Cửa sổ tri thức
Về ba nhân vật Trạng Trình, Trạng Quỳnh, Cống Quỳnh
* Không ít người nhầm lẫn về ba nhân vật Trạng Trình, Trạng Quỳnh, Cống Quỳnh. Rất mong chuyên mục Cửa sổ Tri thức giới thiệu sơ lược về hành trạng của từng vị. (Hoàng Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).
*Trạng Quỳnh và Cống Quỳnh có phải là hai tên gọi của cùng một nhân vật? (myquang@.....)
Một tập truyện về nhân vật Trạng Quỳnh. |
- Trạng Trình là tên dân gian gọi Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585). Ông sinh ra ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Ông được biết đến nhiều không chỉ vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời Lê - Mạc phân tranh mà còn vì tài tiên tri các sự kiện trong lịch sử Việt Nam.
Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, trong dân gian lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.
Trạng Quỳnh là một nhân vật hư cấu trong dân gian có óc thông minh, hài hước nhưng ngang tàng. Trong số những giai thoại về Trạng Quỳnh, ông đã nhiều lần đứng ra chống lại bọn sứ thần phương Bắc để bảo vệ quốc thể, chơi khăm tất cả những kẻ hà hiếp dân lành, từ vua chúa đến quan lại... Những truyện kể về Trạng Quỳnh vừa thâm thúy vừa trào phúng, là tiếng cười của người dân dành cho những kẻ có chức quyền nhưng tham lam ngu dốt.
Cống Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748), một danh sĩ thời Lê - Trịnh. Ông quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 19 tuổi thi Hương đỗ đầu bảng Hương Cống (nên còn có tên là Cống Quỳnh), nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.
Tuy không đỗ cao, nhưng Nguyễn Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Sách “Đăng khoa lục sưu giảng” của Tiến sĩ Trần Tiến (quan Thượng thư triều Lê, người làng Điền Trì, huyện Chí Linh, nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có ghi: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nhị. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. (Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ chỉ có hai người. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có đến người thứ ba).
Có lẽ xuất phát từ tính cách trào phúng, hài hước của Cống Quỳnh mà dân gian đã đồng nhất ông với nhân vật Trạng Quỳnh rất nổi tiếng trong dân gian với những chuyện trào lộng. Tuy nhiên, một số tác giả đã chỉ ra sự không đồng nhất khi so sánh, đối chiếu con người và văn thơ của hai nhân vật trùng tên này.
Trong bài viết “Trạng Quỳnh, ông là ai?” đăng trên Tuấn Công Thư Phòng (http://tuancongthuphong.blogspot.com) ngày 4-4-2014, nhà nghiên cứu lão thành Hoàng Tuấn Phổ (thân phụ của Hoàng Tuấn Công - tác giả cuốn biên khảo “Từ điển Tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu”) đã dẫn nhiều cứ liệu để chứng minh hai nhân vật này không phải là một.
Theo đó, Truyện Trạng Quỳnh có đến mấy truyện thú vị xoay quanh thiên tình sử ở thời trai trẻ giữa Trạng Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm. Nhưng theo Gia phả thì Cống Quỳnh sinh năm 1677 và mất năm 1748. Đoàn Thị Điểm sinh 1705 và mất 1748. Như vậy, khi Cống Quỳnh 28 tuổi và làm giáo thụ ở huyện Thạch Thất, bà Điểm mới sinh, vậy thì làm sao có những cuộc đối đáp thơ phú giữa ông Cống với con gái cụ Bảng Đoàn như trong Truyện Trạng Quỳnh được?
Cống Quỳnh làm quan cao nhất cũng chỉ mới đến Tri phủ, một chức rất thấp, nên ông không có “vé” nào để được cử đi sứ, hoặc tiếp sứ Tàu như Truyện Trạng Quỳnh. Vì là truyện cười dân gian nên Trạng Quỳnh thỏa sức đả kích Vua Lê, Chúa Trịnh bằng đủ các chiêu trò. Thế nhưng, Cống Quỳnh đang là một quan chức rất thấp thì dù có gan trời cũng không dám “giỡn mặt” với vua chúa như thế được...
Sau khi nêu một số sai biệt giữa hai nhân vật cùng tên Quỳnh, tác giả bài đã dẫn kết luận: “Ta không làm rõ được mối quan hệ gần hay xa giữa Trạng Quỳnh với Nguyễn Quỳnh, không tìm thấy một chút vết tích đậm, nhạt của Nguyễn Quỳnh trong Trạng Quỳnh, thì hãy để cho Trạng Quỳnh vẫn là Trạng Quỳnh và Nguyễn Quỳnh mãi mãi là Nguyễn Quỳnh. Không vì chuyện mượn họ, mượn tên mà bắt quàng luôn làm họ”.
ĐNCT