Đà Nẵng cuối tuần
"Cá thần" Bàu Quyền
Một câu chuyện có thật. Ngày ấy khi tiếng đồn lan nhanh cả một vùng từ Bắc đến Nam, kể cả tận Huế, Sài Gòn, Đà Lạt… ai cũng đổ xô tìm đến Bàu Quyền, người thì đến tận nơi xem cho thỏa tính hiếu kỳ, người thì xin thuốc chữa bệnh, hoặc để cầu may gia sự…
Bàu Quyền, nơi xảy ra hiện tượng “cá thần” 60 năm trước. Ảnh: N.H.T |
Bàu Quyền tọa lạc ở làng Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Lãnh, người làng Tịnh Đông Tây, ngày đó trong làng có một lão nông tên là Hương Ưng, ông này có một con đìa (như cái ao lớn nằm ven bàu), cứ năm bảy ngày, lưng nửa tháng là ông dẫn con cái đi tát đìa một lần để bắt cá. Trước khi tát đìa, người ta thường rang cám rải quanh bờ để nhử cá vô. Nghe mùi cám thơm, lũ cá ngoài bàu kéo đàn kéo đống bơi hết vô đìa.
Một buổi chiều 60 năm trước, sau khi rải cám nhử cá xong, ông Hương Ưng đóng đìa lại bằng bửng tre để ngăn không cho lũ cá trong đìa chui ra. Bỗng từ trong đìa, một con cá bự xà lự phóng một phát lên không trung rồi thả mình xuống mặt nước ngoài bàu, bơi lội tung tăng như muốn châm chọc ông. Vừa bực tức, vừa tiếc ngẩn tiếc ngơ, ông về nhà cả đêm không ngủ được, bụng dạ mong cho trời mau sáng.
Sáng hôm sau, ông cùng con cái ra đìa tát cá thì, lạ thay, không bắt được con cá nào cả. Vì sao? Ông về nhà, nghĩ mãi không ra, rồi kể lại cho bà con lối xóm nghe. Cũng buổi sáng hôm đó, một nhóm trẻ chăn trâu trong làng thả trâu ăn cỏ quanh Bàu Quyền, chúng phát hiện một con cá có độ dài tầm hơn mét rưỡi bơi giữa bàu với vẻ lờ đờ như gần chết. Bọn trẻ reo hò lao ào xuống bàu tranh nhau bơi ra để bắt, nhưng khi chúng bơi phía sau, con cá cứ bơi phía trước, người cứ rượt theo cá mà không thể bắt được, một đoạn thì con cá biến mất, rồi lại nổi lên ở cuối bàu lờ đờ như cũ.
Lũ trẻ chăn trâu thấy vậy không dám xuống bắt nữa. Bọn chúng kháo nhau là cá ma, cá thần. Đến trưa đánh trâu về làng, chúng kể lại cho mọi người nghe, ai cũng ngạc nhiên cho là chuyện lạ kỳ.
Những ngày sau nhiều người cũng thấy con cá đó bơi lờ đờ bên một bèo rơm giữa bàu, ngọn gió đưa đẩy bèo trôi lên trôi xuống đều thấy nó dựa theo. Người dân trong thôn tập trung đội dân vệ mang súng vào để bắn con cá, trong đó có những người thiện xạ như các ông Hai Bồng, Nguyễn Bán, Phan Thanh Cai... họ nhắm bắn nhiều lần nhưng cá không chết. Họ bắn chỗ này, con cá lặn xuống và nổi lại chỗ kia. Từ đó mọi người đâm hoảng nghi là “cá thần” và bỏ về không dám bắn nữa. Người dân bắt đầu khấn vái, cầu xin thuốc thang bằng những lá cây quanh bàu để chữa bệnh. Tin đồn ngày càng lan xa cả vùng Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Sơn.
Rồi nghe nói có một tiểu đội lính Bảo an đem theo 4 quả mìn xuống đánh con cá lạ. Bốn quả mìn nổ rền trời, cá to cá nhỏ chết nổi lềnh bềnh trắng bàu, nhưng con cá lạ vẫn không chết, cứ bơi lờ đờ như trêu ngươi. Quân lính sợ hãi bỏ về.
Từ đó tin đồn “Cá Thần thánh linh thiêng” loan truyền khắp nơi. Người xa kẻ gần chuyền tay nhau những tấm ảnh không biết lấy từ đâu, to nhỏ với nhau rằng do máy bay trực thăng chụp đám mây trên không trung có hình ảnh Phật bà Quan Âm đang điều khiển “cá thần”. Sự tin tưởng vào thần thánh ngày càng lan rộng trong dân gian, hằng ngày có khi đến cả nghìn người từ Hội An, Đà Nẵng, Huế, thậm chí cả đến Sài Gòn… đổ xô về Bàu Quyền để khấn vái cầu xin thuốc tiên chữa bệnh.
Gọi là thuốc, nhưng đó chỉ là các loại cây lá cỏ mọc quanh và dưới bàu. Thời gian này tất cả các cây cỏ tự nhiên nơi đây không còn một chiếc lá, không kịp mọc ra để người ta hái. Người ta dựng những chiếc cầu, lập bàn thờ hai bên bàu; có những chiếc cầu dài đến 10m, bài trí hình ảnh tiên phật rất uy nghiêm. Khách thập phương đem đến những lễ vật như heo quay, bánh trái, hoa quả rất giá trị để cúng tạ khi hết bệnh. Có những người đem hàng chục các loại chim đến để phóng sinh. Bàu Quyền ngày ấy về đêm, nhìn cảnh quan như lễ hội. Tự nhiên lộc đến với làng Tịnh Đông Tây. Một số người có công ăn việc làm, thu nhập được bằng nghề bán lá thuốc. Họ làm giàu, xây nhà.
Ba tháng sau, con cá lạ không xuất hiện ở Bàu Quyền nữa sau một trận mưa đá rất to.
Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Minh Lãnh và một số người hiện còn sống ở làng Tịnh Đông Tây, chuyện con cá từ đìa ông Hương Ưng nhảy ra Bàu Quyền là có thật. Sách “Lịch sử đấu tranh Cách mạng xã Đại Lãnh 1930-1975” trang 85 cũng ghi lại chuyện này.
Theo đó, lính Bảo an, cảnh sát ngăn chặn tình trạng lộn xộn do người mê tín các nơi ùn ùn kéo về Bàu Quyền lấy nước mà mãi không được. Đội công tác của ta lợi dụng tình hình lộn xộn trên đã trà trộn vào đám đông để gây dựng cơ sở, nắm tình hình và tiếp nhận lương thực… Nhạy bén trước tình hình đó, đội công tác cách mạng dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng xã Đại Lãnh đã tung tin “cá thần” xuất hiện rồi loan truyền ra các địa phương. Sau này mới biết, những người “thiện xạ” bắn cá đều là cơ sở của ta, họ cố ý bắn không trúng làm cho nhân dân tin là cá thần cá thánh. Phần đông các anh ấy về sau đều thoát ly tham gia kháng chiến.
Trong suốt ba tháng cá nổi ở Bàu Quyền, lợi dụng tình hình lộn xộn, địch khó quản lý, kiểm soát, đội công tác đã móc nối gầy dựng được rất nhiều cơ sở đến tận Sài Gòn, Huế… phổ biến chủ trương đến với quần chúng nhân dân, vận động thanh niên thoát ly tham gia kháng chiến và nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng của địch do nhân dân cung cấp. Chuyện cá nổi ở Bàu Quyền được lực lượng kháng chiến của địa phương “tương kế tựu kế” vận dụng trở thành một thắng lợi trong công tác dân vận, góp phần làm nên những chiến thắng sau này.
NGUYỄN HẢI TRIỀU