Cửa sổ tri thức

Sách Toán thời xưa

07:36, 15/04/2018 (GMT+7)

* Tôi được biết ngày trước có hai cuốn sách giáo khoa Toán là Đại thành toán pháp và Lập thành toán pháp. Xin cho hỏi, ai là tác giả của hai bộ sách này và hành trạng của họ ra sao? (Trần Quang Hải, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Bảng cửu chương trong “Lập thành toán pháp”. Nguồn: Internet
Bảng cửu chương trong “Lập thành toán pháp”. Nguồn: Internet

- Đây là hai bộ sách có tên gọi gần giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Tác giả “Đại thành toán pháp” là Lương Thế Vinh (1441 – 1496), còn Vũ Hữu (1437 – 1530) là tác giả cuốn “Lập thành toán pháp”. Cả hai đều trở thành sách giáo khoa về Toán cho học trò nước ta hàng mấy thế kỷ.

Lương Thế Vinh tự Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên, người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, đạo Sơn Nam (nay thuộc làng Cao Phương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, tính tình phóng khoáng, hoạt bát, hay khôi hài. Đỗ Trạng nguyên năm 1463, giỏi tính toán nên ông viết sách nghiên cứu về toán, trong đó nổi bật là cuốn “Đại thành toán pháp” nên mọi người thường gọi là Trạng Lường.

Theo tác giả Lê Minh Quốc trong cuốn “Danh nhân khoa học Việt Nam”, sau khi đỗ Trạng nguyên, ông ra làm quan, lúc đầu được giao nhiệm vụ soạn thảo giấy tờ giao thiệp với nhà Minh. Thời Hồng Đức (1470 - 1479), ông giữ chức quan giáo dục, làm Hàn lâm viện thị giảng,

Nhập thị kinh diên, làm Tư vấn ở Sùng Văn quán, giữ chức Sái phu (sửa chữa và bình phẩm thơ văn) trong Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông. Như vậy đủ biết, ông hay chữ và uyên bác biết chừng nào. Nhưng Lương Thế Vinh còn là một nhà toán học đầy tài năng, đã thấy được ý nghĩa quan trọng của toán học.

Ông từng nói: “Thần cơ diệu toán vạn niên sư” (nghĩa là: Ai tính toán giỏi là người thầy muôn đời). Với suy nghĩ đó, ông đã dành nhiều tâm huyết để biên soạn sách “Đại thành toán pháp” – tổng kết những kiến thức toán của thời đó và cả những phát minh của ông.

Vũ Hữu (1437 – 1530), người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Từ bé ông đã sớm thể hiện năng khiếu về tính toán.

Trong làng trong xóm có sự tranh chấp gì về chia chác ruộng đất đều nhờ cậu tính toán, phân xử giúp. Tiếng đồn về tài toán của cậu lan ra khắp vùng Đường An, trấn Hải Dương.

Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp (tức Tiến sĩ) cùng khoa với Lương Thế Vinh khoa thi năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Ra làm quan, ông kinh qua các chức vụ như Khâm hình viện lang trung, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo.

Mặc dù về hưu năm 70 tuổi, đến năm 90 tuổi (1527), ông vẫn được vua tin dùng, sai mang cờ tiết đi phong vương cho Mạc Đăng Dung. Khi đó ông có tước là Tùng Dương hầu.

Ngoài tài năng chính trị, văn thơ, ông còn là nhà toán học lớn. Bộ sách “Lập thành toán pháp” của ông được cho là tác phẩm xuất sắc nhất trong nền Toán học Việt Nam thời xưa. Cuốn sách miêu tả các phép đo đạc cũng như cách tính xây dựng nhà cửa, thành lũy. Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước).

Sách Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề) ghi lại câu chuyện sau: Vua Lê Thánh Tông muốn thử tài của Vũ Hữu, nên đã giao cho ông sửa chữa ba cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa của thành Thăng Long.

Tuân lệnh, Vũ Hữu dùng thước đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng của các cửa thành và tính ra số gạch đá, vật liệu phải dùng. Kết quả là khi xây xong, đá không thừa một tấc, gạch không thiếu một viên, quy mô các cửa thành được sửa chữa không sai một ly, một tấc. Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng đã ban chiếu khen thưởng Vũ Hữu.

Ông được thờ tại nhà thờ Hiển Đức Đường, phần mộ còn tại xứ Mả Miễu (Mộ Trạch).

ĐNCT

.