Cửa sổ tri thức
Phương pháp Kangaroo
* Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo ra đời từ bao giờ và mang lại hiệu quả ra sao? (Nguyễn Thị Hồng Hoa, Đại học Đà Nẵng).
Không chỉ mẹ mà cả bố cũng có thể chăm sóc con theo phương pháp Kangaroo. Nguồn: Internet. |
- Kangaroo (tiếng Việt gọi là Chuột túi) thuộc nhóm động vật nuôi con trong túi của mình. Lúc sinh, kangaroo con có màu đỏ, chưa có mắt và tai rất nhỏ, chúng bò đến túi của mẹ để bú rồi ở lại đó trong khoảng 8 tháng. Sau khi ra ngoài, chúng vẫn phải bú sữa mẹ đến 1 tuổi.
Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care – KMC) bắt chước loài chuột túi ra đời năm 1979 ở Colombia, du nhập vào Việt Nam và được áp dụng lần đầu ở Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 1997. KMC được dùng chủ yếu để chăm sóc trẻ sinh non thiếu tháng (ra đời trước 36 tuần thai, cân nặng dưới 2,5kg), giúp các bé ổn định thân nhiệt và ngủ ngon giấc hơn, góp phần cứu sống những đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng, bệnh tật. Theo đó, người mẹ dùng chính hơi ấm của mình để sưởi ấm cho con, nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn cha mẹ trở thành những điều dưỡng tận tụy cho chính con mình. Vì thế, KMC còn được gọi là phương pháp “Cái ôm đầu tiên” hay “Da kề da”.
Trang healthplus.vn (Tạp chí Thực phẩm Chức năng) đã nêu 8 lợi ích của việc chăm sóc con theo KMC như sau:
1. Hỗ trợ sự phát triển não bộ. Các chuyên gia đồng ý rằng, phát triển trí não là một trong những lợi ích quan trọng nhất của phương pháp nuôi con da tiếp da. Bởi lẽ, bộ não của trẻ sinh non được phát triển không đầy đủ, khiến chúng thường bị tụt lại so với mốc phát triển trung bình, phương pháp da kề da giúp phát triển các phần não bộ nhờ vào sự phát triển xã hội và tình cảm. Vì vậy, nếu tiếp xúc da kề da được áp dụng sau khi sinh, em bé của bạn sẽ được nuôi trong môi trường an toàn và đáng tin cậy.
Các tác động có thể nhận biết rõ khi em bé trở nên lớn hơn. Trong thực tế, những em bé được chăm theo phương pháp Kangaroo trong một đến hai tuần đầu đã có giấc ngủ tốt hơn, có những phản hồi tốt hơn đối với những căng thẳng, và sẽ có các kỹ năng tư duy tốt vào năm 10 tuổi.
2. Thúc đẩy sự liên kết. Các mẹ thường nghĩ rằng những giây phút em bé chào đời, mẹ sẽ cảm thấy một mối liên kết với chúng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Sự tiếp xúc da kề da theo phương pháp Kangaroo giúp thúc đẩy sự liên kết giữa mẹ và bé, giúp mẹ trở nên bình tĩnh hơn, có thêm động lực tiếp nhận những khó khăn sắp tới trong việc chăm sóc con.
3. Cải thiện hơi thở. Trẻ sinh non có phổi kém phát triển, tiếp xúc da kề da giúp giảm mức độ bão hòa oxy, giúp cải thiện hơi thở của trẻ.
4. Điều hòa thân nhiệt. Thay vì đưa trẻ vào lồng kính để làm ấm người, phương pháp da kề da kèm một tấm chăn có thể nâng nhiệt độ của em bé chỉ trong 30 phút.
5. Giúp con bú dễ dàng hơn. Phương pháp da kề da giúp trẻ sơ sinh dễ dàng bám vào mẹ, giúp mẹ cho con bú trong thời gian lâu hơn, đồng thời làm tăng lượng sữa của mẹ.
6. Giảm mức độ căng thẳng. Tiếp xúc da kề da giúp điều chỉnh nội tiết tố, giảm căng thẳng toàn diện cho trẻ.
7. Giúp trẻ ngủ ngon hơn. Những em bé được đặt tiếp xúc da kề da có chu kỳ thức – ngủ tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch.
8. Ngăn trầm cảm sau sinh. Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé có thể giúp giải phóng chất oxytocin, đồng thời “hormone tình yêu” được tạo ra trong thời gian cho con bú, có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.
Tại Đà Nẵng, trong những năm qua, Khoa Nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng là đơn vị phát triển vững mạnh trong công tác chăm sóc thiết yếu cho trẻ sơ sinh, đẻ non và là một trong những trung tâm triển khai chăm sóc KMC của cả nước, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Vì vậy, Bộ Y tế đã chọn Khoa Nhi sơ sinh của bệnh viện này làm nơi đào tạo về chăm sóc sơ sinh, đặc biệt là chăm sóc KMC cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
ĐNCT