Chuyện xưa xứ Quảng

"Cửa ngõ Trung Kỳ" vào cuối thế kỷ XIX

06:18, 08/05/2016 (GMT+7)

Năm 1897, Paul Doumer ngay sau khi được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương đã thực hiện chuyến đi khảo sát thực tế tình hình toàn Đông Dương để có cơ sở thực hiện nhiều cải cách.

Đỉnh đèo Hải Vân ngày nay. Ảnh: V.T.L
Đỉnh đèo Hải Vân ngày nay. Ảnh: V.T.L

Trên thực tế, Đông Dương dưới thời ông làm Toàn quyền đã biến chế độ bảo hộ Pháp ở Đông Dương thành chế độ “trực trị”, xây dựng chế độ trung ương tập quyền cao độ nhằm xóa bỏ chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia Đông Dương.

Vào năm 1903, một năm ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương, ông đã viết cuốn sách Xứ Đông Dương (L’Indo-Chine française). Cuốn hồi ký này (được Công ty Alphabooks và Nhà xuất bản Thế giới tổ chức dịch và xuất bản năm 2016) đã tái hiện chân thực, sinh động và rõ ràng nhất bối cảnh lúc bấy giờ, trong đó có những ghi chép và nhận xét về Đà Nẵng đáng để chúng ta suy nghĩ.

Tháng 3-1897, Paul Doumer đáp tàu Isly khởi hành từ Bắc Kỳ để đến cửa biển Thuận An (Huế), sau đó đi đường bộ bằng ngựa vào Đà Nẵng. Khi đi qua đèo Hải Vân, ông đã ca ngợi: “Đường đèo Hải Vân ở phía trước, uốn lượn giữa khung cảnh tuyệt đẹp, có khi thấp xuống, đôi khi băng qua những vực sâu, vượt qua những thung lũng, những khe nhờ những cây cầu bắc ngang.

Giờ tuy đã có những cây cầu bằng đá và thép kiên cố cùng những con dốc cong vừa phải, nhưng con đèo vẫn không mất đi vẻ đẹp hấp dẫn, hùng vĩ có một không hai của kiệt tác do thiên nhiên tạo ra”.

Paul Doumer còn ví sương mù đèo Hải Vân như sương mù London, “phải nói rằng hành trình vượt đèo Hải Vân thật tuyệt vời. Màn sương mù bao phủ con đèo. Dường như tất cả mây của khu vực này đều tụ lại nơi đây, chúng chen chúc nhau bám vào sườn núi. Trong khoảng 1897 - 1902, tôi đã đi qua đây rất nhiều lần. Tôi đã nhìn tất cả từ xa, thành phố, vịnh Đà Nẵng, và hiếm khi thấy một không gian trắng mờ như thế… Chúng tôi bước vào màn sương mù, tầm nhìn chỉ còn khoảng 10 mét, dưới một cơn mưa nhẹ và hơi ẩm từ không khí thấm vào. Đó là sương mù London ở vùng nhiệt đới trên độ cao 1.400 mét. Đúng thế!”.

Thậm chí, ông so sánh vịnh Đà Nẵng còn đẹp hơn cả vịnh Villefranche - vịnh đẹp nhất của Pháp. Ông viết: “Mọi thứ trở nên rõ ràng trước mắt. Đà Nẵng xuất hiện. Thật đắm say. Không có một khung cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt lại vừa hùng vĩ như vậy. Ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche, thuộc vùng Côte d’Azur để làm ví dụ; phải lấy diện tích của vịnh đó mà nhân gấp 10, 20 lần; và lấy các vùng đất cùng độ cao của các dãy núi tại vịnh đó mà nhân lên cả trăm lần, ta mới có được Đà Nẵng với vùng vịnh và đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân ở độ cao 500 mét so với mặt nước biển. Thật vậy, khung cảnh ở đây đủ khiến những kẻ muốn khám phá phải đi từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật hấp dẫn và kỳ thú”.

Và một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa khi ông thông qua sự phê phán chính quyền bảo hộ và triều đình Huế về việc không biết phát huy vùng vịnh này xứng đáng với tiềm năng vốn có của nó, để nói về vị trí vô cùng thuận lợi của vịnh Đà Nẵng. Sau khi khảo sát Đà Nẵng, ông đã đặt ra một câu hỏi: “Làm thế nào để phát triển cảng biển này? Làm thế nào để làm nó lớn mạnh khi không có đường giao thông dẫn đến những nơi sản xuất và tiêu thụ, cũng không có cơ sở hạ tầng cho việc bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu?”.

Trong cái nhìn của ông, vào năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn, buồn tẻ. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, khoảng 12 ngôi nhà phong cách châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều. Tất cả như những dấu chấm trên cát biển bao la. Thành phố không đường, không cây, không vườn, không bến sông. Chỉ có những cây keo và một vài bức tường sắp đổ…

Tuy nhiên, Đà Nẵng có một vịnh lớn, sâu và tĩnh lặng che chở, trải dài 600 hải lý trên một khu vực tuyệt vời của Biển Đông. Tất cả các hoạt động từ Bắc tới Nam nhất định phải đi tới đây. Đó là cửa ngõ Trung Kỳ mở ra thế giới bên ngoài trên những tuyến giao thương kinh tế lớn mà các nước văn minh đã bắt buộc phải góp phần nuôi dưỡng nó.

Ông cho rằng thiên nhiên đã tạo ra cửa ngõ đó và đặt ra câu hỏi: “Cần phải làm gì để thúc đẩy những con người đang chây ỳ, để đột phá tầm nhìn hạn chế vốn đang gây trì hoãn vô thời hạn sự phát triển của thành phố và ngăn cản dòng hàng hóa đang ồ ạt đổ vào đây?”.

Đúng một thế kỷ kể từ khi Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, câu trả lời đã có khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và bứt phá ngoạn mục thành “cửa ngõ Trung Kỳ” như cách gọi của tác giả “Xứ Đông Dương” ngày đó.

VÕ HÀ

.