Chuyên đề

Hồng Phước - kỷ niệm một thời

07:34, 20/12/2014 (GMT+7)

Chúng tôi hai lần đứng trên vạt đất nguyên là nền nhà của bà Phạm Thị Dĩ, một trong những người dân Hồng Phước từng nuôi giấu, chở che cán bộ, bộ đội ngày trước. Qua những hồi ức của những người lính năm xưa, có thể mường tượng ra không gian của làng quê một thời được gọi bằng mật danh là B1 này.

Đoàn làm phim tư liệu của DRT và các nhân chứng trong một lần về B1 - Hồng Phước. Ảnh: V.T.L
Đoàn làm phim tư liệu của DRT và các nhân chứng trong một lần về B1 - Hồng Phước. Ảnh: V.T.L

1. B1 - Hồng Phước, trước thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, là căn cứ cách mạng quan trọng của Quận Nhì - Đà Nẵng được hình thành từ đầu những năm 60 thế kỷ trước. Nằm giữa một bên là Đồn 44 Pháo binh Mỹ, một bên là đồn lính chế độ Sài Gòn, người dân nơi đây đã đào trên 40 hầm bí mật để bảo đảm an toàn, bí mật cho cán bộ, bộ đội về đây hoạt động.

Chúng tôi về Hồng Phước hai lần: vào dịp 29-3 năm 2011 và đầu tháng 9-2014. Lần nào cũng có hai người từng là cán bộ kỳ cựu công tác ở B1 là ông Hồ Phúc Ngôn và ông Phan Văn Tải. Lần sau lại có thêm Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và đoàn làm phim tài liệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT).

Nắng tháng tám nám trái bưởi. Trung tá Hồ Phúc Ngôn, Anh hùng LLVTND, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 Đặc công, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, vẫn giữ được phong thái người lính năm xưa dưới cái nóng cuối hè, dù sắp sửa bước sang tuổi 86. Nhìn hàng tre trước nhà bà Dĩ vẫn còn nguyên vẹn, ông hình dung ra cái đìa rộng gần đó, nước sâu, nhiều cây cối, nơi mà cán bộ, bộ đội ngày trước hay ẩn núp, rất khó tìm.

Tháng 6-1966, ông chỉ huy trận đánh vào đồn pháo binh Mỹ ở Thanh Vinh, nay thuộc tổ 57 Thanh Vinh, phường Hòa Khánh Bắc. Ông Ngôn kể lại trong hồi ký Chuyện người con Hồng Phước (NXB Quân đội Nhân dân, 2012) của mình: “Trận đánh vô cùng ác liệt kéo dài 30 phút, các mục tiêu cơ bản đề ra đều thực hiện được. Sở chỉ huy của Mỹ ở Đà Nẵng đã báo động cho máy bay trực thăng, máy bay Đa-cô-ta lên thả đèn sáng, bắn rốc-két vu vơ hòng cứu vãn tình thế. Nhưng mọi sự cố gắng của chúng chỉ rơi vào vô vọng. Các chiến sĩ đặc công của ta đã làm chủ hoàn toàn trận đánh…”.

Sau trận thua tơi bời này, người Mỹ nghĩ đóng đồn ở Thanh Vinh là sai lầm vị trí chiến lược quân sự nên chuyển qua Hồng Phước và lập tại đây Đồn 44 Pháo binh. Để tránh tai mắt dày đặc của địch, người dân Hồng Phước đã nghĩ ra cách làm “mật hiệu” bằng ngọn đèn nhằm thông báo cho cán bộ, bộ đội về B1 ẩn trú và hoạt động.

Trong hồi ký của mình, ông Ngôn có nhắc đến chuyện này và Lịch sử Đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Hòa Khánh (NXB Đà Nẵng, 2004) cũng ghi cụ thể: “Nhà bà Phạm Thị Dĩ là một trong những nơi phát tín hiệu ra ngoài. Khi treo đèn sáng là an toàn, nếu không có đèn là có địch. Với cách làm này, cán bộ đi lại thường xuyên trong nhân dân nhưng kẻ địch vẫn không hay biết gì”.

2. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, lần đầu tiên về Hồng Phước vào tháng 3-1974 với chức vụ Mũi trưởng Biệt động Quận Nhì. Nhìn địa thế kỳ bí của vùng đất B1, ông thắc mắc tại sao ở vùng chung quanh toàn là địch mà lại có một nơi gần như 100% gia đình ủng hộ, nuôi giấu cán bộ cách mạng, làm bàn đạp, làm khu căn cứ để Quận ủy, Quận đội Quận Nhì tiếp đón cơ sở, đội ngũ cán bộ, lực lượng biệt động từ thành phố lên?

“Trước đó, tôi tuy chưa xuống thành phố lần nào, nhưng qua bản đồ, qua trao đổi với cơ sở đã hiểu rất kỹ địa bàn Quận Nhì, các đường đi lối lại, các mục tiêu từ hành chính đến các đồn cảnh sát, đồn lính,… tất cả những thông tin này là cơ sở cho chúng tôi tham mưu, đề xuất với lãnh đạo quận trong công tác tác chiến, đánh địch trong lòng thành phố” - tướng Tuấn nhớ lại.

Đứng trên khuôn viên nhà bà Dĩ, tướng Tuấn lục tìm ký ức 40 năm trước để định vị bốn hầm bí mật mà ông và đồng đội đã trú ẩn. Có bữa anh em xuống đông quá làm cho hầm thiếu không khí. 8 giờ sáng, ông trẻ nhất, nhỏ con nhất, xung phong lên trên để mọi người đủ thở. Ông vào nhà rủ ông Dương Thành Thị, con bà Dĩ, hai anh em dùng ghe ra bàu đánh cá để che mắt địch.

Ông Thị cầm chèo, ông ôm lưới, cả hai đàng hoàng đẩy ghe chèo ra Bàu Sậy. Mọi việc êm xuôi. Trưa, gia đình đem cơm ra cho hai người. Tối, ông về lại nhà bà Dĩ, họp bàn với cơ sở. Kể lại chuyện xưa, ông nói vui với ông Thị: Nếu hồi đó địch phát hiện thì nó bắn cả hai, chứ chẳng lẽ bắn anh mà “tha” cho em.

Mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu, cơn gió đồng nội không xua tan cái oi nồng của nắng tháng tám. Tướng Tuấn nhìn quanh quất một hồi chừng như định vị không gian Hồng Phước xưa rồi lên tiếng như một nhà nghiên cứu chiến lược: “Sau nhà bà Dĩ là căn cứ Mỹ, phía xa trước nhà cũng căn cứ Mỹ, chỉ còn một đường mương ngược lên Cu Đê. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Địch không nghĩ rằng nơi đây người dân theo Cộng sản, cũng không nghĩ Cộng sản từ trên núi lại xuống đến đây. Chính vậy mà cán bộ cách mạng đã tập kết được, hoạt động được…”.

Ông Thị, nay là Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, nhìn ra phía xa, nơi từng là Đồn 44 pháo binh Mỹ, rồi bảo rằng bà con vùng này bị Mỹ vây quanh nhưng việc bảo mật được thực hiện rất kỹ. Quanh đây có người bị khui hầm bí mật vì có điệp, có tề, nhưng B1 - Hồng Phước dứt khoát không.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị (phải) và Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị ôn lại kỷ niệm một thời ở Hồng Phước.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị (phải) và Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị ôn lại kỷ niệm một thời ở Hồng Phước.

3. Ông Phan Văn Tải nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì, Biệt động thành Đà Nẵng, Đội trưởng Đội công tác phụ trách phong trào cách mạng. Năm 1963, khi đang hoạt động ở Sài Gòn thì ông nối liên lạc được với đồng đội cũ, chuyển về hoạt động ở Hồng Phước cùng với các ông Tăng Ngọc Phương (nguyên Bí thư Quận Nhì), Hồ Phúc Ngôn...

Trở lại nơi mình và đồng đội từng sống chết với người dân trong những ngày tháng đấu tranh với địch, ông bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm xưa. Ngày đó thường phải hoạt động trong lòng địch với điều kiện rất khó khăn, nên ông đã tự tạo ra chiếc thắt lưng “7 trong 1” để “lúc nào mình cũng chủ động được mọi việc trong chiến đấu”. Ngoài chức năng chính là thắt lưng, nó còn có vỏ bao súng, hộp đựng đạn, bộ vỏ và dao găm, đèn pin, hộp la bàn, luyn chùi súng.

Với tướng Tuấn, kỷ niệm khó phai là những lần gặp thanh-thiếu niên Hồng Phước. Họ rất quý ông, mỗi lần gặp là rất thích nghe ông kể chuyện kháng chiến hoặc hát những bài ca cách mạng. Ông hát cho họ nghe nhiều bài dân ca Khu 5 theo làn điệu bài chòi, trong đó có bài Quảng Nam tung cánh chim bằng, đoạn kết dự báo một khúc khải hoàn: Ta giành lại đất trời cây cỏ/ Đường tương lai rộng mở thênh thang/ Cho Mã Châu đẹp sợi tơ vàng/ Thuyền xuôi về phố Hội An thuận dòng/ Cho câu nhân nghĩa thêm trong/ Áo em đẹp ánh lụa hồng tung bay/ Cho thành Đà Nẵng vui say/ Cờ bay trong gió đón ngày hoan ca/ Vui từ Nam Bộ vui ra/ Vui từ Hà Nội vui qua Cửa Hàn/ Miền quê rợp ánh sao vàng/ Quảng Nam tung cánh chim bằng bay cao.

4. Hồng Phước giờ sắp sửa giải tỏa trắng để mở rộng vành đai khu công nghiệp Hòa Khánh. Bà Dĩ đã qua đời năm rồi. Ngọn đèn dầu trước hiên nhà bà giờ chỉ còn trong hoài niệm, nhưng trong ký ức của tướng Tuấn, nó như vẫn cháy sáng để báo hiệu cho cán bộ các nơi yên tâm về Hồng Phước hoạt động.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người từng chiến đấu, hoạt động ở B1 - Hồng Phước có buổi gặp mặt ôn lại kỷ niệm xưa. Với tướng Tuấn, ông chia sẻ một “niềm riêng” đầy nghĩa tình với vùng đất mình gắn bó hơn 40 năm trước: Ngoài K20, Đà Nẵng còn tự hào về căn cứ lõm B1 - Hồng Phước, căn cứ quan trọng của Quận Nhì - Đà Nẵng trong các cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân năm 1975. Theo tôi, nên lưu lại dấu tích một thời của B1 - Hồng Phước bằng một hình thức nào đó, nếu không sẽ mai một bởi thời gian và sự lãng quên…

“Có thể người dân Hồng Phước đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó, nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân Giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

.