Đà Nẵng cuối tuần

Về câu ca dao "Trả ta đủ gạo đủ tiền/Thì ta sẽ cấy cho liền hàng sông..."

14:40, 05/03/2022 (GMT+7)

* Từ “hàng sông” trong bài ca dao “Trả ta đủ gạo đủ tiền/ Thì ta sẽ cấy cho liền hàng sông/ Nếu mà cướp gạo cướp công/ Thì ta sẽ cấy hàng sông ta về” nghĩa là gì? (Nguyễn Ngọc Trang, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

- Về bài ca dao này, trang Ca dao Mẹ (cadao.me) đưa ra một dị bản ở hai câu cuối “Nếu mà bớt gạo bớt công/ Thì ta cấy rộng hàng sông ta về” và giải thích “Hàng sông còn gọi là hàng lườn, khoảng cách giữa các hàng lúa tính theo chiều đi giật lùi của người cấy”.

Tác giả Triều Nguyên trong cuốn Ca dao ngụ ngôn người Việt: Tuyển chọn và bình giải (NXB Thuận Hóa, 2001) cũng chép bài ca dao trên như bản ở trang Ca dao Mẹ, đồng thời dẫn thêm một bài ca dao khác: Bà đề thêm gạo, thêm tiền/ Thì tôi lại cấy cho liền hàng sông/ Bao giờ tiền hết, gạo không/ Thì tôi lại cấy hàng sông bằng thuyền.

Về từ “hàng sông”, tác giả dẫn cuốn Ca dao Nghệ Tĩnh trong đó có câu tục ngữ Nhặt hàng lườn, lườn lươn hàng bụi (cấy nhặt hàng lườn, cấy thưa hàng bụi) và giải thích (có khác hơn so với trang Ca dao Mẹ): “hàng lườn” tức “hàng sông” là hàng lúa ở hai bên trái và phải người cấy; “hàng bụi” là hàng lúa ở trước và sau người cấy.

Tác giả Triều Nguyên trong sách đã dẫn còn đưa ra một bài ca dao có ý nghĩa tương tự: Ruộng bà, bà đứng bà trông/ Thì tôi cũng cấy hàng sông bằng thuyền/ Bà về thêm gạo thêm tiền/ Thì tôi mới cấy cho liền hàng tay.

“Hàng sông bằng thuyền” tức là hàng sông rộng bằng thuyền. Cấy hàng sông bằng thuyền ý nói là cấy rất thưa, người cấy tốn ít công, còn chủ ruộng thì thu hoạch được ít thóc. “Hàng tay” còn gọi là hàng con, tức là hàng lúa ngang theo chiều tay cấy. Bà chủ ruộng đứng trông coi việc cấy hòng để người làm công làm tốt công việc của mình. Đây là chuyện thường tình của những ai thuê người làm công. Nhưng với người làm thuê, họ cho đó là việc làm vô bổ. Vấn đề chính là nếu tiền công trả kém thì người làm thuê cấy thưa hẳn ra, còn nếu trả khá hơn thì họ cấy dày và đều tay.

Chuyện làm bừa làm ẩu hoặc làm kỹ càng, làm có tâm đã thành chuyện bình thường trong đời sống nông dân ngày xưa, nó tùy thuộc vào cách xử sự của chủ đứng ra thuê người làm, ở đây là chủ ruộng và thợ cấy lúa. Trong cuốn Tục ngữ và ca dao Việt Nam (Mã Giang Lân, NXB Giáo dục, 1999, tái bản lần thứ 5) có câu ca dao: Bớt đồng thì bớt cù lao/ Bớt ăn, bớt uống thì tao bớt làm. “Cù lao” ở đây có nghĩa là sự khó nhọc, câu ca đại ý đòi tăng tiền công của những người đi làm thuê.

Xuất phát từ hiện tượng đồng âm, bài ca dao đang xét còn có một dị bản nữa: Trả ta đủ gạo đủ tiền/ Thì ta sẽ cấy cho liền hàng song/ Ví mà bớt gạo bớt công/ Thì ta cấy rộng hàng song ta về. Hai sự việc “cấy liền hàng song” và “cấy rộng hàng song” trong dị bản này khiến bài ca dao dễ hiểu hơn: Nếu chủ trả đúng công, người cấy sẽ cấy lúa dày hàng, đúng kỹ thuật; ngược lại, nếu trả công quá “bèo” thì chủ sẽ nhận được những thửa ruộng bị cấy thưa lúa. Cái gì cũng có giá của nó, nếu chủ hẹp hòi trong việc trả công cho người cấy thì sẽ nhận được “cái kết đắng” khi thu hoạch mùa vụ thua kém!

ĐNCT

.