Chuyên đề

Tình yêu chợ Việt

07:07, 18/10/2014 (GMT+7)

Các siêu thị lần lượt ra đời đã điểm xuyết nét hiện đại cho không gian đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những “siêu chợ” này dù thích nghi với cuộc sống tất bật thời nay nhưng xem ra vẫn còn  thiếu một loại “hàng hóa” mà chỉ những chợ truyền thống mới có, nhất là các chợ quê, đó là tình... chợ.

Thực phẩm tươi sống là mặt hàng “chiến lược” của chợ truyền thống Việt Nam.Ảnh: V.T.L
Thực phẩm tươi sống là mặt hàng “chiến lược” của chợ truyền thống Việt Nam.Ảnh: V.T.L

Tươi, ngon và rẻ

Chợ Hòa Khánh là chợ loại 1 do quận Liên Chiểu quản lý, có vị trí rất đắc địa: Ngay trung tâm quận với điểm giao giữa quốc lộ 1A và đường Âu Cơ thẳng lên Khu du lịch Bà Nà. Công nhân các khu công nghiệp và học sinh - sinh viên các trường học trên địa bàn là khách hàng mua lẻ, tấp nập vào chợ bởi nơi đây giá cả “mềm” hơn so với các chợ khác. Theo ông Phạm Phước, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, chợ Hòa Khánh hiện có trên 1.200 sạp hàng cố định và không cố định, trong đó có 300 sạp bán hàng tươi sống. Kinh tế khó khăn, hàng tiêu dùng chựng lại nhưng hàng tươi sống vẫn dập dìu người mua kẻ bán.

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các chợ “sống” được là nhờ vào hàng tươi sống, mặt hàng đặc trưng của chợ truyền thống. Người ta có thể “nhịn” mua sắm hàng tiêu dùng nhưng không thể nhịn ăn.

Chợ Đống Đa luôn có hải sản tươi ngon, chiều có các loại cá biển về sáng ngời ánh bạc. Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa Nguyễn Đắc Hùng kể, nhiều đoàn khách Hà Nội nghe tiếng đã ghé xe vào chợ mua hàng 5-6 triệu đồng hải sản đóng vào thùng xốp.

Chợ Bắc Mỹ An, chợ Non Nước tuy chỉ là chợ loại 2 do quận Ngũ Hành Sơn quản lý, nhưng sức mua không kém cạnh gì so với các chợ trung tâm thành phố. Theo mô tả của Trưởng ban Quản lý các chợ quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đình Mâng, chợ Non Nước như một chợ đầu mối thu nhỏ; 3 giờ sáng tập kết các loại nông sản: rau nhà trồng (của một vài hộ còn đất sản xuất), rau từ Hội An, Điện Nam - Điện Ngọc đổ ra, cá nuôi… tất cả bán sỉ cho tiểu thương ở chợ hoặc một số nhà hàng trên địa bàn. Sau đó, các loại hàng này được bán lẻ trong phiên chợ chính thức đông từ 7 đến 11 giờ trưa, chiều đông từ 4 giờ đến tối với lượng khách ít hơn.

Hàng hóa ở chợ không chỉ tươi mới, phong phú, đặc trưng cho vùng miền mà điều quan trọng không kém là có giá rẻ. Vào chợ là tha hồ mặc cả, thuận mua vừa bán.

Mộc mạc, chân tình, dịu mát

Một nữ du khách Pháp sau khi đến Sài Gòn năm 1930, đã ghi lại trong hồi ký của mình: “Ngày về tôi mang theo âm hưởng giọng rao của chị bán trà đá nơi góc chợ Bến Thành, mộc mạc chân tình, dịu mát nắng gió miền nhiệt đới”. Thì ra, cái để lại ấn tượng trong lòng khách không phải là vẻ hiện đại của ngôi chợ lớn nhất Việt Nam lúc đó mà là một lời rao hàng. Đó không hẳn là tiếng vọng của cuộc mưu sinh mà là những nốt nhạc trầm làm nên một nét riêng của chợ Việt.

Ở Đà Nẵng, chợ Hàn, chợ Cồn lần lượt ra đời, trước khi mang dáng dấp chợ phố như hiện nay thì vốn dĩ là những chợ quê, quê kiểng ngay từ tên chợ cho đến hàng hóa bày bán. Những tiếng rao hàng có thể lặng dần vào quá khứ nhưng cái “mộc mạc chân tình”, vẻ “dịu mát” thì vẫn mãi tồn tại qua cách ứng xử giữa người mua kẻ bán - một trong những tiêu chí của “Chợ văn minh thương mại”.

Sau khi chợ Hàn được công nhận là “Chợ văn minh thương mại” đầu tiên của Đà Nẵng, các chợ loại 1 còn lại cũng phấn đấu đạt danh hiệu này với 3 tiêu chí văn minh, sạch đẹp -vệ sinh và an toàn. Ban quản lý cùng tiểu thương các chợ đã nâng cấp, sửa chữa các sạp, quầy hàng sạch sẽ, tươm tất, nhất là các khu vực bán hàng thủy hải sản, hàng ăn uống; cải tạo không gian chợ sao cho tương xứng với thành phố hiện đại.

Tuy nhiên, với chợ Đống Đa, theo ông Hùng, để đạt cả 3 tiêu chí nói trên không dễ. Hiện có 10 hộ dân nhà ở ngay mặt tiền của chợ, tầng trên cho sinh viên thuê trọ phơi phóng áo quần nhiều khi rất phản cảm; tầng dưới cho các hộ bán hàng rong rau thịt, kể cả gà vịt sống, làm ách tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị. Thêm nữa, nếu có sự cố gì thì có lối thoát hiểm, bởi bọc sau lưng chợ là một chợ cóc tập trung gần 100 hộ buôn bán. Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã làm việc với 2 phường Thanh Bình và Thuận Phước, năm 2013 giải tỏa chợ cóc này một lần nhưng sau rồi cũng đâu vào đó, mặc dù có văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Chợ Bắc Mỹ An hiện có hơn 100 hộ buôn bán vỉa hè, là nguyên nhân khiến ban quản lý chợ “mất ăn mất ngủ” như cách nói của ông Mâng, đẩy đuổi nơi này họ qua nơi khác. Hầu hết là các hộ này nguyên là nông dân bị mất đất sản xuất, từ người trồng rau thành người đi buôn rau, mỗi sáng qua chợ đầu mối Hòa Cường mua về bán lại. Chợ Non Nước thì mưa dầm cỡ một tuần là anh em bảo vệ phải lo đi… tát nước! Nước chỉ ngập góc sân phía sát cổng nhưng đã làm cho chợ trở nên nhếch nhác.

Giải quyết rốt ráo những tồn tại trên, chợ sẽ càng thêm mộc mạc chân tình, dịu mát trong mắt người vào chợ.

Chợ truyền thống giữa phố hiện đại

Ra chợ một lát là rõ hết chuyện đầu làng cuối phố. Có người chỉ mua một bó rau cũng ưng đi chợ vì lẽ đó. Mua hàng lỡ hết tiền có thể mắc nợ mai mốt trả. Người bán đon đả chuyện trò, xong đâu đó còn “khuyến mãi” thêm mấy trái ớt hay vài cọng hành. Người này hàng bán không hết, người kia kêu qua bán giùm cho… Đó là tình chợ, “món hàng” mà không một siêu thị hiện đại nào có thể cung ứng được.

Không ít người cứ ngại sáng sớm vô chợ, nhỡ sờ vô hàng mà không mua là làm chi cũng bị chửi te tua. Xin thưa, cái cách ứng xử theo kiểu “chợ búa” đó đã lỗi thời rồi. Chợ không hẳn là nơi trao đổi, giao lưu, mua bán, mà còn là nơi thể hiện văn hóa của một vùng đất và người buôn bán ở chợ ngày nay đã biết cách giữ hình ảnh chính mình trong mắt người đi chợ.

Ông Phạm Phước kể rằng ở Thái Lan có chợ họp ngay bên đường ray, mỗi lần tàu lửa tới là các sạp hàng hạ dù, hạ bạt xuống, thế mà vẫn nườm nượp khách du lịch nước ngoài, bởi đó là nét độc đáo chẳng nơi nào có được. Với Đà Nẵng, sự văn minh, vẻ lịch thiệp của các chợ cũng là nét độc đáo đáng yêu vậy.

Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng:

Xây dựng văn minh thương mại để tồn tại

Đà Nẵng hiện có 69 chợ lớn nhỏ, gồm 8 chợ loại 1, 19 chợ loại 2 và 42 chợ loại 3. Công ty quản lý 4 chợ: Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường; đây là các chợ cổ truyền loại 1, trong đó chợ Cồn, chợ Hàn gắn liền với lịch sử, văn hóa, xã hội và sự phát triển của thành phố. Hệ thống chợ Đà Nẵng đã giải quyết đời sống cho hàng vạn lao động với các ngành nghề lâu đời như: bánh kẹo, quần áo, giày dép, gia công, dịch vụ, ẩm thực....

Muốn tồn tại trong xu thế hội nhập hiện nay, chợ truyền thống, ngoài việc phải tự khẳng định mình với sự tự hào về bề dày lịch sử - văn hóa, cần nâng cao cơ sở vật chất phù hợp với sự phát triển đô thị, nâng cao nhận thức thương nhân về xây dựng văn minh thương mại, tuân thủ pháp luật kinh doanh, có thái độ phục vụ khách hàng đúng mực, chất lượng hàng hóa phải bảo đảm...

VĂN THÀNH LÊ

.