Cửa sổ tri thức

Cách đặt tên các nhà trạm dưới triều Nguyễn

11:40, 16/07/2017 (GMT+7)

* Qua sách báo, tôi biết hệ thống nhà trạm ở nước ta có từ thời Lý Thái Tôn (1028-1054), để chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh và ngược lại. Đến thời Nhà Nguyễn, cách đặt tên các nhà trạm này như thế nào mà tôi thấy trên đường thiên lý qua Quảng Nam có 7 trạm mà trạm nào cũng có tên gọi bắt đầu bằng từ Nam (Nam Ngọc, Nam Phước…)? (Nguyễn Quang Tuấn, Hải Châu, Đà Nẵng).

Đường thiên lý qua thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên ngày nay, từng là nơi đặt trạm Nam Phước dưới triều Nhà Nguyễn. Ảnh: V.T.L
Đường thiên lý qua thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên ngày nay, từng là nơi đặt trạm Nam Phước dưới triều Nhà Nguyễn. Ảnh: V.T.L

- Ở nước ta, bắt đầu từ năm 1802 của triều vua Gia Long Nhà Nguyễn, hệ thống nhà trạm (còn gọi là trạm thư, trạm dịch, quán trạm) tăng lên rất nhiều theo đường thiên lý Bắc - Nam. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1823), để tiện việc theo dõi, điều hành các nhà trạm trên cả nước, vua cho đổi tên các nhà trạm theo “công thức”: từ đầu là tên tắt của tỉnh, từ thứ hai là tên tắt của địa phương có đặt nhà trạm.

Ví dụ trạm Nam Chơn ở Quảng Nam, theo đề mục “Quảng Nam-Đà Nẵng qua các địa danh” đăng trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn) là “Trạm giao thông nằm ở địa cầu phía bắc tỉnh Quảng Nam, trong số 7 trạm đặt trên đường thiên lý trong tỉnh thời Nguyễn. Đời Gia Long đặt tên là trạm Chơn Sảng (tên làng thuộc huyện Hòa Vang). Năm Minh Mạng thứ ba (1823 - ĐNCT) đổi tên là Nam Chơn”.

Trong tên gọi Nam Chơn, Nam là (gọi tắt của) Quảng Nam, Chơn là (gọi tắt của) Chơn Sảng.
Đường thiên lý đi qua Quảng Nam ngày đó dài khoảng 170 dặm với 22 sông và nhánh sông, có tất cả 7 trạm được mô tả trong đoạn trích từ bài viết “Đường thiên lý dưới thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày tại hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” diễn ra tại Thanh Hóa trong hai ngày 18 và 19-10-2008 (chữ in nghiêng là chúng tôi nhấn mạnh) như sau:

“Bắt đầu từ Hải Vân quan, uốn cong hình cánh cung về hướng tây nam đến trạm Nam Chính (tức Nam Chơn - ĐNCT) - quán trạm cực bắc của tỉnh. Vượt sông Cu Đê, con đường lại tiếp tục đi qua trạm Nam Ổ để đến lỵ sở huyện Hòa Vang nằm sát thành Điện Hải, án ngữ tấn Đà Nẵng. Sau khi men theo chân núi Cẩm Lệ, vượt sông Cẩm Lệ, con đường đi đến trạm Nam Giảng.

Đường thiên lý chạy ngang mặt tây của tỉnh thành Quảng Nam, qua lỵ sở huyện Duy Xuyên, đến trạm Nam Phúc (còn gọi là Nam Phước - ĐNCT), sang huyện Lễ Dương. Tiếp tục hành trình về phía Nam, con đường thiên lý đi qua trạm Nam Ngọc, đến huyện lỵ Hà Đông, gần sát trạm Nam Kỳ. Từ đây, vượt nhánh sông Kế Xuyên đến trạm Nam Vân…”.

Cũng theo bài đã dẫn, kế tiếp trạm Nam Vân là trạm Ngãi Bình - quán trạm cực bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Tương tự, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế) về phía Nam có các trạm Thừa Nông, Thừa Hóa, Thừa Lưu, Thừa Hải.

Điều thú vị là các nhà trạm ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, do có chung từ Thuận nên đều bắt đầu bằng Thuận. Tỉnh Bình Thuận có 16 trạm, từ trạm Thuận Phương (gần Phù Mỹ) đến trạm Thuận Hảo (ở thôn Vĩnh Hảo, nơi có nước khoáng Vĩnh Hảo nổi tiếng). Tỉnh Ninh Thuận có 4 trạm, gồm: Thuận Lăng, Thuận Trinh, Thuận Mai và Thuận Lai.

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương không đặt tên nhà trạm theo “công thức” trên. Như tỉnh Bình Định, từ phía Bắc vào Nam chỉ trạm đầu tiên Bình Đê là “hợp quy”, còn lại đều có tên gọi “ngoại lệ”: An Trung (Hoài Nhơn), Bình Dương, Quán Chùa (Phù Mỹ), An Hành (Phù Cát), Hưng Định (An Nhơn), Bình Thạnh, Phú Thịnh (Quy Nhơn). Ngoài ra, về phía tây có 2 trạm: Phú Phong, Đồng Phó (Tây Sơn).

ĐNCT

.