Cửa sổ tri thức
Đường Wừu ở Kon Tum
* Ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, có một tên đường rất lạ: đường Wừu. Đây là tên người hay tên đất và có ý nghĩa như thế nào mà được đặt tên đường? (Châu Nguyễn, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Đường Wừu ở thành phố Kon Tum dài khoảng 0,5km. Ảnh: V.T.L |
- Wừu (1905-1952), còn gọi là Bok Wừu hay Anh hùng Wừu, một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân người dân tộc Bana. Cùng với Đinh Núp, ông được xem là một trong những biểu tượng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia Kháng chiến chống Pháp.
Theo Wikipedia, Wừu là người dân tộc Bana, sinh năm 1905, tại làng Đeđoa, tòa hành chính Kon Tum, tỉnh Pleiku Der (nay thuộc xã Đăk Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Là một người thuộc tầng lớp thấp, ông sớm chịu ảnh hưởng từ những người Cộng sản tuyên truyền ở Tây Nguyên về một cuộc Cách mạng chống áp bức của chính quyền thực dân Pháp. Năm 1939, ông là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào “Đất nước đứng lên” chống bắt phu bắt lính ở địa phương.
Bài viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân người dân tộc Ba Na 3 lần bị Pháp bắt đăng trên báo danviet.vn cho biết, năm 1939, Anh hùng Wừu tham gia phong trào chống bắt phu bắt lính ở địa phương. Cùng với đó, ông đã vận động dân làng tổ chức các cuộc đấu tranh tự phát chống bọn chủ đồn điền cúp phạt tiền công.
Uy tín của Bok Wừu dần lan rộng và ngày càng được dân làng tin tưởng, yêu thương. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bok Wừu tham gia xây dựng chính quyền. Năm 1946, khi thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai và Kon Tum, Bok Wừu bị đứt liên lạc với tổ chức. Trong hơn 2 năm mất liên lạc, Bok Wừu vẫn chủ động, tích cực, bí mật làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Bok Wừu bị Pháp bắt đến 3 lần nhưng dù bị giặc tra tấn, ông cũng thà chết chứ quyết không đầu hàng.
Lần thứ 3, cho đến lúc biết chắc chắn là sẽ hy sinh, không thể thoát khỏi bàn tay tàn bạo của kẻ thù, Bok Wừu vẫn thông minh, lừa địch, bắt chúng phải đền mạng. Ông dẫn cả đội quân của đối phương vào nơi đội du kích của ông đã cắm chông, khiến đội quân bị sát thương và ông cũng hy sinh tại đây.
Bok Wừu hy sinh vào buổi chiều cuối tháng 4-1952. Bốn năm sau khi mất, vào năm 1956, Bok Wừu được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tên đường Wừu có 3 chữ cái, được cho là tên đường ngắn nhất Việt Nam (không kể các tên đường có tên là chữ số). Điều thú vị nữa là ở Việt Nam có tới 4 con đường mang tên Wừu, trong đó có tới 3 đường Wừu ở Gia Lai (thành phố Pleiku; thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa; thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) và một đường Wừu ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Trong đó, đường Wừu ở thị trấn Đắk Đoa quê hương của người anh hùng là dài nhất, khoảng 3,5km.
Đồng thời với Anh hùng Wừu là Anh hùng Núp, cũng ở Pleiku. Thành phố Pleiku có con đường mang tên “Anh Hùng Núp” chứ không phải ngắn gọn là đường Núp. Nhà thơ Văn Công Hùng, trong bài viết “Bok Wừu, đường Wừu và chuyện ông Wừu” đăng trên Báo Công an Nhân dân ngày 5-9-2020 cho biết, ông thấy khá đông khách du lịch khi đến Gia Lai đều muốn tìm đến 2 con đường để chụp ảnh dưới bảng tên, là đường Anh Hùng Núp và đường Wừu.
ĐNCT