Cửa sổ tri thức
Người thầy của Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam
* Hôm tham quan Lăng mộ Nguyễn Duy Hiệu ở một làng quê gần thành phố Hội An, được biết thầy của vị Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam này là Cử nhân Lê Tấn Toán, người làng Hà Lộc, nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Việc mở trường của cụ Cử diễn ra thế nào và còn ai theo học cụ nữa không? (Trần Văn Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)
Mộ Cử nhân Lê Tấn Toán tại làng Hà Lộc, nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L |
- Lê Tấn Toán sinh năm 1837 (Đinh Dậu) tại làng Hà Lộc, tổng Phú Triêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Khoa Tân Dậu (1861), ba anh em nhà ông cùng đi thi thì hai em đỗ tú tài, ông đỗ cử nhân. Là người khiêm cung, trọng nhân nghĩa, ông không ra làm quan, ở lại quê nhà mở trường dạy học.
Gia phả tộc Lê Tấn làng Hà Lộc, trang 38 chép: “Đặc biệt, cụ Cử Lê Tấn Toán đã có công đào tạo lớp sĩ tử có tâm huyết mà người tiêu biểu nhất là ông Nguyễn Duy Hiệu, đỗ Phó bảng (thường gọi là ông Hường Hiệu)”.
Khi Hường Hiệu thay TS. Trần Văn Dư làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, thầy Cử Lê được tôn làm quân sư. Về sau, phong trào Nghĩa hội gặp lúc thoái trào, cả Hội chủ lẫn người thầy đều bị hại. Gia phả chép: “Ông Cử bị tên phản bội và đồng bọn (Nguyễn Thân, một thành viên Nghĩa hội) lùng bắt đem giải về nhà lao tỉnh và bị triều đình Huế buộc tội Tam ban triều điển (ba cách chết dành cho những người được triều đình ân ban gồm: chén thuốc độc, thanh gươm và dải lụa - ĐNCT), ông chọn chén thuốc độc để tỏ nghĩa khí của người sĩ phu yêu nước. Ông Cử hy sinh ngày 25-7 năm Đinh Hợi (1887). Trong lúc thân nhân đưa thi hài ông về mai táng ở làng Hà Lộc thì vào giờ Tý đêm ấy, người nhà phát hiện ông Hường Hiệu cải trang lén về lạy từ biệt thầy”.
Theo bài viết “Lê Tấn Toán - Kỳ 1: Người thầy làng Hà Lộc” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 25-1-2013, trong bi ký nói về việc lập Văn miếu tại Đông Bàn (Gò Nổi) vào năm Tự Đức hai mươi sáu (1873), ngoài tên các nhân vật nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm..., còn có tên ông - Lê Tấn Toán.
Trường học của ông Cử Lê làng Hà Lộc là lò sôi kinh nấu sử của sĩ tử thời ấy, học trò từ Bình Định nghe tiếng cũng rủ nhau ra học. Nhân cách và tài năng của người thầy để lại dấu ấn trong tâm hồn các môn sinh, mà hai người đã làm rạng rỡ trang sử cách mạng nước nhà là Nguyễn Duy Hiệu với Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) và Châu Thượng Văn với phong trào xin xâu kháng thuế Trung Kỳ (1908). Trong bia mộ người anh của ông Cử, ở hàng con rể thấy có tên Châu Khởi Vị - con của người học trò Châu Thượng Văn ở làng Minh Hương, Hội An.
8 năm sau khi thầy Cử Lê mất, mộ ông mới được dựng bia, bởi thực dân Pháp và Nam triều vẫn còn ráo riết đàn áp những người đi theo Nghĩa hội. Tuy nhiên, dù nhà cầm quyền tàn bạo đến đâu vẫn không sao cấm cản được lòng người hướng về chính nghĩa như việc học trò lập bia mộ và truy tặng thụy hiệu cho ông.
Có thể nói, nhân cách, tài năng của ông Cử đã khiến nhiều người tâm phục và muốn kết mối thâm giao (gia phả tộc Lê Tấn còn ghi con gái ông là Lê Thị Vịnh về làm dâu tiến sĩ Phạm Phú Thứ ở Đông Bàn, Gò Nổi). Nhất là sau cái chết lẫm liệt của ông, người ta hiểu vì sao mà một thầy giáo làng lại nhận được sự tiếc thương vô bờ của nhiều người, nhiều giới đến thế.
Thành phố Đà Nẵng nhắc hậu sinh phải nhớ đến người thầy giữ tròn nghĩa khí này qua việc đặt tên ông cho con đường dài 280m, rộng 7,5m, từ đường Lê Bình đến đường Chính Hữu, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
ĐNCT