Chuyên đề

Trọn đời với ngành quân báo

07:34, 20/12/2014 (GMT+7)

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc (ở  561/31 Hoàng Diệu, Đà Nẵng) năm nay tuổi đã 82. Đôi chân không còn khỏe nữa sau cơn đột quỵ, vậy mà hằng ngày ông vẫn tự tay chăm sóc vườn tược. Ngôi nhà khá rộng rãi này là nơi nhiều thế hệ gia đình ông đã ở và từ đây, ông lớn lên làm anh bộ đội Cụ Hồ.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc (trái) cùng đồng đội xem lại những kỷ niệm ở nước Nga.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc (trái) cùng đồng đội xem lại những kỷ niệm ở nước Nga.

Tuổi thơ làm quân báo

Cậu bé Ngọc ngày ấy là một trong những đứa trẻ may mắn khi được cha mẹ cho đi học tiếng Pháp tại trường học sinh con trai (Trường tiểu học Phù Đổng bây giờ). Cha mẹ làm ruộng vẫn luôn dạy các con yêu nước thương nòi. Nhà ông là cơ sở ông Hoàng Thanh Cao (nay đã mất), tình báo Đà Nẵng thường xuyên đi về.

Ngày cướp chính quyền ở Đà Nẵng, cậu bé Ngọc khi ấy mới 13 tuổi, háo hức theo đoàn quân đi khởi nghĩa. Pháp tái chiếm Đà Nẵng, đóng đồn ngay chợ Mới. Qua nhà cậu thấy bên tường hàng chữ “Nhà này của bà  Nguyễn Thị Thao” bằng tiếng Pháp, chúng ngạc nhiên, kéo đến hỏi han và muốn cậu bé cộng tác, làm phiên dịch trong các cuộc đi càn. Ngọc hỏi ý kiến ông Hoàng Thanh Cao thì được ông cho rằng đây là cơ hội tốt để mang tin tức về cho cách mạng. Vậy là cậu bé 15 tuổi ở chợ Mới bắt đầu làm quân báo.

Hằng ngày, cậu qua đồn vừa phiên địch vừa thu thập tin tức báo cáo đằng mình. Nhờ vậy mà một số càn quét của chúng đã được ta biết trước. Sau này do địch kiểm soát gắt gao, cán bộ ít về nhà cậu lấy tin tức nữa mà giao cho một giao liên. Một lần, giao liên bị bắt, lần ra đầu mối, chúng bắt giam Ngọc ở nhà lao Hội An và tra tấn cậu nhừ đòn. Người đã nhỏ càng thêm kiệt sức, tưởng không sống nổi. Bà mẹ phải lo lót tiền bạc rất hậu, cậu bé mới được phóng thích.

Về lại Đà Nẵng, được lệnh tổ chức, Nguyễn Văn Ngọc la cà các quán nước ở gần sân bay Đà Nẵng nắm các chuyến đi về, đưa quân đi chiến trường của địch. Đánh hơi chúng phát hiện ra, Nguyễn Văn Ngọc thoát ly hẳn, gia nhập Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng trong đội hình Trung đoàn 93, rồi Đại đội đặc công 15. Tập kết ra Bắc không bao lâu, ông trở lại miền Nam, tham gia Mặt trận B5, Bắc Quảng Trị rồi Trị Thiên- Huế.

Kỷ niệm ở chiến trường mà ông nhớ nhất là quyết định đánh Đường 9- Nam Lào năm 1971. Lúc này ông là trưởng phòng quân báo B5, Bắc Quảng Trị. Vốn lăn lội ở chiến trường nên ông và anh em trong phòng nghiên cứu rất kỹ về địch. Chúng liên tục nghi binh ở các hướng Đồng Hới (khu 4) và Đỗ Xá – Kon Tum (khu 5). Căn cứ vào lực lượng chuẩn bị chiến trường, cách điều quân, bố trí lực lượng của chúng, ông  tham mưu cho Tư lệnh Mặt trận B5 Cao Văn Khánh đánh Đường 9- Nam Lào. Trận đánh thắng lợi, đúng như ý định của ta, làm chuyển biến cục diện chiến trường miền Nam. Vai trò Trưởng phòng quân báo Nguyễn Văn Ngọc đã được ghi nhận.

Ít ai biết rằng, thời gian đó do sức khỏe yếu, ông được đưa ra Bắc điều trị bệnh, gặp vợ con và dự định nhận cương vị Trưởng phòng quân báo Quân khu 4. Nhưng do địch chuyển biến bất ngờ, ông mới ra đến bên kia sông Bến Hải thì được lệnh quay trở lại mặt trận. Cuộc đoàn tụ với vợ con đành dang dở.

Người bạn của cựu chiến binh Mỹ

Sau giải phóng, ông Ngọc ra làm giáo viên Học viện quân sự cấp cao ở Hà Nội, được đào tạo chuyên ngành ở Nga. Cha mất, mẹ ông già yếu không ai đỡ đần, ông xin về quê hương Đà Nẵng và làm trưởng phòng Quân báo Quân khu 5 suốt 13 năm, đóng góp quan trọng phát triển ngành quân báo Quân khu, được Bộ tư lệnh và đồng đội vô cùng kính trọng. Là người trải qua nhiều chiến trường, thông thạo địa hình, có nhãn quan của người làm quân báo đánh giá sát đúng chiến trường, sau khi về hưu, ông liên tục có hàng chục chuyến đi cùng cựu binh Mỹ thăm lại chiến trường xưa.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc đưa chúng tôi xem lá thư của  nhà sử học Mỹ Otto Lehrack viết cho ông năm 2000: “Tôi xin đa tạ lòng tốt của đại tá đã giúp chúng tôi trở lại Vạn Tường và gặp các nhân chứng. Tôi mong rằng cựu chiến binh Việt và Mỹ hiểu nhau như bạn bè trong hòa bình chứ không còn là kẻ thù”… Còn nhà sử học Harry.G.Sumers, năm 1997, tặng ông cuốn sách có trận Đại Độ, Gio Linh, Quảng Trị.

Nhắc đến trận này, ông Ngọc cười: Tên trung tá tiểu đoàn trưởng pháo binh ngày trước (sau này là thiếu tướng) trong lần sang Việt Nam đã hỏi tôi vì sao ông ta bị Việt Cộng phục kích dễ dàng đến vậy. Tôi trả lời rằng vì chúng tôi có mạng lưới quân báo rất mạnh mẽ. Trận này tiểu đoàn pháo binh trên đường đi chi viện Đại Độ đã bị diệt 81 tên. May mà ông ấy thoát chết.

Còn tên Trung tá Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến (sau này là đại tá) đến Hồ Khê (Cam Lộ, Quảng Trị) cũng hỏi ông một câu như thế. Ông tiết lộ bí mật:  “Chúng tôi ở trên núi, bố trí chiến thuật “kiềng 3 chân, hổ vồ mồi” ông lọt vô tầm ngắm của chúng tôi, nên thất bại là đúng rồi. Ông ấy quay sang bắt tay tôi vì đã hiểu ra một vấn đề mà bao nhiêu năm trăn trở”.

Điều làm ông Ngọc ngẫm nghĩ là các cựu binh Mỹ rất trân trọng kỷ niệm chiến trường. Đến các nơi đã từng chiến đấu, họ tìm từng mảnh áo giáp còn sót lại, lượm từng dây thép gai mục, có khi bốc một nắm cát bên hàng rào bỏ vào cái lọ. Ông vui mừng khi thấy những chuyến đi ấy đã thực sự làm cho cựu chiến binh hai nước hiểu nhau hơn, cùng hướng đến hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc.

Về hưu ở phường Hòa Thuận Đông, ông Ngọc làm Bí thư chi bộ từ năm 1995 cho đến ngày hôm nay, tính ra đã gần 20 năm. Không những ông mà vợ ông, bà Phạm Thu Yến đều đóng góp tích cực cho cộng đồng. Noi gương cha mẹ, con cái ông bà đều trưởng thành. Người con trai cả là Nguyễn Ngọc Quang hiện là Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông Ngọc nói rằng, trong chống Pháp, xung quanh nơi nhà ông ở trống hoang, có thể nhìn thấy biển Mỹ Khê. Bây giờ thành phố sầm uất, dân cư dày đặc. Ông mong có sức khỏe để sống thật lâu, chứng kiến thành phố Đà Nẵng của mình ngày càng phát triển.

HỒNG VÂN

.