Chuyện xưa xứ Quảng

Chết vì… tức

07:40, 24/04/2016 (GMT+7)

Về Quế Sơn, hầu chuyện những người lớn tuổi, thường được nghe các cụ kể những giai thoại lý thú về ông tú Trần Hàn, đó là những  giai thoại vừa rất hài nhưng lại vừa rất… bi.

Thắng cảnh Suối Mát ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, quê Trần Hàn. (Ảnh minh họa)
Thắng cảnh Suối Mát ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, quê Trần Hàn. (Ảnh minh họa)

Đến nay vẫn chưa xác định chính xác ông tú Trần Hàn sinh năm nào, có lẽ vào khoảng cuối thế kỷ XIX tại làng Xuân Quê, nay là thôn Xuân Quê, xã Quế Long, huyện Quế Sơn. (Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt cho biết Trần Hàn đã từng đi thi Hương mấy lần nhưng không đỗ. Khoa thi Hương cuối cùng diễn ra dưới triều Nguyễn là vào năm 1918. Như vậy vào năm này, Trần Hàn cũng phải trên dưới 30 tuổi).

Tộc Trần của ông là tộc lớn và nổi tiếng của vùng. Ở Quế Sơn vẫn truyền tụng câu nói “Lãnh Á tộc Lê, Xuân Quê tộc Trần”. Tộc Trần vốn có nguồn gốc ở Nghệ An, di cư vào nam dưới thời Hồ Quý Ly (1402) đến sinh sống tại làng Hương Quế (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), sau có một nhánh lên định cư ở làng Xuân Quê. Trần Văn Chơn (cùng Phạm Nhữ Tăng và Nguyễn Ngọc Thanh) là một trong ba vị tiền hiền của làng Hương Quế, vốn là Chánh đề đốc chỉ huy thủy quân dưới thời Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế, 1409 - 1413).

Trần Hàn là con thứ 9 của ông Trần Chánh Nghị thường được gọi là ông Quyền Liệu. Lúc nhỏ ông là người thông minh, lanh lợi và học rất giỏi nhưng luôn bị mặc cảm về ngoại hình của mình. Do bị bệnh đậu mùa nên mặt ông bị rỗ chằng rỗ chịt và một con mắt bị hư. Dù học giỏi nhưng đường khoa cử của ông lại lận đận. Lều chõng  hai ba khoa thi Hương liên tiếp cũng đều chỉ đỗ… tú tài, vì thế ông đâm ra chán nản, chỉ mượn văn chương thơ phú và hát xướng làm niềm vui.

Ông là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như Vịnh chó săn, Vịnh thằng Mốc, Thằng Tây qua chiếm nước  mình,… Thơ ông được khen không chỉ vì có ý hay mà còn vì tấm lòng yêu nước của ông, luôn mượn ý thơ để lên án thực dân phong kiến và tay sai.

Ông cũng là nhà soạn tuồng hát bội, tác giả của các vở: Ngọc tỉnh trầm châu, Xã Vịt. Xã Vịt là vở tuồng hài phản ánh người thật việc thật ở quê ông. Khi lên sân khấu, người thật việc thật được ông nói lái để thành tên khác cho khỏi bị trực tiếp va chạm nhưng người nghe vẫn biết đó là ai, như hương kiểm của làng có tên là Kiểm Trưu thành tên mới là Cửu Triêm hay người phụ nữ có tên là Thị Yên được gọi là Thiện Y.

Nhưng có lẽ “nghề” của ông là hát hò khoan đối đáp. Nhiều người cho rằng ông là tác giả của bài hát đối nổi tiếng “Chiêng và Dùi” cùng các cô gái ở làng Dùi Chiêng (nay thuộc huyện Nông Sơn): Tui đây, khách lạ qua đàng!/ Lên đây, ông Bá bảo hát với các nàng Dùi Chiêng/ Ngày mai, tui đáo dốc Bình Yên/ Các cô ở lại có Chiêng, không Dùi/ Về nhà, lòng lại bùi ngùi/ Một mình dưới nớ có Dùi không Chiêng/ Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Gặp đây có bạn, có Chiêng, có Dùi…!

Trong hát hò khoan đối đáp, sự tài tình của Trần Hàn còn ở chỗ hay vận dụng nghệ thuật nói lái độc đáo của Quảng Nam. Ông luôn hạ đối thủ bằng những câu hát tuyệt chiêu, lắc léo. Tài nghệ hát đối của Trần Hàn gần như là “vô đối” trong vùng vì thế không những trực tiếp hát, ông còn làm “thầy dùi” cho những người hát hò khoan đối đáp. Ai gặp đối thủ “xương xẩu” hoặc “bí  gỡ” vì những câu hát “hóc búa” đều tìm đến Trần Hàn để nhờ tham mưu, giúp đỡ.

Thế nhưng Trần Hàn đã phải “tử” vì “nghiệp” hát hò khoan đối đáp, môn vốn là “sinh nghề” của mình vào năm “hạn số” 49 tuổi. Chuyện kể, ông bị hộc máu mà chết sau ba lần hát đối bị thua không gỡ trước những đối thủ… dưới cơ.

Lần thứ nhất trước một cô gái làng bên. Trần Hàn để cho cô gái hát trước và gặp ngay một câu đối vừa xỏ xiên vừa hóc búa, lôi tên ông (Hàn) và tên bốn bà vợ của ông (Nồi, Niêu, Tích, Xán) ra để giỡn cợt, làm ông phải tắt tiếng ca: Nồi niêu, tích để hững hờ/ Sụp giàn xán bể đợi chờ hàn the!

Lần thứ hai tương truyền là với các cô gái ở Duy Xuyên, làm ông vừa bí vừa nhục vì đem hoàn cảnh và ngoại hình của ông để bêu riếu: Trần ai gặp lúc cơ hàn/ Rổ đan mặt mốt xuống làng mót khoai. Các cô vừa chê ông nghèo (trần ai, cơ hàn, mót khoai) vừa chê ông xấu (mặt mốt = một mắt; rổ đan = mặt rỗ chằng rỗ chịt). Quả là bị xúc phạm quá mức!

Lần thứ ba cũng là lần cuối không những khép lại hẳn quãng đời say mê, ngang dọc hát hò khoan đối đáp mà còn kết thúc luôn cuộc đời của ông.

Lần này vừa mới mở đầu ông gặp ngay một cô gái trẻ đẹp nhưng ma mãnh đã cất giọng với một câu cực kỳ đáo để: Quần em rách dọc rách ngang/ Thầy liệu thầy hàn em trả công cho.

Hết chỗ để nói! Cả hai cha con của ông (Trần Liệu, Trần Hàn) bị lôi ra để nhờ xử lý cái quần “rách dọc rách ngang” của phụ nữ. Xử lý xong mới được trả công! Thật hết chỗ để gỡ!

Người đời sau vẫn lấy cái chết của cụ Tú Hàn làm bài học về lẽ đời để răn dạy con cháu và lớp trẻ. Người thì nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (người giỏi ắt có người giỏi hơn đánh bại). Người thì bảo: “Sinh ư nghề, tử ư nghiệp”. Có người lại mượn lời thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du để ngâm nga: Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần!

LÊ THÍ

.