Đà Nẵng cuối tuần

Cầu mưa bằng... trống đất

09:52, 04/06/2023 (GMT+7)

Người Cor có nhiều phong tục, tập quán được bảo tồn qua nhiều thế hệ, trong đó có tục làm trống đất và thực hiện nghi lễ cầu mưa, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên; mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống của người dân yên vui, ấm no, hạnh phúc.

Người Cor gõ trống đất (ảnh trái) và nghi lễ cầu mưa diễn ra bên cây nêu dựng ngoài trời. Ảnh: N.V.S
Người Cor gõ trống đất (ảnh trái) và nghi lễ cầu mưa diễn ra bên cây nêu dựng ngoài trời. Ảnh: N.V.S

Người Cor ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, hiện vẫn còn gìn giữ trống đất - một trong những nhạc cụ thiêng liêng được bà con coi là báu vật của cộng đồng. Trống đất được làm bằng mo cau đặt trên 5 miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lỗ có bề ngang, bề dài, độ sâu vào khoảng một gang tay (khoảng hơn 20cm), có dạng hình chum trên một mặt đất phẳng. Mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay và xếp thành hai hàng, hàng trước 2 lỗ, hàng sau 3 lỗ. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ mịn, quánh, dẻo của đất và đường kính, chiều rộng, chiều sâu của hố đất.

Theo truyền thống, trước khi tiến hành nghi lễ cầu mưa, các già làng có uy tín tìm những thế đất rộng, bằng phẳng để chọn làm nơi đặt trống đất; sau đó đi tìm và lựa chọn những chiếc mo cau già, to bản đem phơi khô để làm mặt trống. Thường các già làng là người am hiểu phong tục tập quán của người Cor mới được đánh trống đất vào những lúc nắng hạn để cầu xin ông trời cho mưa thuận gió hòa.

Khi gõ dùi lên mặt trống, âm thanh từ mặt trống truyền qua sợi dây lạt xuống đất. Những âm thanh trầm bổng vang lên, lúc thì rền vang dữ dội, lúc thì nhỏ nhẹ khoan thai. Nếu dùng một tay đánh vào mặt trống thì trống có âm thanh ngân dài và vang xa. Còn nếu chặn một tay vào mặt trống, thì tiếng trống sẽ khô và đanh hơn mà lại không vang. Ngoài ra, người đánh trống có thể tạo ra các âm thanh như có tiếng náo động và dồn dập, có lúc như tiếng reo vui.

Hằng năm, vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, sau khi dọn sạch rẫy cũ hoặc khai hoang rẫy mới và việc gieo trồng của mùa vụ trong năm đã xong, người Cor tổ chức làm trống đất và tiến hành nghi lễ cầu mưa. Các già làng cho biết, người Cor tin rằng, trống đất rất linh thiêng trong nghi lễ cầu mưa. Dân làng khấn nguyện đến 5 vị thần: thần Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Đất và thần Người, mong các vị sớm ban mưa cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Trước khi tiến hành nghi lễ cầu mưa, già làng và thầy cúng họp bàn với bà con dân làng thống nhất việc chọn ngày lành tháng tốt, cùng các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức nghi lễ. Tùy vào mức độ hạn hán và điều kiện của từng nhà, từng làng mà lễ vật năm đó có thể nhiều hay ít. Nhưng nhất thiết phải có cây Nêu tượng trưng cho tấm lòng người Cor và là trung tâm để thực hiện nghi lễ cầu mưa.

Lễ cầu mưa còn gọi là lễ cúng nguồn nước nữ thần Mo Huýt, được tổ chức tại trung tâm của làng vào giữa trưa với sự có mặt của tất cả dân làng. Các vị già làng có uy tín mặc trang phục truyền thống người Cor, đại diện cho cộng đồng làng đứng ra làm lễ, trong đó một già làng khấn chính. Thầy cúng dẫn đoàn người trong làng ra làm lễ cúng thần Thổ địa và thần Nước. Lễ vật rất đơn giản, gồm mâm trầu cau, rượu, gạo, một con gà luộc, một con gà trống tơ. Ngoài ra, lễ vật không thể thiếu sản vật khô là nhím hoặc sóc.

Khi âm thanh của chiêng trống đồng loạt nổi lên, già làng bước ra dâng lời khấn nguyện bằng tiếng dân tộc mình, thể hiện lòng thành tha thiết gửi đến các vị thần linh. Tạm dịch: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người Cor có mâm lễ xin dâng lên thần Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Đất, thần Người, thần Sông, thần Núi, thần Thổ địa, Tổ tiên ông bà, kính mong chư vị về thụ hưởng. Hỡi ông thần Người kêu ông thần Đất, ông thần Đất gọi ông thần Trời, ông thần Trời gọi ông thần Mây để ông thần Mưa cứu loài người trên trần gian này đang khát nước. Bây giờ các loài cây cối đang chết rụng và sông suối đang cạn khô, động vật đang mất dần. Thần Mây, thần Mưa hãy mau đổ nước xuống để cây lúa trên rẫy nẩy mầm. Hãy phù hộ đổ mưa xuống cho nguồn nước các khe, các suối chảy về để người Cor có nước uống, sinh hoạt nấu nướng, cho cây sắn, cây lúa, cây bắp lên xanh tốt, mùa màng được bội thu”.

Sau mỗi câu cầu khấn bên cạnh cây Nêu, già làng gõ trống đại diện thần Đất một tiếng; đối với các trống đất đại diện cho ba vị thần Trời, Mây, Mưa, thì gõ 7 tiếng; riêng trống thần Người phải gõ 9 tiếng. Khi trời có sấm sét, người Cor đánh trống đất và thực hiện nghi lễ cầu mưa cho tới khi trời chuyển giông báo hiệu sắp có mưa thì mới thôi.

Thông qua nghi lễ dân gian có ý nghĩa này, người Cor trao truyền đạo lý, gửi gắm những ước mơ về cuộc sống yên bình. Cùng với đó, phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của các chàng trai bên cạnh các cô gái người Cor trong trang phục truyền thống nhịp nhàng điệu múa dân gian Ka đấu hòa cùng các làn điệu dân ca Cor mượt mà. Đây còn là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng người Cor, đưa mọi người đến gần nhau hơn, gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe, để chung sức xây dựng quê hương và phát triển cộng đồng.

Khởi nguồn từ tín ngưỡng dân gian cổ xưa, nghi lễ cầu mưa của đồng bào Cor là một hoạt động văn hóa đang được gìn giữ và phát huy có ý nghĩa giúp người Cor thêm niềm tin, thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, cây cối nảy lộc đâm chồi, con người khỏe mạnh. Nhiều giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Cor cũng được phục hồi, nuôi dưỡng, góp phần gắn kết, khơi dậy từ những con người Cor bình dị, tràn đầy sức sống và ước mong xây dựng cộng đồng ngày càng giàu đẹp, ấm no.

NGUYỄN VĂN SƠN

.