Cửa sổ tri thức

4 cực địa đầu của đất nước

19:53, 23/04/2017 (GMT+7)

* Mũi Cà Mau là điểm đầu cùng phía Nam (cực Nam) đất liền Việt Nam. Xin cho hỏi, ba điểm còn lại (cực Bắc, cực Đông, cực Tây) ở vị trí nào trên bản đồ đất nước? (Hoàng Ngọc Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Đối với nước ta, cực Bắc đất liền nằm ở đỉnh Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nơi đây có cột cờ Lũng Cú, từ lâu đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn), có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, có tọa độ 23°21’ vĩ Bắc, 105°18’ kinh Đông, được cho là điểm cực Bắc Việt Nam. Thực ra, theo số liệu địa lý đo đạc được, điểm cực Bắc nước ta còn nằm cách cột cờ Lũng Cú khoảng 2km nữa (ở tọa độ: 23°22’ vĩ Bắc, 105°20’ kinh Đông), nhưng trước nay cột cờ quốc gia này vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.

Về cực Đông đất liền, có nhiều cuộc tranh cãi rằng giữa Mũi Đôi (tỉnh Khánh Hòa) và Mũi Điện (dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên) đâu mới là điểm cực Đông của Việt Nam. Nhiều nhóm du lịch đã đến Mũi Đôi, sử dụng những thiết bị định vị GPS và phần lớn mọi người thừa nhận rằng Mũi Đôi của tỉnh Khánh Hòa mới chính là nơi đón ánh nắng đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền). Bởi nói về phần đất liền, Mũi Đôi là điểm đầu cùng về phía Đông của Việt Nam có độ kinh Đông 109°27’55” xa hơn về phía Đông hơn so với Mũi Điện có độ kinh Đông 109o27’06”. Website của HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định về điều này: “Phía Đông giáp biển Đông, điểm cực Đông: 109 độ 27’55” kinh độ Đông; tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, cũng chính là điểm cực đông trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Cực Tây đất liền Việt Nam tại A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, có tọa độ 22°25’ vĩ Bắc, 102°11’ kinh Đông. Nơi đây có cửa khẩu A Pa Chải, là ngã ba biên giới ba nước Việt - Lào - Trung.

Cột mốc đánh dấu điểm cực tây của Việt Nam là cột mốc biên giới hình tam giác, có 3 mặt ghi bằng tiếng Việt - Lào - Trung, do Trung quốc xây dựng. Cột mốc được đặt tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu.

Điểm cực Nam đất liền của Việt Nam nằm ở Mũi Cà Mau. Mũi Cà Mau hướng về phía Tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Trong khuôn viên khu du lịch Mũi Cà Mau có hai công trình đánh dấu vị trí của mũi đất này, là mốc tọa độ quốc gia (GPS 0001) và biểu tượng mũi Cà Mau với hình con tàu lướt sóng hướng ra biển. Trên cánh buồm của con tàu có ghi tọa độ 8°37’30” vĩ độ Bắc và 104°43’ kinh độ Đông (ảnh 1, nguồn Internet).

Tuy nhiên, theo bài viết “Mũi Cà Mau: Nơi con tàu Việt Nam tiến ra biển” đăng trên http://infonet.vn ngày 10-10-2016, nếu xét về mặt địa lý thì mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, mà chỉ nằm ở vùng cực Nam của Việt Nam. Điểm cực Nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau (và của Việt Nam) nằm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, có tọa độ 8°30’ vĩ Bắc. Điều này được minh chứng bởi hình ảnh trích xuất từ Google Earth: Mũi Cà Mau (điểm có biểu tượng máy ảnh) nằm chếch về hướng Tây Nam bán đảo Cà Mau, không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Điểm cực Nam mới nằm xa hơn về phía Nam so với Mũi Cà Mau .

ĐNCT

.