Chuyên đề

Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau

07:05, 20/12/2014 (GMT+7)

Đưa người bạn đời về nơi yên nghỉ được 3 ngày, anh Phan Thanh Vỹ nhận lệnh trở lại tàu.

Biền biệt hai tháng ở trên biển bảo vệ giàn khoan dầu khí tàu Bình Minh 02, vừa trở về đất liền một ngày thì anh phải ra khơi cùng đồng đội tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi hoàn thành nhiệm vụ, anh Vỹ trở về quê thì gia đình vừa làm xong 100 ngày giỗ của chị…

Thuyền trưởng tàu KN 765 Phạm Thành Trung. Ảnh: H.N
Thuyền trưởng tàu KN 765 Phạm Thành Trung. Ảnh: H.N

Khi nghe câu chuyện của các anh, những người ngày đêm giữ biển, nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Hy sinh tình riêng, những người lính biển không ngại khó, ngại khổ. Có một điều may mắn là đằng sau các anh có đồng đội, cha mẹ và người bạn đời làm hậu phương vững chắc giúp các anh yên tâm công tác.

Hậu phương của người giữ biển

Phan Thanh Vỹ, nhân viên tàu KN 799, chàng thanh niên được ví như chú rái cá của làng biển Đồng Châu (xã Đông Minh, Tiền Hải, Thái Bình) lặng lẽ gắn mình với nghề thủy thủ, đến năm 30 tuổi vẫn chưa có người yêu. Hè năm 2003, Vỹ về quê nghỉ phép. Trong một buổi đi xem thi đấu bóng chuyền, anh bị chinh phục hoàn toàn bởi vẻ đẹp mộc mạc của cô gái Đoàn Thị Liễu, giáo viên dạy môn Địa lý. Nhà chị ở phía sau nhà anh, cách một con sông nhỏ. Tình yêu bùng cháy bất chấp thời gian, khoảng cách.

Trước hôm trở lại Đà Nẵng, anh hỏi chị có đồng ý cưới anh thì anh làm hồ sơ. Chị bảo “thế thì sáng mai sang nhà, em đưa phần hồ sơ của em”. Tưởng chị nói đùa, nhưng khi anh sang thì chị đưa phần lý lịch trích ngang cho anh. Một tháng xa nhau đó, anh gửi cho chị 3 lá thư, hàng chục cuộc điện thoại. Tháng sau nữa, họ làm đám cưới.

Khi con trai 7 tuổi, anh chị có con gái thứ hai. 11 tháng sau, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Anh đau đớn, bàng hoàng nhận cuộc gọi từ chị. Nhưng chị lại an ủi anh, bảo rằng bác sĩ nói có bệnh nhưng chị sống ít cũng phải 8 đến 10 năm nữa. Anh xin nghỉ phép, về đưa chị lên Hà Nội phẫu thuật, truyền hóa chất. Những lần xạ trị sau đó, chị một mình lên Hà Nội, cả đi cả về mất một tuần. Con trai chị gửi bà nội, con gái gửi bà ngoại. Tháng 9-2013, ba chị bị ung thư mất.

Tết năm đó về quê, bác sĩ bảo anh là sức khỏe chị xấu đi, có lẽ chỉ còn sống vài tháng nữa. Dù chị cố gắng ăn, ngủ thật đều, luôn lạc quan, không cho phép mình buông xuôi để sống và nuôi dạy các con. Sau Tết 2014, anh trở vào đơn vị được một tháng, bác sĩ báo anh phải về gấp với chị. Được một tuần thì chị mất. Đó là ngày 8-3-2014.

Làm cơm 3 ngày cho chị xong, anh Vỹ trở lại tàu, lên đường bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02. Sau chuyến biển, vừa về đến cảng được một ngày, anh và đồng đội nhận được lệnh làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày xong nhiệm vụ, về quê thì gia đình vừa làm giỗ 100 ngày cho chị xong. Anh ở với con vài ngày, lần này gửi hẳn con trai cho bà nội, con gái cho bà ngoại nuôi dạy. Hai người mẹ của anh, có chồng từng ở trong quân ngũ, hiểu con, thương con, dốc lòng nuôi cháu, cho anh yên tâm công tác.

Anh Vỹ bảo, có thể mình là người giữ biển, nên sức chịu đựng cao hơn người khác. Đôi khi anh khóc vì đau đớn, nhưng rồi nghĩ bằng mọi cách phải chấp nhận sự thật, rồi thôi. Trò chuyện với anh, tôi phải giấu nước mắt vào trong. Anh kể, con gái suốt ngày hỏi mẹ đi đâu, còn cậu con trai thường không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi riêng một góc…    

Hai con anh Phan Thanh Vỹ đang được mẹ anh nuôi dạy ở quê, để anh tiếp tục làm nhiệm vụ của người giữ biển. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hai con anh Phan Thanh Vỹ đang được mẹ anh nuôi dạy ở quê, để anh tiếp tục làm nhiệm vụ của người giữ biển. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nghe Tổ quốc gọi tên mình

Phạm Thành Trung, thuyền trưởng tàu KN 765, Chi đội Kiểm ngư số 3, từng có 3 năm thực hiện nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1, quần đảo Trường Sa, nên những khó khăn anh gặp phải sẽ “không có gì ghê gớm”.

Những ngày cuối tháng 4-2014, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí trên khu vực biển miền Trung trở về, lòng Thành Trung “như nở hoa” khi vợ và con từ Hải Phòng vào thăm sau thời gian dài xa cách. Nhưng ngày 1-5, giàn khoan Hải Dương-981 hiện diện trong vùng biển của Việt Nam. 16 giờ 30 chiều hôm đó, Thành Trung nhận lệnh tàu phải rời bến khẩn cấp lên đường thực hiện nhiệm vụ, khi ở với vợ con chưa được trọn một ngày. Trung kể, tôi vội vã lấy ba lô rồi nhìn sâu vào đôi mắt vợ đang nhòa lệ, hôn con rồi cùng anh em rời bến khẩn cấp. “Có lẽ đã là con người ai cũng sẽ có tâm trạng không vui khi chia tay gia đình trong hoàn cảnh ấy. Nhưng ngay lập tức tôi gạt bỏ những suy nghĩ mềm yếu ấy, xác định tư tưởng, bản lĩnh và vai trò của người thuyền trưởng trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tôi tự nhủ không được mềm yếu, phải mạnh mẽ, giữ được sự bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo bởi cương vị và trách nhiệm của mình”.

Thuyền viên Lê Vũ Tuân, tàu KN 762 có vợ và con gái 3 tuổi đang sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuân kể, những hôm tàu mới ra vùng biển Hoàng Sa ngăn chặn giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép, vợ Tuân ở nhà, những ngày đầu biết được tàu của chồng mình bị tàu Trung Quốc đâm 9 lần, thế là nước mắt ngắn dài. Sau đó, bặt vô âm tín.

Mãi đến 25 ngày sau, tàu về bờ, khi ra khơi, nhờ có một nhà báo – Báo Công an Đà Nẵng cùng đi theo đoàn, đưa tin hằng ngày, người vợ trẻ mới biết được tin tức về chồng mình và đồng đội được chừng một tuần, rồi cũng chỉ còn là trông ngóng…  Sau 32 ngày trên thực địa, tàu KN 762  có chuyến về bờ lần thứ 2. Cách bờ 50 hải lý, Tuân gọi điện báo cho vợ biết tin mình sắp về. Hai mẹ con đón xe từ Quảng Bình vào Đà Nẵng; gặp nhau một tối, hôm sau hai mẹ con xuống cảng tiễn bố rồi hành trình trở về.

Những người giữ biển có những đứa con dễ thương, những người vợ tự nhận phần thiệt thòi, luôn an ủi, động viên chồng, không để cho chồng lo lắng cho mình. Họ chấp nhận làm hậu phương vững chắc để người giữ biển vững vàng ý chí, tinh thần trước mọi khó khăn. Họ là nguồn động viên, khích lệ cho các anh hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên hầu hết thuyền viên trên tàu KN 762 quê ở xa như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, nhưng ai cũng một lòng, cùng chung một đích hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Những ngày thử sức, thử lửa

Anh Phan Thanh Vỹ gọi những ngày anh và các cán bộ, nhân viên tàu KN 799 cũng như các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển khác thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 là những ngày thử sức, thử lửa với người lính biển. Đảm bảo nhiệm vụ liên lạc trên tàu, anh Vỹ có 28 ngày liên tục gần như thức trắng, để truyền mệnh lệnh từ đất liền, trong khi các tàu của đối phương liên tục va, húc, phun nước áp lực cao.

Thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn, tàu KN 762 nhớ lại “ngày 2-5, khoảng cách giữa tàu KN 762 và giàn khoan Hải Dương-981 rất gần, chỉ khoảng 1,8 hải lý. Chúng tôi tuyên truyền bằng băng-rôn và trên làn sóng ngắn VFF, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Buổi sáng hôm đó, tàu 5 lần bị đâm va vào mạn phải, mình phải cơ động phòng tránh. Ngày 4-5 tàu bị phun vòi rồng, chúng tôi đã nghĩ ra cách dùng băng keo dán mặt kính, dùng đệm bịt tất cả cửa kính để giảm áp lực. Sau đó phương án này được áp dụng cho tất cả các tàu kiểm ngư”.  

Thuyền trưởng tàu KN 765 Phạm Thành Trung chia sẻ: Chúng tôi động viên nhau, xác định vững vàng ý chí, không sợ sệt hoang mang. Chúng tôi hiểu rằng, đây là vùng biển của ta, cha ông ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu để gìn giữ. Chúng tôi phải thật bình tĩnh, tỉnh táo trong xử lý các tình huống; kiên quyết đấu tranh tuyên truyền yêu cầu tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Hiện nay cán bộ, nhân viên kiểm ngư vẫn tiếp tục xa gia đình làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân trên biển.

Đây là trách nhiệm nặng nề của những người giữ biển, cũng là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam. Những người giữ biển ở tuyến đầu, hàng triệu người dân dõi theo, chia sẻ. Lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của người Việt Nam không hề bị bào mòn, biết thế nên mỗi người Việt Nam đi giữ biển đều cố gắng hết sức, hoàn thành trọng trách to lớn mà nhân dân giao phó.

Lực lượng kiểm ngư thành lập ngày 15-4-2014, phương tiện hoạt động khá thiếu thốn, làm nhiệm vụ trên một vùng biển phức tạp, nhưng cán bộ, nhân viên có ý chí, nghị lực và quyết tâm cao. Hiện nay, các tàu kiểm ngư tiếp tục thực thi pháp luật trên biển, tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo, xua đuổi các tàu xâm nhập trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là chỗ dựa vững chắc hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển.

Ông Đoàn Thanh Lâm, lãnh đạo đơn vị Kiểm ngư số 3

Ghi chép của HOÀNG NHUNG

.