Chuyện xưa xứ Quảng
Vị võ quan thủy binh người Thăng Bình
Trực tiếp chỉ huy đội quân của mình, ông Hồ Viết Mẫn đã góp công vào thắng lợi chung của triều đình trong thời gian đầu cuộc chiến chống Pháp xâm lược.
Bản chụp sắc phong (ảnh trái) và Văn bằng của Đề đốc Thủy quân cấp cho ông Hồ Viết Mẫn vào năm Tự Đức thứ 19 (1866). Ảnh tư liệu |
Nội dung các văn bằng, sắc phong được lưu giữ cho thấy ông Hồ Viết Mẫn đã tham gia thủy binh triều Nguyễn vào thời vua Tự Đức và được bổ nhiệm nhiều chức vụ trong Thủy sư Kinh kỳ. Có hai văn bằng đóng ấn triện Kinh kỳ Thủy sư ký vào các năm Tự Đức thứ 13 (1860) và Tự Đức thứ 19 (1866) cùng với hai bản sắc đóng ấn Sắc mệnh chi bửu của nhà vua ký vào năm Tự Đức thứ 25 (1872) và Tự Đức thứ 30 (1877)...
Theo tư liệu lưu trữ của gia tộc họ Hồ (thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh), ông Hồ Viết Mẫn sinh năm Giáp Thân (1824) tại xã Phú Hòa, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình.
Theo sử triều Nguyễn, ông Hồ Viết Mẫn (còn có tên Hồ Thận) đậu cử nhân võ khoa thi Hương tại kinh đô Huế năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Khoa thi này có 64 người trúng cách ba trường (trường thứ nhất thì xách tạ, trường nhì thi múa côn và thương, trường ba thi bắn súng điểu thương) vào phúc hạch (thi bắn súng điểu thương) chọn được 51 người đỗ cử nhân, trong số đó có Hồ Viết Mẫn. Sau khi đỗ, ông được làm quan Hành tẩu xứ Thị vệ. Hành tẩu là ngạch trong quan chế triều Nguyễn, “vừa làm việc vừa học tập” nhằm làm quen công việc trong bộ máy hành chính triều Nguyễn.
Tháng 8 năm Tự Đức thứ 13 (1860), do có kinh nghiệm trong công việc và có trình độ, năng lực nên viên quan Thống quản tam vệ thuộc thủy quân bẩm tâu với Quan Đề đốc Thuỷ sư họ Võ, Tả tham tri Bộ Binh cấp văn bằng sung Hồ Viết Mẫn vào chức vụ Thư Lại Vị nhập lưu hàm Bát phẩm của một đội thủy binh thuộc Thủy sư Kinh kỳ. Thủy sư Kinh kỳ là một đơn vị lớn về thủy quân bảo vệ kinh đô, do một Đô thống chỉ huy. Bản dịch văn bản sắc phong nêu rõ: “... Xét lời bẩm tâu của viên quan thống quản tam vệ thuộc thủy quân thì chức Thư Lại ngũ đội trong vệ đó còn thiếu, bèn chọn Hồ Viết Mẫn, quê xã Phú Hòa, tổng An Thái trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, theo việc quân lâu năm, có học hành, biết tính toán, có thể điền khuyết chỗ đó. Nên cấp bằng chứng nhận cho Hồ Viết Mẫn sung làm Thư Lại Vị nhập lưu Điển thủ ở trong đội, theo sự điều hành công vụ của viên Suất đội. Nên làm việc cật lực, không được trễ nãi...”.
Đến tháng 3 năm Tự Đức thứ 19 (1866), do làm việc quân đã lâu, lại cần mẫn, chăm chỉ trong công việc, ông được Quan Đề đốc thủy quân họ Nguyễn ở kinh đô cấp văn bằng bổ nhiệm Đội trưởng phụ trách một thập (10 người) thuộc Đội số 5 thủy quân ở kinh đô. Tháng 3 năm Tự Đức thứ 25 (1872), ông được vua Tự Đức cấp sắc chuẩn bổ thụ Đội trưởng. Trong nhiều năm ở chức vụ, do làm tốt công việc nên đến năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông được thăng thưởng lên Chánh đội trưởng suất đội, chỉ huy Đội số 8, Vệ số 3, Doanh hữu của Kinh kỳ Thủy sư ở kinh đô Huế, hàm Tòng Ngũ phẩm Võ ban. Theo binh chế dưới triều Nguyễn, chức vụ Chánh đội trưởng đội thủy binh ở kinh đô là người chỉ huy một đội quân quy định gồm 5 thập (50 người).
Theo sách “Thủy quân triều Nguyễn (1802-1884)” của Tiến sĩ Bùi Gia Khánh (NXB Sự thật - 2018), bấy giờ tại kinh đô có 15 vệ thủy binh xếp thành 3 doanh đứng đầu là quan Đô thống. Đối với triều Nguyễn, thủy binh được coi trọng, nên các đời vua rất quan tâm xây dựng, huấn luyện và trang bị cho binh chủng này. Thủy sư Kinh kỳ là một đơn vị rất quan trọng đối với việc bảo vệ kinh đô Huế dưới thời Nguyễn. Đặc biệt dưới thời Tự Đức, tình hình đất nước đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Sau sự kiện quân Pháp tiến đánh Đà Nẵng (1858), để phòng vệ kinh đô, triều đình Huế cấp tốc điều 150 lính và 2 chiến thuyền về đóng giữ cửa biển Tư Hiền.
Ngoài ra, vua Tự Đức còn tăng cường hệ thống phòng thủ của biển Thuận An để phòng vệ cho kinh đô Huế. Năm 1860, triều đình cho thực hiện một phần kế hoạch phòng thủ bờ biển của các quan lại ở Bộ Binh đệ trình, xây dựng các đồn trên tuyến Tam Giang - sông Hương và ở cửa biển Thuận An để kiểm soát và trông coi. Trong kế hoạch phòng thủ này, lực lượng thủy binh (trong đó có Đội do ông Hồ Viết Mẫn chỉ huy) đóng vai trò rất quan trọng.
Do có vị trí hiểm yếu ở gần kinh đô nên hệ thống phòng thủ của Thuận An và sông Hương được triều đình Huế xây dựng tương đối hoàn chỉnh và kiên cố trên một diện rộng mang tính phòng ngự liên hoàn, có thể chủ động chống đỡ những cuộc tấn công bất ngờ của thực dân Pháp ở thời gian đầu của cuộc chiến. Trực tiếp chỉ huy đội quân của mình, ông Hồ Viết Mẫn đã góp công vào thắng lợi chung của triều đình trong thời gian đầu cuộc chiến chống Pháp xâm lược.
Với một võ quan, Tòng Ngũ phẩm là một chức quan đứng hàng thứ 5 trong Cửu giai. Đối với quy chế của Nhà Nguyễn, quan lại từ Ngũ phẩm trở lên thuộc hàng đường quan (quan lớn) được hưởng những ưu đãi của triều đình; mỗi chức vụ có giai phẩm, được ban tên thụy hiệu sau khi chết. Ông Hồ Viết Mẫn có hàm Tòng Ngũ phẩm (Võ giai) thì sau khi mất sẽ được triều đình truy tặng thụy hiệu là Tráng Hiển. Tháng 6 năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông mất, được nhận các thụ là Kiến Trung Đô úy (Đô úy là võ quan cấp ủy, hàm Chánh Ngũ phẩm), làm Suất đội coi Đội số 8 thuộc Hữu quản Tam vệ Thủy quân, thụy là Tráng Hiển.
Toàn bộ sắc phong bổ thụ chức vụ cho Kiến Trung Đô úy Hồ Viết Mẫn đều có đóng dấu triện của vua và các bộ của triều đình nhà Nguyễn. Các tài liệu này đã chứng minh rõ ràng, tin cậy về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông Hồ Viết Mẫn đối với một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
AN TRƯỜNG