Cửa sổ tri thức
Gốm tam thái
*Có lần tôi nghe các nhà sưu tập đồ cổ ngồi uống cà-phê với nhau to nhỏ với nhau về “gốm tam thái” nhưng không biết đó là loại gốm gì. Rất mong chuyên mục Cửa sổ Tri thức giải thích giùm. (Hà Quang, Thanh Khê, Đà Nẵng).
Một bộ đồ ăn của dòng gốm tam thái. Nguồn: Internet |
- Dòng gốm cổ thời Minh (Trung Hoa) có loại men nhiều màu là men tam thái (ba màu), men ngũ thái (năm màu) với kỹ thuật và nghệ thuật tô, vẽ màu phong phú đầy sáng tạo. Gốm sứ ba màu xuất hiện lần đầu tiên là ở trấn Cảnh Đức thời Thành Hóa nhà Minh, đồ ba màu thời kỳ Chính Đức là thịnh hành nhất. Phương pháp chế tác của gốm tam thái là thể hiện các mẫu thiết kế trên bề mặt, nung ở nhiệt độ cao thành sứ thô, sau đó tráng loại men màu nào đó lên; sau đó tách phần họa tiết, phủ các màu cần dùng lên, (hoặc lần lượt phủ lên các phần tương ứng với các màu sắc trên bề mặt sứ thô), nung ở nhiệt độ thấp lần thứ hai. Sau thời Gia Tĩnh cũng nung sứ ba màu, nhưng chủ yếu là ba màu: đỏ, xanh lá cây, tam sắc vàng và ngũ sắc thanh hoa (màu xanh pha trắng), cùng nhiều màu sắc đan xen với nhau.
Sứ màu tam thái thời Khang Hy (1662 – 1722) khá thịnh hành, được phát triển thời kỳ giữa nhà Minh trên nền tảng ba màu và có sáng tạo thêm, ngoài ra các màu thường gặp là vàng, xanh lá cây và đỏ tía còn có thêm màu men xanh da trời, kỹ thuật chế tác cũng đa dạng hơn...
Ở Việt Nam, gốm tam thái được trang trí với ba sắc màu xanh, đỏ, vàng trên nền men rạn cổ truyền của làng gốm Bát Tràng. Bài viết “Chuyện gốm tam thái” đăng trên trang gomsuyenlam.vn (Công ty TNHH MTV Gốm sứ Hoàng Giang) mô tả cụ thể về loại gốm ba màu này.
Theo đó, dòng gốm tam thái đã xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XIV, từ khi Gốm Chu Đậu đã bắt đầu đi chu du khắp bốn phương và đưa sản phẩm gốm ta trên bản đồ gốm thế giới, qua bao thời kỳ thịnh vượng rồi lại suy tàn, một chặng đường thật dài để gốm tam thái Việt khẳng định giá trị bền vững của nó.
Gốm tam thái phát triển cực thịnh trong giai đoạn đầu những năm 90, khi người Nhật sang hợp tác với làng nghề Bát Tràng. Hoa văn trên gốm vẽ tam thái thường là các đề tài gần gũi thiên nhiên như chuồn chuồn lá khoai, hoa phù dung, hoa cúc dây, hoa sen dây lá, sơn thủy. Tuy nhiên, thịnh hành trên gốm tam thái là loại hoa văn vẽ hoa cúc, bởi hoa cúc trong văn hóa người Nhật là loài hoa thanh cao, thuần khiết được xem như quốc hoa của xứ sở Mặt trời mọc.
Khi thời hoàng kim của gốm tam thái đi qua, bởi người Nhật không còn đặt hàng với làng Gốm Bát Tràng nhiều như trước nữa. Những món đồ gốm vẽ tam thái cũng thưa dần và hầu như chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài. Gốm tam thái xuất hiện hiếm hoi ở những nơi bán gốm, phần vì thị trường không ưa chuộng, phần vì tâm lý thích đồ sặc sỡ, màu sắc của phần đông người tiêu dùng trong nước.
Riêng những người Việt yêu thích những điều xưa cũ và du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam vẫn yêu thích đồ tam thái, vì lẽ ấy mà Hội An, Chợ Bến Thành hay phố cổ Hà Nội, gốm tam thái vẫn có chỗ đứng của nó.
Nói thêm, tam thái [三采], danh từ, có nghĩa là ba màu, khác với từ đồng âm tam thái [三態] nghĩa là “ba trạng thái của vật chất, gồm thể cứng, thể lỏng và thể hơi”.
ĐNCT