Cửa sổ tri thức
"Kim tiền thoát xác" hay "Kim thiền thoát xác"?
* Đầu tháng 11 vừa rồi tôi đọc được ở trang enternews.vn (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp) một bài viết, trong đó có đoạn: “Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng “kim tiền thoát xác”, hô biến “hàng Tàu” thành hàng Việt”. Tôi nghĩ rằng có lẽ ở đây tác giả đã ghi nhầm, lẽ ra phải là “kim thiền thoát xác”, một trong 36 kế của sách binh pháp bên Trung Hoa xưa. Xin quý báo nói rõ hơn về kế sách này. (Trần Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng).
Ve sầu lột vỏ thoát khỏi ấu trùng, có thêm đôi cánh và chính thức trưởng thành. Nguồn: Internet. |
- “Kim thiền thoát xác” có nghĩa là con ve sầu vàng lột xác. Trong bài báo nói trên, tác giả đã nhầm giữa kim thiền là con ve sầu vàng với kim tiền là từ chỉ chung về tiền bạc.
Ve sầu là loài có ấu trùng nằm ẩn mình rất lâu dưới đất, 3 năm, 4 năm hoặc 17 năm, tùy loại. Sau thời gian “ẩn cư” này, ấu trùng ve sầu mới chui lên, bám vào thân cây và lột xác. Ve sầu lột xác, bay đi, để lại vỏ xác khô, được người xưa đúc kết thành kinh nghiệm binh đao “kim thiền thoát xác” để lừa đối phương.
“Kim thiền thoát xác” là kế thứ 21 trong sách Tam thập lục kế (Ba mươi sáu kế), còn gọi là Tam thập lục sách, bộ sách tập hợp 36 mưu lược quân sự của Trung Hoa cổ đại, ba mươi sáu kế bắt đầu xuất hiện từ thời Nam Bắc triều và tới thời Nhà Minh thì được tập hợp thành sách. Đây là cuốn sách chiến lược chiến thuật được cho là do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quận sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy, Binh Pháp Tôn Tử được tôn xưng là tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại.
Ngày nay, Tam thập lục kế được mở rộng sang lĩnh vực quản lý và marketing, bởi “thương trường là chiến trường”. Các nhà lãnh đạo, chiến lược gia, chuyên gia marketing đều phải am hiểu các kế sách này để phục vụ cho công việc của mình nhằm mang lại thành công. Vì thế, giá trị về mặt thực dụng của 36 kế sách xưa vẫn tồn tại như một triết lý sống vĩnh cửu.
Tam thập lục kế chia làm 6 nội dung gồm: Thắng chiến kế; Địch chiến kế; Công chiến kế; Hỗn chiến kế; Tịnh chiến kế; Bại chiến kế.
Kế “Kim thiền thoát xác” (nằm trong phần Hỗn chiến kế), là kế sử dụng bộ dạng mới (như ve sầu lột xác) để làm quân địch bất ngờ mà trở tay không kịp. Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác. Kế “Kim thiền thoát xác” có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.
Trong chiến tranh Đại Việt chống quân Nguyên năm 1286, áp dụng kế “kim thiền thoát xác”, quân Nhà Trần trong khi rút lui chiến thuật đã cho thuyền rồng giả chèo ra biển để dụ quân giặc đuổi theo, trong khi đó vua Trần xuôi vào Nam tập hợp binh lực phản công.
Tác giả Đinh Kim Chung SQTC đúc kết kế sách này qua bài thơ “Kim thiền thoát xác”: Kim thiền thoát xác ẩn mình thôi/ Mạnh Đức thời Tam Quốc vận rồi/ Quăng áo vì thua khi kết cuộc/ Cắt râu bởi bại lúc tan hồi/ Dạng đổi cầu mong ta hóa chúng/ Hình trao ước vọng tốt thay tồi/ Ngàn năm điển cố lưu hậu thế/ Kim thiền thoát xác ẩn mình thôi.
ĐNCT