Cửa sổ tri thức
Thước Lỗ Ban
* Thước Lỗ Ban có nguồn gốc như thế nào và công dụng cụ thể của nó ra sao? (Nguyễn Tâm Trí, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Nói về thước, hiện có 3 nhóm chính: thước đo độ dài, thước kỹ thuật hay thước nghề, thước tín ngưỡng hay còn gọi là thước Lỗ Ban.
Chân dung Lỗ Ban. Ảnh: Internet |
Lỗ Ban, tên thật là Công Thâu Ban, người nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), sống ở thời Xuân Thu (507 - 444 Trước Công nguyên - TCN). Ông là một thợ mộc tài ba, hay đúng hơn là một bậc thầy kiến trúc của Trung Hoa cổ đại. Thợ mộc, thợ xây, thợ nề, hay những người chế tạo công cụ xây dựng và nội thất, tất cả đều suy tôn Lỗ Ban làm ông tổ nghề của mình.
Các sách cổ chép rằng, Lỗ Ban ban đầu chế tạo các công cụ phục vụ chiến tranh. Về sau, được Mặc Tử (470 - 391 TCN, cũng người nước Lỗ) thuyết phục, ông chuyển sang chế tạo rất nhiều công cụ lao động và sản xuất, như máy khoan, máy xay đá, xẻng, dụng cụ đo góc, thước đo… Những phát minh của ông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay và thước Lỗ Ban là một trong những phát minh đó.
Thước Lỗ Ban là một cây thước được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời nay, để con người được sống an toàn và thoải mái. Chính một phần nhờ Lỗ Ban và cây thước của ông, mà nhiều triều đại sau đó, các thành phố, nhà cửa, cửa chính, cửa sổ của người dân đều “đúng trật tự”.
Theo các nghiên cứu của tác giả Phan Thanh Hải công bố trên Tạp chí Kiến Trúc số 3-2003 (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) thì thước Lỗ Ban khá phức tạp bởi có rất nhiều loại với quan niệm và cách sử dụng khác nhau.
Thước dài 46cm, bề mặt chia làm 8 trực, giữa các trực khắc các chữ Tài Đại Tinh, Bệnh Thổ Tinh, Ly Thủy Tinh, Nghĩa Thủy Tinh, Quan Kim Tinh, Chấp Hỏa Tinh, Hại Hỏa Tinh, Cát Kim Tinh, đồng thời kèm theo các câu về điều tốt/xấu (cát/hung). Trong thời cổ, ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng văn hóa Hán đều sử dụng thước Lỗ Ban với nhiều biến dạng.
Hiện nay có 2 loại thước Lỗ Ban chính, sử dụng ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đại lục; Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), đó là thước trực 8 (Bát môn xích) và thước trực 10 (Thập môn xích) với giá trị khác nhau. Và cả 2 loại thước này hiện đều cùng in trên cây thước sắt cuốn bán phổ biến trên thị trường, có thước in chữ Hoa, có thước in luôn chữ Việt (phiên âm) để bà con dễ đọc!
Các trực “tốt” như Tài, Nghĩa, Quan,... thường được in màu đỏ; các trực “xấu” như Bệnh, Tử, Hại… thì in màu đen, cho nên nhiều người sử dụng thước theo cách dễ hiểu: thấy kéo thước vô cung đỏ là tốt. Thực tế vẫn còn nhiều biến thể của “thước Lỗ Ban”, có cái dài 43,9cm, có cái dài đến 56cm (thước Chu Nguyên xích tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), cũng có cây chỉ dài 28,4cm…
Về tính khoa học của thước Lỗ Ban, hiện có rất nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tựu trung, cũng như bao linh vật phong thủy khác, hay chính bản thân phong thủy, thước Lỗ Ban cũng được phủ lên mình một lớp màn sương huyền bí. Chỉ bằng một cây thước làm sao có thể thay đổi được vận mạng của mình? Nhưng ít ra, nó sẽ giúp kích cỡ cửa nẻo, nhà cửa được trật tự, thống nhất, con người sống trong đó được yên tâm, thoải mái, lạc quan và giữ vững niềm tin vào cuộc sống. Do vậy, các nhà nghiên cứu tạm kết luận: các loại thước này mang tính tín ngưỡng dân gian là chính, được lưu truyền sử dụng theo kiểu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
ĐNCT