Cửa sổ tri thức

Hiện tượng "trùng ngữ" trong tiếng Việt

14:49, 10/04/2022 (GMT+7)

* Trong tiếng Việt, một số tác giả cho rằng nên tránh sử dụng “trùng ngữ” trong cách nói, cách viết. Ví dụ: “Cây cổ thụ” thì nên lược bỏ từ thụ, bởi thụ có nghĩa là cây); “ngày sinh nhật” thì nên lược bỏ từ ngày, bởi nhật có nghĩa là ngày; “sông Hồng Hà” thì không nhất thiết phải có từ sông, bởi hà đã có nghĩa là sông... Xin cho biết quan điểm của quý báo trong các trường hợp này. (Trần Văn Tương, quận Hải Châu).

- Báo Lao Động số Xuân Bính Tuất 2006 có đăng bài viết “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi” của GS. Cao Xuân Hạo (đã mất năm 2007), trong đó GS có dẫn lời bài hát “Hò kéo pháo” (của nhạc sĩ Hoàng Vân) và nói đến “một cái lỗi ngữ pháp kếch xù” được gọi là “trùng ngữ (pleonasm)”.

Theo đó, trong đoạn ca từ “Dốc núi cao cao/ Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, GS cho rằng viết “lòng quyết tâm” là thừa hẳn chữ “lòng”, bởi quyết tâm = “lòng kiên quyết làm bằng được (việc định làm)”. Giải pháp đúng nhất, theo GS, là bỏ chữ “lòng” trong cụm từ nói trên.

4 năm sau, trên Báo Lao Động cuối tuần số 33 (27 - 28-8-2010), PGS.TS Phạm Văn Tình qua bài “Về một lỗi “kếch xù”?” đã nhắc lại bài viết của GS. Cao Xuân Hạo và bày tỏ quan điểm của mình.

Theo tác giả, nhiều người từ lâu đã hồn nhiên nói những câu có chứa từ “lòng” như: muốn hoàn thành tốt việc đó phải có lòng quyết tâm cao độ; chúng tôi hăm hở ra trận với lòng quyết tâm và ý chí quyết thắng; lòng quyết tâm làm chị không ngần ngại dấn thân vào gian khó,… Những cách dùng như vậy quen thuộc tới mức nếu ta tự ý bỏ chữ “lòng” đi thì lại thấy có vẻ như không ổn?

Tiếng Việt tồn tại rất nhiều trường hợp trùng ngữ kiểu này: cây cổ thụ (thụ = cây), bà quả phụ (phụ = bà), ngày sinh nhật (nhật = ngày), đường quốc lộ (lộ = đường), virus HIV (V = virus),… Đối chiếu một cách logic thì đây là những tổ hợp dùng sai vì thừa từ (trùng ngữ). Nhưng thực tế trong giao tiếp tiếng Việt bao năm qua các biến thể: cổ thụ/ cây cổ thụ, quả phụ/ bà quả phụ, sinh nhật/ ngày sinh nhật,… vẫn song song tồn tại như không có chuyện gì xảy ra. Phải chăng do dùng sai quá nhiều nên thành thói quen khó bỏ.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình thì không hẳn thế. Các trường hợp quyết tâm, cổ thụ, sinh nhật, quả phụ… là từ Hán Việt được cấu tạo từ 2 (hay nhiều yếu tố), trong đó các yếu tố “tâm (lòng)”, “thụ (cây)”, “nhật (ngày)” ít được dùng độc lập theo kiểu: Rừng này có nhiều thụ (cây) quá; Ba phụ (bà) cùng phát biểu ý kiến…). Vì thế, người Việt ít có điều kiện cảm nhận nghĩa “riêng lẻ” của chúng. Nếu chỉ nói nguyên văn kết hợp của nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc lĩnh hội.

Vì vậy, cần thêm một yếu tố thuần Việt đứng cạnh để “làm rõ”, không gây hiểu sai. Hơn nữa, việc thêm vào cũng giúp cho sắc thái của từ hay hơn, phù hợp ngữ cảnh hơn. Trong một bối cảnh trang trọng mà ta nói “Xin giới thiệu quả phụ X. lên phát biểu…” chắc không hợp tình hợp lý so với câu “Xin giới thiệu bà quả phụ X. lên…”. Tương tự, ta thử so sánh: “Bên chùa có một cây cổ thụ/ Bên chùa, có một cổ thụ”.

Cũng bàn về nội dung này, tác giả Hoàng Kỳ (Nghệ An) trong một bài viết đăng trên Báo Lao Động cuối tuần số 37 (25 - 26-9-2010) cho rằng: “Để tránh phải viết, nói trùng ngữ, dân Việt đã có cách diễn Nôm như biển Hắc Hải được gọi là biển Đen, núi Thái Sơn gọi là non Thái, sông Lam Giang gọi là sông Lam; bà quả phụ gọi là bà góa. Song trong trường hợp cần gọi cho trang trọng vẫn phải dùng cụm từ bà quả phụ chứ không thể dùng bà góa”.

ĐNCT

.