Cửa sổ tri thức

10 họa sĩ biếm họa đáng nể của Việt Nam

07:00, 15/03/2015 (GMT+7)

* Trong chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số tất niên Giáp Ngọ vừa qua có nói đến họa sĩ biếm Lê Viết Trí của Đà Nẵng được trang designs.vn xếp vào “10 họa sĩ biếm họa đáng nể của Việt Nam”. Xin cho biết cụ thể đó là những họa sĩ nào? (Việt Lang, Sơn Trà, Đà Nẵng)

Tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Việt Thưởng (Satế).
Tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Việt Thưởng (Satế).

- Bài viết nói trên đăng trên trang designs.vn hôm thứ Bảy, 3-8-2013, cho rằng “tranh biếm họa không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một loại hình giải trí, giáo dục” và gọi 10 họa sĩ đó là “10 ngòi bút biếm họa thâm, cay và trào phúng của Việt Nam”. Dưới đây là 10 họa sĩ biếm, theo thứ tự giới thiệu của trang cập nhật những tin tức, ý tưởng mới nhất về thiết kế và sáng tạo trên toàn cầu này.

1. Nguyễn Hải Chí (1943 – 2003), nổi tiếng với bút danh Chóe, là một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa. Ông được coi là “họa sĩ biếm số một của Việt Nam” với những tranh biếm đặc sắc phê phán các thói hư tật xấu.

2. Nguyễn Việt Thưởng với các bút danh Satế, Tạtúm (cách đọc ngược chữ mùtạt trong gương), những cái tên mới nghe đã thấy sự cay nồng, châm chích. Với Satế, vẽ biếm họa như để giãi bày, bởi theo anh phải nuôi ý tưởng, ấm ức, bực bội về nó nhằm tìm ra một hình ảnh độc đáo, chứ không phải là một nghề kiếm sống.

3. Lý Trực Dũng là một cái tên không xa lạ trong giới “chọc cười thiên hạ” và công chúng yêu thích tranh biếm họa. Cuộc sống qua con mắt của ông như được lọc qua một lăng kính đầy cẩn mật, để khi bước qua lăng kính ấy thì mọi sự hào nhoáng đều bị lột sạch, chỉ còn thấy ở đó là một sự thật trần trụi, đau xót và mỉa mai.

4. Nguyễn Thành Phong: Sau tác phẩm truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”, họa sĩ biếm Nguyễn Thành Phong vừa cho ra đời cuốn e-book gồm 40 bức tranh biếm họa tái hiện những tình huống giao thông thường gặp trên đường phố Việt Nam.

5. Lê Viết Trí, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những họa sĩ biếm họa nổi tiếng tại Việt Nam, với bút danh LET. Anh đã có hơn 2.800 bức biếm họa (thời điểm đăng bài) sau hàng chục năm đam mê nghề.

6. Dũng Cận được coi là một “tài năng cá biệt”, bởi ông không hề học vẽ, nhưng lại cho ra đời những tác phẩm tranh biếm họa vô cùng đặc sắc.

7. Hoàng Dzự: Biếm họa trên báo chí của họa sĩ Hoàng Dzự (Dzím) nổi trội bởi đề cập những bức xúc trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội ở tầm vĩ mô cũng như những sự kiện quốc tế nóng bỏng. Cách thể hiện của anh rất giàu bản sắc dân tộc và nhiều mối liên hệ với những sự kiện văn hóa xã hội đặc sắc trên thế giới.

8. Đỗ Anh Dũng, viết tắt là DAD, một “thương hiệu” tranh biếm vẫn thường thấy trên các trang báo lớn. Với những nét vẽ đơn giản, dễ nhìn và tập trung sâu vào ý tưởng, ở nhiều vấn đề, tranh của anh không chỉ gây cười mà còn đánh động, sâu cay.

9. Lê Phương, trong giới vẽ tranh biếm của Việt Nam, Lê Phương (LEO) là một cái tên khá nổi bật với những tác phẩm mang ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại và ý tưởng sâu sắc.

10.  Lê Anh Phong hay còn gọi là LAP, là người đã đoạt giải Nhất Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ nhất do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức hồi đầu tháng 4 năm 2012, đã có “một thành tích đáng tự hào nhất trong suốt quá trình vẽ biếm họa của tôi”.

ĐNCT

.