.

Trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy

.

Sau một cơn mưa lớn, những hố bom của giặc thả từ chiều hôm trước đã đầy nước. Các hầm trú ẩn nửa nổi nửa chìm, nước cũng đầy ắp. Trong sương sớm trời vẫn còn mờ tối, đoàn khách đã chuẩn bị lên đường.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đứng trên tảng đá cạnh bờ suối, đồng chí trạm trưởng là một thương binh, tay phải chống gậy, tay trái bị cụt, chỉ còn là một ống tay áo, đưa lên đưa xuống dặn dò:

- Hôm nay các đồng chí đi, phải vượt qua hai bãi bom mà chúng mới rải. Có khả năng còn bom nổ chậm, bom bi. Và cứ khoảng 5 đến 10 tiếng đồng hồ nó lại thả tiếp. Ta vượt qua hai bãi đó là an toàn. Đoàn các đồng chí có tám người, khó khăn là đồng chí - anh hất tay áo về đồng chí lớn tuổi - còn yếu vì sốt rét. Các đồng chí giúp đỡ nhau trên đường đi an toàn. Trạm tôi cử một giao liên có kinh nghiệm đưa đi.

Sương mù vẫn còn dày đặc, ngồi sát nhau bên bờ suối đoàn khách im lặng đợi chờ.

- Hờ Trúc ơi! Đi thôi! Đồng chí trạm trưởng gọi to. Ở trong lán, một cô gái người dân tộc, dong dỏng cao, gầy đi ra.

- Dạ, xong rồi anh ạ! Cô đến trước đoàn khách chậm rãi nói:

- Các đồng chí nè, ta đi hàng một thôi, người cách nhau 3 bước, cố bám sát. Đường đi có khó, các đồng chí phải nghe em. À đồng chí này - nhìn vào cán bộ lớn tuổi - đồng chí đi trước với em. Nói rồi, cô đến bên đồng chí cán bộ, nắm tay anh đưa lên trước, cô nói tiếp. Ta đi thôi!

Bóng cô giao liên dân tộc đi trước, đoàn khách lặng theo sau. Nhưng, với người cán bộ lớn tuổi, lúc này, đang trỗi dậy trong anh một nỗi niềm xa xôi, diệu vợi - khi trước mặt anh là một cô gái cao gầy, có khuôn mặt trái xoan, da trắng tái, đôi mắt tròn to... Cô gái này đã làm anh suy nghĩ...

- Nằm xuống! Nằm xuống! Tiếng cô giao liên thét lên, đứt quãng dòng suy nghĩ của anh. Mọi người như cái máy nằm rạp xuống, thì cũng là lúc những tiếng rít xé tai của những chùm bom từ pháo đài bay B.52 lao xuống.

- Các chú ơi, nhảy vào hố bom trước mặt nhanh lên! Một loạt bom, tiếp một loạt bom lại ào ào đổ xuống.

- Thế là hết rồi! Chúng chỉ 3 loạt bom. Ta đi thôi!

Mặt trời mỗi lúc một lên cao, biết mọi người thấm mệt, cô gái dừng lại nhỏ nhẹ.

- Bây giờ chú và các anh ngồi nghỉ một chút!

Ngồi lại bên rừng, anh cán bộ lớn tuổi xé cuộn băng buộc lại vết thương ở chân - một mảnh bom xướt nhẹ.

- Chú sao vậy? Cô giao liên hốt hoảng.

- Không sao đâu cháu ạ! Anh cười nhìn tận mặt cô bé giao liên, khi cô ngồi xuống băng bó lại vết thương cho anh. Trời! Sao lại thế này.

- Cái gì vậy chú?

- Thấy cháu sao mà chú thấy quen quá! Cô giao liên cười, hồn nhiên nói:

- Cháu mới về công tác ở trạm này, chắc là chú quen ai giống cháu đó thôi...

Đoàn tiếp tục đi, anh cán bộ lại triền miên suy nghĩ... Ngày đó, anh là chàng trai 25 tuổi, bộ đội của Trung đoàn 803, được phái lên Tây Nguyên để làm công tác dân vận, nắm tình hình địch phục vụ cho trận tiêu diệt cứ điểm Ai-Nu. Hôm đó, một sáng tinh mơ, anh cho người vào tìm già làng ở Buôn Ka nhưng không được. Anh và người liên lạc phải vào một cái rẫy gần suối sau Buôn chờ đợi. Đợi mãi từ trưa, cho đến xế chiều, mới thấy có bóng người đi đến. Tưởng là liên lạc trong Buôn ra, nhưng không phải, đó là cha con ông chủ rẫy.

Thấy có người lạ, ông cụ quá sợ muốn chạy, nhưng anh kịp giữ lại. Người liên lạc đi với anh đã giải thích để cụ yên tâm, còn cô con gái chỉ thoáng nhìn, rồi chạy vụt thẳng. Qua buổi đầu gặp gỡ, mới biết rẫy đó là rẫy của ông Ma-Ha-Đam và con gái ông là Hờ Bá. Và nơi đây, cũng nhanh chóng trở thành cơ sở của Buôn Ka.

Hờ Bá thông minh, có đôi mắt to, đen láy, có cái khuôn mặt trái xoan và đôi má lúm đồng tiền, đã đem lại cho anh niềm vui và cảm tình thân thiết. Đêm đêm bên bếp lửa rừng, cô thổi khèn cho anh nghe, kể chuyện quê hương, kể tội ác giặc Pháp, cô thông cảm nỗi niềm của anh bộ đội xa quê hương, chịu cực, chịu khổ...

Một hôm, anh nói với Hờ Bá là: Anh xin cái khèn để kỷ niệm - cái khèn cũng là vật quý - Hờ Bá và ông Ma-Ha-Đam tỏ ý hết sức vui mừng. Và như vậy là anh đã vi phạm phong tục dân tộc, xin khèn người con gái chưa chồng.

Thế rồi, anh và Hờ Bá thành đôi bạn đời. Trong trận Ma-Bếp đường số 7 ngày 21-4-1954, anh bị thương nặng, phải chuyển về Viện, sau đó Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh phải tập kết ra Bắc. Đã gần 20 năm rồi, giờ đây xin mãi mới được trở về. Hờ Bá còn không?

- Ta nghỉ thôi, giờ thì ăn cơm được rồi đó! Cô giao liên vừa nói, vừa xách mo cơm, bẻ mấy cành lá trải làm mâm bày cơm ra bảo anh ăn.

- Cảm ơn cháu. À, cháu tên chi? Anh cán bộ hỏi.

- Dạ, cháu tên Hờ Trúc.

- Quê cháu ở đâu?

- Cháu quê ở Buôn Ka - Cheo Reo.

- Cháu là dân tộc Gia-rai à?

- Chú có biết Buôn Ka không?

- Có, chú có biết! Anh trả lời và nhìn theo cô gái đang cúi xuống suối, vốc từng vốc nước, vả vào mặt. Một cái mặt sáng trưng, quen làm sao. Anh thấy trên cổ cô có đeo một sợi dây màu hồng và cùng sợi dây là một ống trúc nhỏ bằng ngón út, có khắc mấy chữ nhỏ. Anh cảm thấy cái gì ứ nghẹn trong cổ.

- Cháu ơi! Ở Buôn Ka cháu có biết ai là Hờ Bá không? Cô gái sững sờ nhìn anh.

- Sao chú biết Hờ Bá. Hờ Bá là mẹ cháu!

- Trời! Hờ Bá đã có con! Hờ Trúc sửng sốt nhìn anh.

- Chú có phải là chú Văn không? Chú Văn người Phú Thọ!

- Đúng! Chú là Văn đây. Mẹ cháu thế nào? Không còn kiềm chế được nữa, anh cán bộ ôm lấy cô giao liên mà ràn rụa nước mắt, còn cô giao liên cũng ôm lấy anh. Ba con đây rồi!

- Ba ơi! Mẹ con không còn nữa. Mẹ nói, mẹ vừa mang thai, ba cũng vừa bị thương, rồi đi tập kết. Mẹ dặn khi nào gặp ba thì nhớ đứa cái dây này cho ba. Vừa nói cô vừa gỡ sợi dây đeo ở cổ ra trao cho đồng chí cán bộ. Tay anh run run đỡ lấy sợi dây, nâng ống trúc nhỏ trên tay, như nghẹn lại. Anh quay sang nói với mọi người:

- Đây là kỷ vật mà tôi để lại cho vợ tôi - một cô gái Tây Nguyên tên là Hờ Bá trước ngày tôi ra Bắc. Trong ống trúc này, có tờ bạc tín phiếu 5 đồng. Vì trong tờ tín phiếu có ảnh Bác Hồ kính yêu. Khi đó, chúng tôi không có ảnh Bác để tặng bà con mà chỉ lấy tờ tín phiếu là vật tặng. Nói rồi, anh trân trọng mở ống trúc ra, anh nhìn kỹ thấy tờ tín phiếu có máu thấm.

- Tại sao lại có máu? Anh sửng sốt. Hờ Trúc kể:

- Hồi đó, năm 1968, vào một sáng, mẹ con cùng dân làng đang chuẩn bị cơm nước để vào rẫy. Ngờ đâu, giặc Mỹ đã vào đến nơi, nghe súng nổ mọi người hốt hoảng chạy ra rừng. Con và mẹ chạy ra đầu nhà rông, như nhớ điều gì, mẹ đẩy con chạy trước, còn mẹ trở lại tìm xách cho được gùi quần áo. Vào đến rẫy tưởng là yên, mẹ lục tìm cho được cái ống trúc này. Mẹ vừa mở nắp, lấy tờ tín phiếu ra xem, thì cũng vừa lúc bọn giặc Mỹ bất ngờ ào tới, bắn một loạt đạn vào mẹ. Khi giặc rút, già làng và con đi tìm mẹ, thì mẹ đã chết, trên tay vẫn còn nắm chặt ống trúc và tờ tín phiếu trên ngực...

Nghe kể đến đó, Văn, người cán bộ lớn tuổi đã òa lên nức nở. Mọi người trong đoàn chỉ biết lặng nghe và xúc động. Ôi chao câu chuyện sao mà bất ngờ và đau thương đến vậy.

- Ba ơi, bà con buôn làng, bảo con đi giao liên. Hãy nằm trên đường dây, thế nào cũng có ngày gặp ba. Con toại nguyện rồi! Nắm chặt tay con anh rưng rưng nước mắt.

Mặt trời đã ngả về tây, ngọn núi cao đã dần che khuất nắng chiều. Đoàn người lại tiếp tục xuyên vào rừng già để kịp đến chỗ nghỉ mới. Sự gặp gỡ của cha con Hờ Trúc đã chứa đựng biết bao nỗi niềm của một cuộc trùng phùng hiếm có. Mọi nỗi mệt nhọc như tiêu tan, rừng lá rì rào như chào mừng sự gặp gỡ của hai thế hệ cùng chung bước trên một tuyến đường...

Ghi chép VÕ VĂN MINH (*)


(*) Đại tá CCB Võ Văn Minh từng chiến đấu tại Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, hiện sống tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Bài ký này ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Hàm (quê Duy Xuyên, Quảng Nam), Trung đoàn trưởng 803 về câu chuyện có thật của một cán bộ mà ông chỉ biết tên là Văn,  quê Phú Thọ.

;
.
.
.
.
.