Chuyên đề

Thắc thỏm những bữa cơm

07:13, 29/11/2014 (GMT+7)

4 bức tường cháy đen, lửa liếm lên tận trần nhà, thiêu hủy toàn bộ đồ đạc (may mắn không có thiệt hại về người) khiến phòng 305 ký túc xá (KTX) trường Cao đẳng Công nghệ thông tin phải bỏ trống một năm nay.

Câu chuyện về căn phòng được sinh viên (SV) các trường truyền tai nhau như một ví dụ rõ ràng nhất cho việc cháy nổ do dùng điện quá tải. Hiểu và lo sợ về sự nguy hiểm của việc nấu ăn chui trong KTX, tuy nhiên, SV  không còn đáp án nào khác cho bài toán thắt chặt chi tiêu.

Thực đơn đa dạng, sạch sẽ nhưng cơm căn tin trường vẫn không thể hút sinh viên. TRONG ẢNH: Căn tin trường Đại học Bách khoa thưa thớt sinh viên tìm đến trong giờ ăn trưa. Ảnh: M.C.M
Thực đơn đa dạng, sạch sẽ nhưng cơm căn tin trường vẫn không thể hút sinh viên. TRONG ẢNH: Căn tin trường Đại học Bách khoa thưa thớt sinh viên tìm đến trong giờ ăn trưa. Ảnh: M.C.M

Nỗi khổ sinh viên

Hầu hết sinh viên ở KTX đều eo hẹp về mặt kinh tế, mỗi đĩa cơm tại căn tin hay cơm bụi có giá từ 15 đến 20 ngàn. Do đó, họ không có lựa chọn nào ngoài nấu ăn chui bởi tiền ăn ngoài rẻ nhất cũng ngốn đến 1,3 triệu đồng/tháng trong khi tiền gia đình chu cấp chỉ 1 triệu đồng/tháng. Nhiều SV không có cả tiền chu cấp, mà tự làm thêm, đủ chắt chiu cho một ngày chợ chừng 10 ngàn đồng, phần còn lại dành cho thuê nhà và gói mì tôm sáng.

Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đều có căn tin khang trang, với thực đơn phong phú, hợp vệ sinh khi mẫu thức ăn luôn được giữ lại trong vòng 24h để kiểm tra nếu có trường hợp ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, cái giá 15 ngàn đồng/suất vẫn là quá cao đối với đa phần SV. Theo ông Nguyễn Tài Đạt, cán bộ quản lý căn tin trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, KTX có 400 sinh viên, mỗi bữa, căn tin chỉ bán được khoảng 100 phần cơm. Giả sử 100 sinh viên ăn tại các hàng quán bên ngoài thì vẫn còn đến 200 sinh viên đang tự nấu ăn. Điều này cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi nhìn hóa đơn tiền điện của từng phòng hay lượng sinh viên tăng đột biến tại căn tin trong những ngày mất điện.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nguyên nhân khiến sinh viên chấp nhận chịu đựng tâm lý hồi hộp, lo sợ và bỏ thời gian, công sức để tự nấu ăn. Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin nằm ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, cách xa trung tâm thành phố. Bao quanh trường có duy nhất 1 tiệm cơm bụi nhưng hầu hết sinh viên đều không dám ghé chân bởi sự nhếch nhác, ẩm thấp. Chồng đĩa nhựa cáu bẩn được phơi lộ thiên. Trời trở lạnh nên chủ quán lùa cả bầy gà vào bếp để sưởi ấm. Thức ăn được nấu ngay trên nền xi-măng, giữa phân và những cái đập cánh vô tận của bầy gà.

Không hiu hắt, buồn tẻ như tại trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, các quán cơm bụi “mọc” vây quanh trường Đại học Kinh tế, Sư phạm, Bách khoa… Không cần đi sâu tìm hiểu nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến, chỉ cần nhìn bàn tay trần, tươm mỡ bóng loáng của chị chủ quán vừa thoăn thoắt thái thịt, trộn rau vừa bới lục tiền để trả lại khách hàng cũng đủ làm người ăn trân mình, ớn lạnh.

Lê Thị Hương (sinh viên khoa Tin học, Đại học Bách khoa) cho biết, dù thực đơn có đa dạng bao nhiêu chăng nữa cũng không thể hấp dẫn được sinh viên. Mùi người đông đúc quyện với mùi thức ăn nồng nặc trong không gian chật hẹp có thể gây ngán ngay từ khi bước vào hàng ăn. Có cơ hội tiếp cận với thông tin nên các bạn SV hiểu rõ tình trạng hàng cơm bụi được ví như “sọt rác thực phẩm” - nơi tập kết những bó rau úa, những tảng thịt ôi thiu hay miếng cá ươn tanh… Có lẽ vì thế, nên dẫu biết nấu ăn chui trong KTX là trái với nội quy trường và gây nguy hiểm cho bạn bè xung quanh, nên sinh viên vẫn thậm thụt duy trì cái “bếp lửa” của mình. Bởi, ăn không phải để làm… đầy dạ dày, mà để lấy sức cho việc học, thi và các hoạt động xã hội cần nhiều năng lượng khác

Tiến thoái lưỡng nan

KTX được xây dựng với thiết kế không cho phép việc nấu ăn. Hệ thống điện chỉ có khả năng tải những vật dụng tiêu thụ ít năng lượng như đèn, quạt và máy tính. Bên cạnh đó, mỗi phòng có từ 7 đến 8 người, đến từ nhiều địa phương khác nhau nên có cá tính, thói quen ăn uống khác nhau. Việc nấu ăn vì thế mà trở nên phức tạp bởi người thích ăn cay, người quen ăn mặn, bởi chai dầu, lọ mắm nên dùng chung hay phần ai nấy cất riêng vào tủ của mình. Giải pháp cho vấn đề này là… nấu riêng từng người. Diện tích phòng nhỏ hẹp giờ đây lại thêm chật chội bởi nồi niêu và gia vị. Mạng lưới điện phải tải quá nhiều trong giờ cao điểm bếp núc là hiểm họa cho nguy cơ cháy nổ.

Việc làm khó khăn nhất với thầy Trần Thành, cán bộ quản lý KTX đại học Sư phạm Đà Nẵng, là đi thu giữ nồi niêu và lập biên bản cảnh cáo SV nấu ăn. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy hiểu lắm hoàn cảnh, khó khăn trong chi tiêu của SV, hiểu nỗi ám ảnh của những đĩa cơm bụi – món cơm độc quyền chỉ có ở Việt Nam, món cơm không chỉ hòa cùng bụi. Tuy nhiên, vì sự an toàn của hơn 1.300 SV, vì một môi trường sạch đẹp, khang trang, thầy không còn lựa chọn nào khác là phải tịch thu mặc cho nồi cơm đang chín tới hay nồi thịt kho ruốc đang bốc hương thơm lừng, mặc cho nước mắt ngắn dài của SV.

Tịch thu và biên bản không làm tình trạng nấu chui giảm xuống. Ngược lại, SV chọn mua những nồi cơm điện Trung Quốc rẻ tiền. Loại nồi này đặc biệt ngốn nhiên liệu và có đường dẫn kém, đẩy nguy cơ cháy nổ lên nhiều lần. Trước thực tế này, thầy Trần Tấn Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ thông tin đã lên kế hoạch xây dựng bếp tập thể để SV có thể tự do nấu nướng. Dự án sẽ được triển khai trong tháng đến và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 1-2015. “Có lẽ, để SV không “lách luật” thì biên bản, kỷ luật là chưa đủ, nhà trường cần xem xét, cân đối hài hòa giữa lợi ích của tập thể và nhu cầu cho SV. Trong đó nhu cầu được ăn sạch, đủ chất, rẻ là nhu cầu cơ bản nhất”.

Khi được biết bài viết sẽ phản ánh tình trạng nấu ăn trong KTX, một SV đại học Bách khoa nhắn nhủ: “Nếu thay đổi được tình trạng mất vệ sinh của cơm bụi, nếu khắc phục được tình trạng nấu chui thì chị hãy viết. Chị đừng viết chỉ để mô tả quá chi tiết, sinh động về tình trạng mất vệ sinh, về hiểm họa cháy nổ khiến SV thêm kinh hãi đĩa cơm hàng hay thêm cảm giác tội lỗi vì nấu chui”.

MAI CHI MAI

.