Đà Nẵng cuối tuần
Lễ hội biết ơn "hồn lúa" của người Tà Riềng
Đồng bào dân tộc Tà Riềng (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) có nhiều lễ hội độc đáo mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy, trong đó có lễ ăn cơm mới, tạm biệt năm cũ đón chào năm mới được bà con nơi đây giữ gìn và truyền nối từ bao đời nay.
Nam nữ thanh niên trong vòng xoang tạo không khí lễ hội thêm sôi động. Ảnh: N.V.S |
Hằng năm từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 âm lịch, khi tiếng sấm vang lên là sự bắt đầu khai thông đất trời, âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, đây là thời điểm nông nhàn để cộng đồng người Tà Riềng nô nức tổ chức lễ ăn mừng cơm mới, gọi là Cha Ba Riang. Cha có ý nghĩa là ăn. Ba Riang: cơm mới. Theo luật tục của người Tà Riềng, chủ hộ năm đó phải được trăm gùi lúa thì mới được tổ chức ăn mừng cơm mới.
Cha Ba Riang đã có từ lâu đời, người Tà Riềng tổ chức nghi lễ này biểu hiện sự biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người, cầu mong thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Người Tà Riềng thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới tại không gian riêng của gia đình và được cả làng cùng tham gia nhằm tận hưởng thành quả lao động, tỏ lòng biết ơn thần linh, đặc biệt là Thần Lúa.
Theo các già làng (thầy cúng), khi tổ chức ăn mừng cơm mới, trước đó rất lâu đã chuẩn bị các thứ lễ vật. Sinh sống trong địa vực núi rừng, nên mỗi khi săn bắt được thịt thú rừng như: mang, heo rừng, sóc, chuột, dúi... đến bắt được nhiều cá ở sông suối... tất cả đều ngon và quý, bà con để dành hong khô trên giàn bếp. Nhờ hơi lửa và khói bếp, thịt khô loại này cho mùi vị rất đặc trưng. Người Tà Riềng xem món khô luôn là món ăn “đặc sản”. Chỉ khi có khách hay lễ hội truyền thống, bà con mới mang ra phục vụ lễ hội và nướng để thết đãi khách.
Để chuẩn bị cho nghi lễ Cha Ba Riang, phụ nữ Tà Riềng lo đồ cúng lễ, đàn ông thì làm cây nêu, sửa sang lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Lễ vật cúng gồm: một gùi lúa mới, cơm mới, bánh poắc, một con gà trống, ché rượu cần, rượu tà vạt, rau dớn, ếch nấu măng tươi, cá suối quấn lá chuối rừng nướng, món gà nấu bằng ống nứa nướng lên vừa chín tới và các lễ vật liên quan khác là các loại thịt chuột, chim, sóc, dúi.
Già làng bày các lễ vật ngay tại gốc cây nêu, vừa khấn vái, vừa theo dõi con gà trống đặt trên gùi lúa thiêng tròn trịa để xem mùa màng năm sau thế nào. Nếu con gà trống vừa đặt ở đó mà nó ăn hạt thóc hoặc cất tiếng gáy vang ngay trong lễ cúng, đây là chỉ dấu báo hiệu mùa màng năm sau tươi tốt, bội thu. Cùng lúc, già làng bắt con gà cắt lấy tiết trộn đều vào những hạt lúa thiêng, hai tay nắm đầy những hạt thóc rồi tung lên trời hô to: “Giang Chorr! Giang Chorr”, với ý nghĩa trân trọng, nâng niu hạt lúa, hạt ngọc của Giàng (Trời). Sau già làng, hộ gia đình có thành tích thu hoạch 100 gùi cũng tung những hạt lúa và bánh poắc, đồng thanh hô cùng già làng. Rồi lần lượt đến con cái trong gia đình và tất cả dân làng cùng tham gia nghi thức đó.
Xong lễ cúng, già làng lại cất tiếng hú vang: “Giang Chorr! Giang Chorr”, báo hiệu phần hội bắt đầu. Dân làng cùng gia chủ uống cạn mấy ghè rượu, các chàng trai khỏe mạnh thay nhau đánh cồng chiêng, trình diễn thổi đinh tút - một loại sáo rất phổ biến của đồng bào Tà Riềng. Trong tiếng cồng chiêng vang vọng, tiếng sáo đinh tút trầm bổng, phụ nữ Tà Riềng tay trong tay kéo nhau về khu vực lễ hội xoắn xuýt tình người cùng hát vang trong vòng xoang với điệu múa Pêl mừng mừng cơm mới, điệu Túk chêm hoong mừng được mùa.
Theo tập quán của người Tà Riềng huyện vùng cao Nam Giang, tùy vào khả năng của gia chủ mà thời gian tổ chức ăn mừng cơm mới đón chào năm mới có thể kéo dài. Trước đây, bà con dân làng tổ chức lễ mừng cơm mới diễn ra linh đình từ 5 đến 7 ngày và rất tốn kém. Bếp nhà người Tà Riềng nào cũng đầy ché rượu cần thơm ngon, thịt rừng đầy giàn bếp. Nhà nào đông khách, coi đó là niềm vinh dự, báo hiệu vụ mùa tới bội thu. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự thay đổi kinh tế - xã hội, các lễ hội nói chung, lễ mừng cơm mới của người Tà Riềng ở các làng thuộc 2 xã vùng cao Đắc Tôi, La Dêê nói riêng cũng có nhiều thay đổi, theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn, nhưng vẫn được đồng bào Tà Riềng nơi đây coi trọng, giữ gìn và truyền nối từ bao thế hệ cha ông tiên bối cho thế hệ ngày nay.
Trong cuộc sống hằng ngày, người Tà Riềng luôn tin rằng, thế giới tự nhiên có nhiều vị thần và trong các nghi lễ liên quan tới đời người, tới cây lúa mẹ, thì Giàng chính là hồn lúa mẹ, có sức mạnh tác động đến sản xuất và cuộc sống của họ. Cha Ba Riang là một trong những lễ hội truyền thống của người Tà Riềng gắn với tập tục đón rước Giàng, đón hồn lúa từ rẫy về ăn Tết cùng gia đình và cầu mong hồn lúa phù hộ giúp đỡ gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn khấm khá hơn. Đây cũng là dịp để đồng bào Tà Riềng gặp gỡ vui xuân, đón chào năm mới, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cầu mong vụ mùa tới sẽ thu hoạch nhiều lúa hơn, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Tà Riềng ở huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) nói riêng, cũng như những tục lệ độc đáo và những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung.
NGUYỄN VĂN SƠN