa cùng với nhà chí sĩ yêu nước đã để lại dấu ấn lịch sử dân tộc được minh họa rõ nét hơn, chân thực hơn nữa.

VIÊN PHÚC QUÂN


 (1)  Ngày đó, làng Nghi An có trảng Tây Béo.

 (2)  Cha ông truyền đến nay.

 (3)  Thành ngữ “Nhập nhĩ trước tâm”: Điều gì đã nghe vào tai thì ghi nhớ ngay vào lòng.

 (4)  Chúng tôi ngờ rằng, đã mất một đoạn ở đây, căn cứ vào vần gieo ở câu tiếp sau đó.

 (5)  Chừng ấy, chừng đó (phương ngữ).

 (6)  Mênh mông.

 (7)  Một loại dây rừng, lá như đồng tiền, phơi ngoài nắng trở nên dẻo dai, thường được dùng đánh nài cày, dây gàu múc nước.

 (8) Cấm: rừng. Cấm Đình là rừng Đình.

 (9) Lúc bấy giờ, dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng dùng từ “mọi” để chỉ các đồng bào dân tộc sống ở miền núi. Theo bài vè thì đây là các huyện miền núi Đông Giang - Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

(*) Theo các tài liệu cũ, thông tin khởi nghĩa Duy Tân đến được với Khâm sứ Trung Kỳ là do Tuần vũ Quảng Ngãi Trần Tiễn Hối thông báo với Trần Quang Trứ lúc đó là Thư ký Công sứ Pháp ở Huế, và chính Trần Quang Trứ đã trực tiếp báo với Tòa Khâm.

.