Chuyên đề

Kỷ vật một thời

07:41, 13/12/2014 (GMT+7)

Những dãy nhà chồ dựng san sát nhau ven sông Hàn của một thời Đà Nẵng còn nghèo khó, cuộc sống tạm bợ, lam lũ của ngư dân 10 năm trước nay đã lùi vào quá vãng. Những đứa trẻ làng chài giờ lớn lên, hỏi nhà chồ của cha mẹ ngày trước thế nào không hình dung được. Muốn xem nhà chồ, bây giờ chỉ còn một nơi duy nhất giữ gìn, đó là Bảo tàng Đà Nẵng.

Chiếc bình ủ trà, do ông Bạch Lộc sưu tầm trong bộ sưu tập một số ít kỷ vật thời bao cấp.
Chiếc bình ủ trà, do ông Bạch Lộc sưu tầm trong bộ sưu tập một số ít kỷ vật thời bao cấp.

Quá khứ tỉnh thức

Đồ cũ - có thể nó không còn có ích trong suy nghĩ của người này, nhưng vẫn mang giá trị vô biên đối với người kia. Thế mới có những người sưu tầm, gìn giữ những món đồ phủ một lớp màu thời gian, có thể do sở thích, do hoài niệm quá khứ hay đôi khi đơn giản vì món đồ đó chất liệu quá tốt và không tìm được vật thay thế.

Trong căn nhà của nhà sưu tập Bạch Lộc ở đường Thanh Duyên, quận Hải Châu, chỗ ở và sinh hoạt của chủ nhân chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn diện tích trên nền nhà, trên tường, trong tủ, kệ… dành cho hàng nghìn món đồ lớn nhỏ được sưu tập 30 năm qua. Sở hữu một khối hiện vật khổng lồ, không nhớ cụ thể bao nhiêu món, ông bảo, mỗi hiện vật đều có nguồn gốc xuất xứ, có lịch sử riêng biệt, đã từng được người sở hữu trước đó giữ gìn, nên khi đến tay ông, ông đều trân trọng chúng. Chỉ vào chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường, ông Lộc cho biết chiếc đồng hồ sản xuất ở Nhật năm 1972, ông mua như một món đồ cũ từ nhiều năm trước, thấy nó vẫn chạy tốt nên ông để dùng.

Nhắc đến những món đồ của người dân sử dụng trong thời bao cấp, từ năm 1975 đến gần cuối năm 1989, ông bảo giai đoạn đó rất khó khăn, đồ dùng cũng không có nhiều để sưu tầm. Những thứ như cuốn sổ gạo ông không tìm thấy, chỉ sưu tầm được một ít tem phiếu; những cái dĩa nung bằng đất, vẽ hoa đơn giản; một bộ sưu tập khoảng trên 10 cái đèn bát, đèn bão thắp bằng dầu hỏa; một bức tranh gương cẩn xà cừ hình chùa Một Cột; 1 cái ti-vi 3 màu…

Trong bộ sưu tập tiền giấy của ông có những tờ tiền mệnh giá 2 đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 1980, tờ tiền 1 đồng phát hành năm 1985. Có giá trị nhất có lẽ là đồng tiền 10 đồng Bác Hồ phát hành năm 1958 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng tiền 3 nước Đông Dương (gọi là giấy 1 đồng vàng) của Pháp phát hành.

Ông Bạch Lộc có trong tay 3 cái ấm ủ trà, là sản phẩm của riêng người Đà Nẵng (như ông Lộc nhận định). Cái ấm ủ chiếc bình tích, dùng giữ ấm nước được 12 giờ, quấn bằng ruột dây điện thoại với nhiều màu xanh, đỏ, vàng, bên trong lót bông. Trong khi chiếc ấm ủ của người miền Bắc làm bằng mây tre thì người Đà Nẵng tận dụng những vật dụng còn sót lại của thời chiến tranh. Kỷ vật này có lẽ tồn tại nhiều năm tháng với nhiều gia đình, đến khi phích đựng nước nóng, phích cắm sẵn điện sản xuất ngày càng nhiều thì chiếc bình ủ ấm trà không còn giá trị.

Nhắc đến kỷ vật của một thời, không thể không nói đến những thứ như bi-đông đựng nước bằng nhôm do Mỹ sản xuất, bằng nhựa do cả Mỹ và Trung Quốc sản xuất được dùng trong những năm đất nước còn loạn lạc. Hay những thứ như thùng đựng đạn tiểu liên, những chiếc hộp nhôm dùng để đựng thuốc tây mà lính Mỹ, lính ngụy và cả những người lính cụ Hồ vào Nam đánh giặc (là chiến lợi phẩm) sử dụng như vật bất ly thân. Những thứ đó bộ sưu tập của ông Bạch Lộc không thiếu.

Bà Hoàng Thị Châu, 82 tuổi, người gắn bó với khu chợ “trời” ở đường Đoàn Thị Điểm ngay sau ngày giải phóng Đà Nẵng được vài hôm cho biết, đồ dùng thời chiến tranh rộ lên cỡ hơn 5 năm lại đây, cũng không có nhiều người hỏi mua. Khách hàng của bà chủ yếu là người nghèo, những nhà sưu tập có lẽ ít đến chợ mua đồ vì người bán ra giá khá cao, còn để dùng thì mấy cái bi-đông nước khó lọt mắt người tiêu dùng đại chúng. Ông Bạch Lộc khuyến cáo những người mua đồ thời chiến là rất nhiều đồ vật được nhặt nhạnh trong các hầm rác ở quanh sân bay Đà Nẵng rất dễ nhiễm dioxin, đây là mối nguy cho sức khỏe nếu không biết cách xử lý.

Mũ cối, ca đựng nước, cà-mèn đựng cơm… những kỷ vật thời chiến do người dân hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Mũ cối, ca đựng nước, cà-mèn đựng cơm… những kỷ vật thời chiến do người dân hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Rưng rưng với kỷ vật thời chiến

Trong số những đồ vật hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng, gồm một cái bi-đông bằng nhôm (chiến lợi phẩm), một cái mũ cối, một cái quai rút dép cao su, một cái gùi bằng vải, sổ ghi chép…, ông Phạm Thanh Ba nhớ nhất cái quai rút dép và cái gùi, hai vật “bất ly thân” với ông suốt những năm chiến tranh.

Hồi đó ở rừng, đôi dép cao su dưới chân theo người lính trèo đèo lội suối, quai dép rất dễ tuột. Mỗi lần xỏ lại quai hay thay quai dép mới, nếu không có cái quai rút dép làm bằng thép không gỉ, thì không có cách gì để đôi dép hoàn thiện. Thứ hai là cái gùi bằng vải do ông Ba tự may.

Ông bảo, toàn bộ cuộc sống của người lính nằm trong chiếc gùi, khi nó đựng võng, tài liệu, cây đèn dầu, hộp thuốc, thức ăn, gạo… Cái gùi nặng 25, 30kg, nằm trên vai ông Ba từ năm 1963, năm ông trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu đến khi đất nước giải phóng hoàn toàn.

Tham gia kháng chiến từ năm 1945, khi mới 14 tuổi, ông Phạm Thanh Ba lên đường tập kết năm 1954, 9 năm sau ông quay lại chiến khu. Năm sau về nhận nhiệm vụ Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà, vừa làm việc vừa chiến đấu bên cạnh những đồng đội như Trần Thận, Hồ Nghinh, Năm Dừa… Năm 1977 ông làm Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, rồi về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đến khi nghỉ hưu năm 1995.

Thời thanh niên sôi nổi nhất, hăng hái nhất là những năm ông Ba cống hiến cho cách mạng, cho cuộc chiến thần thánh của dân tộc. Ông xem các kỷ vật của mình là vật quý hiếm, nhưng rồi “Tôi năm nay đã 82 tuổi, hiến tặng kỷ vật cho bảo tàng để họ dùng phương pháp bảo quản đúng, giữ hiện vật lâu hơn, chứ nó ở với mình lâu cũng hư hại. Lớp trẻ bây giờ coi chuyện của chúng tôi như chuyện xưa, tính trân trọng cũng ít đi, nên tôi nghĩ tặng cho bảo tàng thì nó được chăm sóc chu đáo, để ở nơi trang trọng, có thể người không còn nhưng đồ vật vẫn còn đó”.

Và ông Ba giữ lại bên mình chiếc võng dù, theo ông từ năm 1967 cho đến giờ. Ông bảo, giữ thì giữ vậy chứ nhà bây giờ không có chỗ treo. Những người làm nên và dựng xây quê hương đất nước như ông Phạm Thanh Ba, nhìn kỷ vật của mình mà rưng rưng nhớ lại một thời huy hoàng và khốc liệt. Đi qua 2 cuộc chiến tranh, muốn trao thứ mình trân quý cho người đời biết đến, chỉ giữ bên mình chiếc võng dù, càng trân trọng những gì họ đã làm cho thế hệ mai sau.

Hàng nghìn kỷ vật thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ là bộ sưu tập đồ sộ, là công tác quan trọng của Bảo tàng Đà Nẵng. Chúng tôi đã tiến hành trưng bày theo các chủ đề từ năm 1945-1975, Hội tù yêu nước, Bộ sưu tập vũ khí tự tạo... Kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước năm 2015, Bảo tàng sẽ trưng bày nhiều bộ sưu tập, đặc biệt là chủ đề liên quan đến thời kháng chiến.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

HOÀNG NHUNG

.